Trên vỏ chai bia Hoàng Sa có một tấm bảng, là lệnh của vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra để thăm dò, đo đạc thủy trình Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hòn đảo này từ xa xưa.
“Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin gắn với tên hai hòn đảo nổi tiếng, Trung Quốc cũng có bia Tsingtao – Thanh Đảo. Vậy tại sao Việt Nam không có loại bia mang tên Hoàng Sa và Trường Sa?”
Một nhà sản xuất bia thủ công ở Việt Nam đặt câu hỏi và sau một thời gian nung nấu, Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer của ông đã cho ra đời loại bia mang tên Trường Sa – Hoàng Sa.
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Trần Song Hải, Giám đốc Seefahrer Premium Beer cho biết, đề bài tìm ra loại bia phù hợp với văn hóa, ẩm thực của người Việt, vừa dung hòa được ẩm thực phương Tây là quá trình không dễ. Các chuyên gia người Đức đã bắt tay làm được điều ấy sau 7 tháng ấp ủ, với 5 mẻ thử khác nhau để cuối cùng đã cho ra được hương vị bia phù hợp với số đông người Việt mang tên bia thủ công Hoang Sa special và Truong Sa special.
Bia sử dụng malt (lúa mạch) và hop (hoa bia) từ bang Bavaria, Đức. Do được sản xuất phục vụ cho người Việt, hương vị bia được điều chỉnh để làm sao phù hợp với các món ăn thuần Việt, thịt gia cầm và hải sản.
“Câu chuyện ở đây không đơn thuần là bia, mà thông điệp là hai quần đảo của chúng ta thấm vào máu thịt của từng người và là biểu tượng rất thiêng liêng. Chính vì vậy nên tôi lấy tên hai quần đảo này đặt cho hai sản phẩm bia và không ngờ được mọi người ủng hộ”, ông Hải chia sẻ trên Thời báo kinh tế Sài Gòn.
Đáng chú ý, Seefahrer Premium Beer đầu tư vào nhãn và bao bì để sau khi uống, mọi người sẽ lưu giữ những chiếc chai bia để làm kỷ niệm. Trên chai bia còn là câu chuyện về lịch sử của Hoàng Sa – Trường Sa.
“Trên vỏ chai bia Hoang Sa có một tấm bảng, là lệnh của vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra để thăm dò, đo đạc thủy trình Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hòn đảo này từ xa xưa. Các chữ viết này là chữ Nôm”, ông Hải kể trên Tuổi Trẻ.
Một nét độc đáo khác trên chai bia, đó là hình ảnh con tàu HQ-505 trong trận chiến năm 1988 khi trúng đạn sắp chìm. Khi đó, các chiến sĩ Việt Nam đã dũng cảm lao lên bãi cạn đảo Cô-lin, giữ được hòn đảo cho Tổ quốc.
Theo thông tin trên trang cá nhân của ông Trần Song Hải, giá bán lẻ 395.000 đồng/thùng 24 lon tại phía Nam. Giá bán tại miền Trung, miền Bắc thêm phí vận chuyển. Giá bán thùng 24 chai Hoàng Sa Specal và Trường Sa Special là 935.000 đồng/thùng.
Bia này cũng đang được bán trên ứng dụng GrabFood.
Dưới bài viết về loại bia mang tên biển đảo này hay trên trang cá nhân của ông Trần Song Hải, có thể nhận thấy sự nồng nhiệt của người Việt.
“Mình đã được uống 3 lần, mỗi lần 1 vị. Vị rất ngon, đặc biệt, bia này chưa có nhiều ngoài thị trường vì hiện tại chỉ sản xuất đủ số lượng đã đặt trước… chia sẻ thêm với mọi người”, một bình luận khác nêu rõ.
Dịp Tết vừa qua, hãng chỉ sản xuất được 2.500 thùng, trong khi lượng đặt lên tới 3.000 thùng.
Ông Hải cho biết nhiều nhà phân phối ở một số nước đã đàm phán để đưa bia này ra nước ngoài, kể cả đưa sang Hồng Kông (Trung Quốc). Đó cũng chính là mong muốn của ông Hải – lan tỏa cái tên Trường Sa, Hoàng Sa ra nước ngoài để tăng cường nhận thức về chủ quyền của Việt Nam.
Được biết, đầu năm 2019, ông Hải từng cho ra đời một loại bia mang tên B49 – viết “lái” đi từ tên bãi Tư Chính – một rạn san hô trên thềm lục địa của Việt Nam, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 đương đầu với mọi thử thách.
Cái tên xuất phát từ việc thời điểm đó, các tàu nước ngoài dữ dội quấy phá công tác khoan thăm dò dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành hợp pháp trên biển. Trần Song Hải năm ấy có cơ hội đón đoàn thủy thủ tàu sân bay của Mỹ đến thăm Việt Nam, ông mang bia này ra mời. Họ thắc mắc hỏi sao không phải là B52 mà là B49, ông Hải trả lời: “B52 là nợ máu với nhân dân Việt Nam nên tôi không thể đặt tên đó, mà B49 là viết tắt của Bãi Tư Chính là của Việt Nam”.
Đỗ Lan-Doanh nghiệp Tiếp thị