Từ một gánh hàng bán ốc luộc, khoai lang ngoài chợ, bà Lương Thị Điểm đã gây dựng nên thương hiệu vàng Bảo Tín nổi tiếng Hà Thành, đồng thời trở thành điểm tựa cho các con phát triển thương hiệu riêng như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải,…
Vàng Bảo Tín là thương hiệu có tiếng trên thị trường kim hoàn phía Bắc từ vài chục năm nay. Bên cạnh Bảo Tín, người ta còn nhận thấy có rất nhiều cửa hàng khác cũng lấy “mác” và đặt tên na ná thương hiệu này như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân,…
Chính vì thế mà không ít người lầm tưởng đây là những thương hiệu “nhái” của nhau nhưng hoá ra, họ là anh em cùng nhà, cùng kế nghiệp từ mẹ.
Bà tổ nghề khởi nghiệp từ bán ốc luộc, khoai lang
Người khai sinh ra thương hiệu Bảo Tín là bà Lương Thị Điểm. Bà Điểm sinh năm 1936 tại thôn Bình Vọng, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, bà cùng chồng là ông Vũ Văn Khâm tham gia dân công làm nhiệm vụ chuyên chở đạn dược, gạo muối tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi hoà bình lập lại, ông Khâm được điều về làm công nhân cho Tổng Cục đường sắt. Bà cũng theo chồng chuyển công tác từ ga Thanh Hóa, về Phủ Lý, Thường Tín quê bà và sau cùng định cư ở thị trấn Văn Điển (Hà Nội).
Điều bất ngờ là cơ duyên đến với nghề bán vàng và gây dựng nên thương hiệu kim hoàn lớn nhất nhì Hà Thành của bà Điểm lại xuất phát từ gánh hàng bán ốc luộc và khoai lang ở chợ Văn Điển.
“Ngày ấy bà bán đủ thứ từ nước chè, đến ốc luộc, khoai lang, bún riêu, kem 1-2 hào… Vì ngày nào cũng bán ở cổng chợ nên có người quen tin tưởng nhờ bà bán hộ nhẫn vàng. Rồi bà bán được bao nhiêu tiền lại gửi lại đầy đủ. Cứ như thế ngày càng đông người nhờ bà mua bán hộ vàng bạc”, bà Điểm từng chia sẻ.
Ban đầu, gia đình bà chủ yếu dựa vào tự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để phân biệt vàng thật – giả, tuổi thọ của vàng.
Nói về triết lý kinh doanh, nữ doanh nhân bộc bạch: “Không bán đắt, không mua rẻ, không làm thiếu, làm giả, cân đong đầy đặn, nói lời dễ nghe. Lúc nào cũng phải tâm niệm như vậy, để khách hàng họ có đi ra khỏi cửa hàng họ cũng không quay lại phàn nàn ‘Vì sao của tôi thiếu thế, non thế’.”
“Làm nghề gì cũng phải có Tâm, có Tín mới lâu bền được. Chữ Tài có thể học, Tiền có thể vay. Riêng với nghề vàng, phải là con người bằng ‘vàng’, Tài Đức như vàng thì hãy làm. Vì không có Tài thì hại mình, không có Đức thì hại người. “
5 người con kế nghiệp, 5 thương hiệu riêng
Ông Khâm và bà Điểm có 6 người con, 3 trai 3 gái, trong đó có đến 5 người theo nghiệp vàng của bố mẹ. Các cửa hàng của họ đều đặt tên thương hiệu có kèm theo chữ “Bảo Tín”, sau đó là tên của mình như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long.
Trong đó, tên tuổi nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là Bảo Tín Minh Châu. Đây là thương hiệu của người con trai lớn – Vũ Minh Châu, ra đời từ năm 1989, sau khi ông đi học nghề kim hoàn, tự mua sách về học, tự phân kim, chế tác nhẫn.
Trong một lần chia sẻ với truyền thông, ông Vũ Minh Châu thừa nhận có thể do Bảo Tín Minh Châu thường xuyên chia sẻ thông tin với giới truyền thông hơn nên cửa hàng vàng của ông được nhiều người biết đến hơn cả.
“Có thể, anh em trong gia đình chỉ chăm chú làm ăn, ít khi xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng nên thương hiệu của họ không được biết nhiều. Tôi thì quan điểm khác, làm ăn là phải biết chia sẻ, nếu biết thông tin, có thể đánh giá được tôi sẵn sàng chia sẻ với mọi người, cũng có thể vì thế mà cái tên Bảo Tín Minh Châu được nhiều người biết đến”.
Hiện thương hiệu Bảo Tín Minh Châu có 5 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Người anh em Bảo Tín Mạnh Hải có 5 chi nhánh, Bảo Tín Thanh Vân có 2 cơ sở. Còn lại, Bảo Tín Mạnh Hải và Bảo Tín Hoàng Long, mỗi thương hiệu đều sở hữu một cửa hàng, cũng tại Hà Nội.
Trong khi đó, cửa hàng vàng Bảo Tín đầu tiên hiện vẫn đang hoạt động, được đặt tại thị trấn Văn Điển (Thường Tín, Hà Nội).
Theo lời ông Minh Châu, thị phần của gia tộc họ Vũ chiếm khoảng vài chục phần trăm tại Hà Nội. Riêng Bảo Tín Minh Châu ghi nhận doanh thu dao động từ 150 đến 300 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018, và tăng đột biến lên gần 600 tỷ đồng vào năm 2019, tuy nhiên mức lợi nhuận sau thuế chỉ vài tỷ đồng.
Hoàng Thuỳ-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị