Có 8 đến 10 quốc gia ở châu Phi đang lâm vào cảnh khó khăn tài chính, trong khi Trung Quốc chiếm giữ hơn 20% số nợ của họ.
Ngoại giao bẫy nợ?
Theo SCMP, các nhà nghiên cứu và phân tích cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang cố tình đẩy các nước nghèo vào “bẫy nợ” với mục đích chiếm đoạt tài sản của họ hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của “con nợ”.
Đây được cho là ngược lại với những cáo buộc thường thấy từ Washington cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” trong những năm gần đây.
Deborah Brautigam, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và là giám đốc sáng lập của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc (Cari), coi câu chuyện về “bẫy nợ” là một câu chuyện viển vông.
Cụ thể, chương trình Cari đã nghiên cứu kỹ lưỡng hàng nghìn tài liệu cho vay của Trung Quốc, hầu hết cho các dự án ở châu Phi, và báo cáo rằng họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc chiếm đoạt tài sản của các nước khác nếu họ không trả được khoản vay.
Thông tin này được đưa ra vào thời điểm hàng chục quốc gia châu Phi đang mắc nợ hoặc có nguy cơ nợ nần cao. Hầu hết các quốc gia – bao gồm Angola, Ethiopia, Kenya và Zambia, những quốc gia nằm trong số những nước vay nhiều nhất từ Trung Quốc – đã đề nghị giãn nợ. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp một số khoản giảm nợ cho hơn 20 quốc gia và hủy bỏ các khoản vay không tính lãi đáo hạn vào năm 2020 đối với một số quốc gia.
Câu chuyện về bẫy nợ đã trở thành đề tài nóng hổi vào năm 2017 khi các báo cáo cho rằng Trung Quốc đã chiếm cảng Hambantota của Sri Lanka khi quốc gia Nam Á này không thể thanh toán các khoản nợ của mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Cari cho rằng cảng không phải bị Trung Quốc chiếm giữ mà Sri Lanka đã tư nhân hóa 70% cảng do Trung Quốc tài trợ cho một công ty Trung Quốc.
Sri Lanka đã sử dụng hai khoản vay Trung Quốc – 307 triệu USD cho giai đoạn đầu của dự án cảng và 757 triệu USD giai đoạn sau – để xây dựng cảng Hambantota. Khi gặp khó khăn về tiền mặt, Sri Lanka quyết định cho các nhà khai thác có kinh nghiệm hơn thuê Cảng Hambantota vốn đang hoạt động kém hiệu quả và đã cuối cùng đã chọn công ty China Merchants. Điều này khiến công ty Trung Quốc trở thành cổ đông lớn trong hợp đồng thuê 99 năm giúp Sri Lanka huy động được 1,2 tỷ USD.
Cảng biển tại Sri Lanka
Nhưng trong suốt thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền, cảng ở Sri Lanka đã trở thành trường hợp được nhắc đến nhiều nhất về “bẫy nợ” của Trung Quốc và được sử dụng như một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã chiếm cảng biển chiến lược và coi nó là tài sản thế chấp.
Ngoài Sri Lanka, lo ngại về việc tịch thu tài sản cũng xuất hiện tại châu Phi cách đây 2 năm với tin đồn rằng Trung Quốc sẽ tiếp quản nhà sản xuất điện của Zambia và cảng chính của Kenya nếu các nước không trả được các khoản vay mà họ đã nhận từ Trung Quốc để xây dựng các dự án lớn.
Trong một bài phát biểu năm 2018, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cảnh báo rằng Trung Quốc “hiện đã sẵn sàng tiếp quản công ty năng lượng quốc gia của Zambia để thu hồi các khoản nợ của Zambia”.
Các quan chức của ông Trump lập luận rằng Trung Quốc đang mời gọi các quốc gia nghèo vay các khoản nợ không bền vững để xây dựng các dự án lớn. Khi những nước này không trả được các khoản vay, Bắc Kinh có thể chiếm đoạt tài sản của họ, từ đó mở rộng phạm vi chiến lược hoặc quân sự của Bắc Kinh.
Bà Brautigam cho biết câu chuyện “Trung Quốc đang cố tình đặt bẫy nợ” gây ra rất nhiều lo ngại trong xã hội ở một số quốc gia, bao gồm Sri Lanka, Malaysia, Kenya, Zambia, Tanzania và Nigeria.
Bà Brautigam nói: “Có thể thấy điều này từ những đảng chính trị đối lập ở các quốc gia kể trên”.
Vấn đề thực sự
Ở Zambia, tâm lí bài trừ Trung Quốc đã trở thành quan điểm cốt lõi của phe chính trị đối lập. Trong các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2006, ông Michael Sata đã cảnh báo phe đối phương không nên từ bỏ chủ quyền của Zambia. Nhưng khi được bầu làm tổng thống 5 năm sau đó, ông đã thay đổi quan điểm của mình và cho phép Bắc Kinh tiếp tục tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước. Ông Sata qua đời vào năm 2014.
Bà Brautigam cho biết các quan chức trong chính phủ ở hầu hết các quốc gia này đã tiếp tục đàm phán các khoản vay mới từ các ngân hàng Trung Quốc. Cơ sở dữ liệu của Cari đã liệt kê 20 khoản vay mới đã được xác nhận ở Kenya, Zambia và Nigeria và đã ký vào năm 2018 và 2019.
Tanzania là một ngoại lệ, bà Brautigam nói. “Họ đã không vay nợ từ Trung Quốc kể từ khi [Tổng thống John] Magufuli được bầu vào năm 2015.” Dưới thời ông Magufuli, Tanzania đã tạm dừng dự án cảng Bagamoyo trị giá 10 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ vì lo ngại về các điều khoản và khả năng trả khoản vay.
David Shinn, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington, cho biết lời đồn về “chính sách ngoại giao bẫy nợ” là không hoàn toàn chính xác.
“Vấn đề thực sự là Trung Quốc đang nắm giữ 20% nợ của châu Phi, chứ không phải ngoại giao bẫy nợ”, Shinn nói.
Ông cho biết có 8 đến 10 quốc gia ở châu Phi đang lâm vào cảnh khó khăn tài chính, trong khi Trung Quốc chiếm giữ hơn 20% số nợ của họ.
W. Gyude Moore, chuyên gia chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu và là cựu Bộ trưởng Bộ Công chính của Liberia, cho rằng điều quan trọng là phải hiểu tại sao một số quốc gia lại vay nợ từ Trung Quốc.
Ông Moore cho biết: “Trong nhiều trường hợp, đây là những dự án gặp khó khăn trong việc thu hút tài chính từ các bên cho vay thương mại, song phương và đa phương. Ví dụ, tại cảng Hambantota, công ty quản lí ban đầu là của người Canada.”
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận họ có kế hoạch sử dụng các khoản vay như một cách để chiếm đoạt tài sản chiến lược.
Sun Saixiong, nhân viên báo chí tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nigeria, cho biết: “Việc Trung Quốc tiếp quản tài sản là chuyện viển vông. Việc đưa điều khoản chủ quyền vào là một thông lệ trong nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Chúng tôi coi vấn đề này là vấn đề nội bộ của Nigeria.”
Các nhà phân tích bày tỏ hy vọng về Trung Quốc sẽ ít có đối đầu căng thẳng hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Quan điểm về [ngoại giao bẫy nợ] dưới thời ông Biden sẽ khác biệt, các chỉ trích sẽ dựa trên sự thật, chứ không phải tin giả. Vì vậy, hai bên sẽ ít đối đầu hơn,” một nhà phân tích cho hay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị