Các vấn đề về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc tiếp tục vấp phải sự chỉ trích từ một loạt các quốc gia trên thế giới.
Kyodo News mới đây cho biết 12 công ty lớn của Nhật Bản đã quyết định áp dụng chính sách ngừng giao dịch kinh doanh với các công ty Trung Quốc được cho là hưởng lợi từ bóc lột “sức lao động cưỡng bức” của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương.
Theo Japan Times, các công ty Nhật Bản gần đây đã gặp ngày càng nhiều áp lực sau khi Mỹ và Anh áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với bông và các sản phẩm khác có xuất xứ từ khu vực tự trị ở Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản – vốn bị chỉ trích vì chậm áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự – tỏ ra thụ động trong việc tiếp cận vấn đề này do lo ngại bị Trung Quốc trả đũa.
Trong một bản báo cáo hồi năm ngoái, Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng có hơn 80 công ty trên toàn cầu “hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng lao động Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thông qua các chương trình chuyển nhượng lao động lạm dụng.”
Gần đây, Kyodo News đã khảo sát 14 công ty lớn của Nhật Bản về vấn đề nêu trên.
Ngoại trừ Panasonic từ chối bình luận, tất cả các công ty còn lại cho biết sẽ từ chối làm việc trực tiếp với các công ty hưởng lợi từ lao động cưỡng bức hoặc cho biết không thể xác nhận các cáo buộc nhằm vào những nhà cung cấp của mình.
Về chính sách trong tương lai, 12 công ty trả lời rằng họ sẽ ngừng hoặc cân nhắc việc ngừng kinh doanh với các đối tác kinh doanh bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức.
Công ty Toshiba Corp có hợp đồng cấp phép với một công ty bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức, cho biết họ không thể xác nhận các tuyên bố nhưng đã quyết định chấm dứt kinh doanh với đối tác vào cuối năm nay.
Trong số 12 công ty Nhật Bản, có cả Fast Retailing – nhà điều hành thương hiệu quần áo Uniqlo, công ty Sony và Hitachi.
Hôm 22/2, Hạ viện Canada đã thông qua một bản kiến nghị tuyên bố rằng Trung Quốc đang “phạm tội diệt chủng” chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tây Tân Cương. Nghị quyết được thông qua với số phiếu 266-0 mặc dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau và nội các của ông đã chọn bỏ phiếu trắng.
Ngoài tuyên bố nói trên, bản nghị quyết còn kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế dời Thế vận hội Mùa đông 2022 khỏi Bắc Kinh.
Làn sóng tẩy chay Trung Quốc và Olympic Bắc Kinh đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ phía Trung Quốc, cho rằng các nước đã “can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ” của nước này.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị