Theo các nguồn tin của SCMP, giới chức Trung Quốc đang xúc tiến một kế hoạch cải tổ quan trọng đối với hệ thống quản trị của đặc khu Hồng Kông.
Giới tinh hoa Trung Quốc sẽ tề tựu về thủ đô Bắc Kinh trong tuần này để dự sự kiện chính trị thường niên quan trọng nhất, được biết đến với tên gọi Lưỡng hội – gồm các kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Lưỡng hội 2021 là dịp để các nhà hoạch định Trung Quốc thảo luận những vấn đề chính trị then chốt của đất nước. Nhiều đại biểu đã soạn thảo những đề xuất riêng nhằm góp phần cải thiện cơ chế quản lý, trong bối cảnh Trung Quốc bước vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).
Vén màn kế hoạch cải tổ lớn đối với Hồng Kông
SCMP cho hay Quốc hội Trung Quốc được dự báo sẽ thông qua những biện pháp cải tổ mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu “người yêu nước quản lý Hồng Kông” và loại bỏ những thành tố chống lại Trung Quốc.
Ông Hạ Bảo Long, chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macau (HKMAO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, hôm 22/2 đã có bài phát biểu hé mở những thay đổi sắp đến với Hồng Kông. Thông điệp này được xuất bản trên tạp chí Zijing (Hồng Kông) ngày 1/3.
“Những ai đứng đối lập với những người yêu nước chính là những kẻ hủy hoại nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ và không được phép có phần trong quyền lực chính trị của Đặc khu hành chính Hồng Kông. Bây giờ không được, và vĩnh viễn không được,” ông Hạ tuyên bố cứng rắn.
Ông Hạ nêu mối quan tâm về những tiêu chuẩn và nguyên tắc căn bản đối với chương trình cải tổ ở Hồng Kông sắp tới. Ông chỉ đích danh những nhân vật đối lập từng tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông – gồm Benny Tai, Joshua Wong và Jimmy Lai, và cho rằng họ cần bị trừng trị nghiêm khắc.
Chủ nhiệm HKMAO cho biết có ba tiêu chuẩn chính được đặt ra để xác định một “người yêu nước” và đáp ứng nguyên tắc “chỉ có người yêu nước có thể quản lý Hồng Kông”.
“Thực tế cho thấy rằng từ khi Hồng Kông trở về với Tổ quốc vào hơn 20 năm trước, số ít kẻ bạo động chống Trung Quốc chỉ gây ra hủy hoại, biến động và khủng bố cho Hồng Kông, và chỉ có những người yêu nước mới giúp cư dân bản địa tìm kiếm hạnh phúc, mang đến ổn định và thịnh vượng cho thành phố,” ông Hạ Bảo Long nói.
Hé lộ về những thể chế có thể trở thành mục tiêu cải tổ của Bắc Kinh, ông Hạ chỉ ra rằng những thế lực ly khai chống Trung Quốc, ủng hộ Hồng Kông độc lập, đã “thâm nhập cấu trúc quản trị… bằng nhiều cuộc bầu cử, bao gồm ở Hội đồng Lập pháp (LegCo), Ủy ban Bầu cử Trưởng đặc khu, và các hội đồng quận”.
Về tổng thể, theo SCMP, những thay đổi nhiều khả năng đưa tới hệ quả là sự suy giảm tiếng nói trực tiếp của người Hồng Kông trong lĩnh vực điều hành và lập pháp của thành phố. Cải tổ cũng sẽ bảo đảm cuộc bầu cử trưởng đặc khu tiếp theo diễn ra suôn sẻ.
Các cuộc bầu cử Hồng Kông sẽ thay đổi ra sao?
Khởi đầu của cải tổ được cho là nhằm vào Ủy ban Bầu cử Hồng Kông, gồm 1.200 ủy viên có nhiệm vụ bầu ra lãnh đạo thành phố. Ủy ban này gồm giới tinh hoa doanh nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo cộng đồng, ủy viên hội đồng các quận, các nghị sĩ và những chính khách ủng hộ Bắc Kinh. Cuộc bầu cử chọn lựa các thành viên của Ủy ban dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Bắc Kinh nhìn nhận 117 ghế dành cho các ủy viên hội đồng quận là phần đáng lo ngại nhất trong Ủy ban, bởi các vị trí này có thể sẽ lọt vào tay các chính khách phe đối lập đã giành thắng lợi tại 17/18 quận trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp quận ở Hồng Kông vào năm 2019.
Hầu hết người thắng cử ở cuộc bầu cử quận kể trên là những người đã tham gia hay dẫn dắt các cuộc biểu tình và tuần hành ở Hồng Kông trong năm 2019 để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi do chính quyền Trưởng đặc khu Carrie Lam đề xuất. Nhóm ủy viên bỏ phiếu này được cho là tiềm ẩn khả năng làm thay đổi kết quả bầu Trưởng đặc khu so với “lựa chọn số 1” của Bắc Kinh.
Các nguồn tin của SCMP nói rằng chính phủ trung ương Trung Quốc kỳ vọng giành được tất cả 117 ghế ủy viên hội đồng quận.
Một số nguồn tin khác nói rằng tầm ảnh hưởng của những nhà tài phiệt và ông lớn bất động sản của Hồng Kông cũng có thể bị suy yếu. Nhóm này từ lâu được xem là có vai trò then chốt trong bầu cử Trưởng đặc khu nhờ số phiếu trực tiếp và gián tiếp tại Ủy ban Bầu cử thông qua nhiều công ty con.
Bắc Kinh cũng đang cân nhắc lại về Hội đồng Lập pháp Hồng Kông gồm 70 nghị sĩ, với khả năng hủy bỏ 5 ghế “siêu đại biểu” – là những vị trí duy nhất do cử tri trực tiếp bầu ra. Chỉ có các ủy viên hội đồng quận được phép ứng cử “siêu đại biểu”. Cơ chế này được ban hành vào năm 2012 như một hình thức thỏa hiệp với đảng Dân chủ đối lập muốn có thêm các nhà lập pháp qua bầu cử phổ thông.
Chính phủ trung ương cũng đang nghiên cứu điều chỉnh phương thức bầu cử lập pháp. Giới chức Trung Quốc lo ngại tỷ lệ đại diện phức tạp của đặc khu có thể cho phép các nhân vật đối lập “lọt” vào LegCo với số phiếu tương đối nhỏ.
Ai sẽ quyết định về “người yêu nước”?
Ông Hạ Bảo Long nói rằng chính phủ sẽ trao đổi với chính quyền bản địa và tham vấn với nhiều khu vực trước khi xúc tiến những điều chỉnh. Ông Hạ đã đến thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, hôm 28/2 để thu thập ý kiến từ các lãnh đạo Hồng Kông trước thềm Lưỡng hội.
Tại hội thảo ở Thâm Quyến, các quan chức trung ương đã nghe quan điểm từ xã hội Hồng Kông về cải tổ chính trị, và phát đi thông điệp quan trọng về cách thức “vá” những lỗ hổng tồn tại trong hệ thống và thúc đẩy cải cách.
Các ý kiến phê bình đặt dấu hỏi về lý do Bắc Kinh không để cho chính quyền Hồng Kông tự mình thực thi cải tổ chính tị, bao gồm tổ chức tham vấn cộng đồng.
Giới chức Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ những khu vực khác nhau của Hồng Không về vấn đề cải thiện hệ thống đặc khu.
Ông Tian Feilong, chuyên gia về vấn đề Hồng Kông tại Bắc Kinh, nói mục tiêu cuối cùng của Đại lục là bảo đảm “người yêu nước quản lý Hồng Kông”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Trưởng đặc khu Carrie Lam hồi tháng 1 rằng “người yêu nước quản lý Hồng Kông” là một tiền đề căn bản cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại đặc khu.
Ông Tian cho biết những thay đổi trong Luật cơ bản Hồng Kông chắc chắn sẽ có liên quan đến Quốc hội Trung Quốc – cơ quan quyền lực nhất đất nước với thẩm quyền sửa đổi bất kỳ văn bản hiến pháp nào của quốc gia và đặc khu.
Các đạo luật địa phương như Sắc lệnh Bầu cử Trưởng đặc khu cũng sẽ được chính quyền thành phố sửa đổi để tương ứng với những điều chỉnh mà Bắc Kinh quyết định – các nguồn tin nói với SCMP.
Hiện nay, Phụ lục I và II của Luật Cơ bản nêu rõ thành phần của LegCo và Ủy ban Bầu cử tương ứng. Nguồn tin cho hay, “Công tác lập pháp địa phương cần phải được [Bắc Kinh] hoàn thành, sẽ có liên quan đến hai phụ lục này.”
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là những lập pháp điều chỉnh mới sẽ định nghĩa “người yêu nước” như thế nào.
Ông Hạ Bảo Long lưu ý rằng lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nhấn mạnh tầm quan trọng của người yêu nước vào năm 1984, trước khi các cuộc đàm phán về trao trả Hồng Kông diễn ra. Đặng định nghĩa họ là những công dân tôn trọng đất nước Trung Quốc, ủng hộ nhiệt thành Trung Quốc khôi phục chủ quyền với Hồng Kông, và không gây tổn hại cho sự ổn định và thịnh vượng của thành phố.
Theo ông Hạ, Đặng Tiểu Bình mới chỉ tập trung vào “lòng yêu nước”. Ông này nói định nghĩa rộng hơn cần có sự diễn giải xa hơn, theo đó người yêu nước là những người bảo vệ chủ quyền-an ninh-lợi ích phát triển của quốc gia, tôn trọng hệ thống cơ bản của đất nước và trật tự hiến pháp của thành phố, đồng thời nỗ lực hết sức để gìn giữ ổn định và thịnh vượng của thành phố.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị