Người có tiền đang có xu hướng chú tâm hơn vào bất động sản, thời đại “tiêu dùng phô trương” đã qua, con người ta dần dần không còn muốn sử dụng những thứ bên ngoài để phô trương bản thân, thay vào đó, họ chú trọng tới những tài sản thực dụng và một cuộc sống thực tế hơn.
Một lần họp lớp, tôi phát hiện ra:
Người giàu có ngày một khiêm tốn hơn, họ ăn mặc khá bình thường, không “lồng lộn”, trong khi những người có điều kiện kinh tế bình thường lại vô cùng xem trọng tiêu dùng ngoại tại, chẳng hạn như đầu tóc, quần áo, túi xách, nước hoa, điện thoại, xe cộ…
Chẳng hạn như một bạn học đem con đi họp lớp cùng, con trai của cô bạn ấy từ đầu đến chân đều là hàng hiệu, vị trí đặt LOGO cũng rất hút mắt nhìn.
Trong chủ đề nói chuyện cũng có rất nhiều khác biệt:
Những người giàu có, chủ đề mà họ đề cập tới thường là những vấn đề trừu tượng như chuyện giáo dục của con cái, chuyện du lịch, kinh tế, đầu tư…
Trong khi những người kinh tế bình thường thì lại hay nói tới những chủ đề cụ thể như thương hiệu quần án, hãng điện thoại, bao giờ đổi xe, cuối năm được thưởng bao nhiêu…
01
Con người, ai cũng có một cái gọi là “tâm lý bù trừ”, ai cũng liều mạng để bảo vệ cái phần yếu đuối nhất bên trong nội tâm mình, chẳng hạn như người yếu ớt thì sợ người khác nhắc tới chuyện sức khỏe, người có kinh tế bình thường lại sợ người khác nhắc tới chuyện tiền bạc.
Vì vậy, một người càng không có tiền, càng sợ người khác nói mình không có tiền, xem thường mình, vì vậy, họ dùng những tiêu dùng bề ngoài để cải trang bản thân, cố gắng phô ra cho người khác thấy mình đầy đủ, sung túc ra sao.
Cũng giống như rất nhiều người luôn thích ăn diện cho con cái, cho con cái mặc những đồ hiệu xa hoa, để con cái tranh lại cái sĩ diện cho mình.
Nếu điều kiện cho phép, họ sẽ cố gắng mua một chiếc “xe sang”, Tết đến lái xe về nhà, oai biết bao.
Trong khi những người ưu tú, họ ngược lại lại quan tâm tới những thứ thực tế nhiều hơn.
Họ thà mừng tuổi cha mẹ thật nhiều còn hơn là cố tình mua vài bộ quần áo hàng hiệu về quê để trưng diện.
Họ thà là chọn cho con một ngôi trường tốt còn hơn là cố đấm ăn xôi mua cho con thật nhiều quần áo hàng hiệu; họ thà mua thêm vài căn nhà còn hơn là theo đuổi xe sang, bởi lẽ bất động sản có thể tăng giá, còn xe lại chỉ là đồ tiêu dùng.
Người bình thường tiêu tiền đều chỉ là những tiêu dùng đơn thuần, trong khi mỗi một đồng mà người ưu tú tiêu lại đều là đầu tư.
Đây chính là khác biệt trong tiêu dùng giữa người tài giỏi và người bình thường:
Tiêu dùng của người bình thường chia làm 3 tầng:
Tầng thứ 1: nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt, ăn mặc ở đi lại.
Tầng thứ 2: chứng minh mình không phải người nghèo.
Tầng thứ 3: kiếm lại sĩ diện.
Tiêu dùng của người ưu tú chia làm 3 tầng:
Tầng thứ 1: như cầu cơ bản của cuộc sống, ăn mặc ở đi lại.
Tầng thứ 2: các loại đầu tư (bất động sản, giáo dục con cái, nâng cao bản thân), du lịch và các hoạt động xã giao…
Tầng thứ 3: nhu cầu tinh thần (nhận thức bản thân, giúp đỡ người khác…)
Vì vậy, khi một người bắt đầu tiêu tiền vào những chỗ mà người khác không biết, hoặc là họ đang sắp thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, hoặc là họ đã thoát được ra khỏi sự tầm thường.
02. Thời đại tiêu dùng phô trương sắp kết thúc
Trong bất cứ thời đại nào, người ưu tú đều cần phải thêm một cái mác cho bản thân để duy trì địa vị của mình trong xã hội.
Vì vậy, những người ưu tú luôn sử dụng một cách mà những người bình thường không thể làm được để quảng cáo danh tính của họ.
Trước đó, Chanel, Hermès và Christian Louboutin của nữ, Mercedes-Benz, BMW và Audi của nam đều thể hiện cùng một ý nghĩa:
Tôi là người có tiền
Đây chính là cái gọi là “tiêu dùng phô trương”, thuật ngữ này được Thorstein Veblen đặt ra vào năm 1899 trong tác phẩm “The Theory of the Leisure Class”, chẳng hạn như bạn đeo một chiếc đồng hồ rất đắt tiền, tất nhiên là không phải để xem giờ, mà là để phô trương, để cho người khác thấy địa vị kinh tế của mình.
Nhưng, cùng với sự phát triển của thời đại, phương thức này không còn có thể nói lên được bản sắc của bạn nữa.
Với sự phong phú của các kênh mua hàng như thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến ở nước ngoài, những thứ “xa xỉ phẩm” khó tìm trước đây đã trở thành những món hàng không khó để có được.
Khi chi phí mua hàng xa xỉ giảm và các kênh mua trở nên đa dạng hơn, những thứ ban đầu chỉ thuộc sở hữu của người giàu không còn là duy nhất nữa, vì vậy phương pháp này không còn có thể quảng cáo bản thân.
Nhìn khắp bốn hướng, dường như hiện tại chẳng còn thứ gì đáng để khoe khoang nữa.
Túi xách, nước hoa, quần áo hàng hiệu, đi máy bay, ngồi du thuyền, số người có thể sở hữu được nhưng thứ này giờ đây không còn là thiểu số.
Đây cũng chính là lý do vì sao mà hiện nay, số người lái xe sang trên phố ngày một ít đi.
Người có tiền đang có xu hướng chú tâm hơn vào bất động sản, thời đại “tiêu dùng phô trương” đã qua, con người ta dần dần không còn muốn sử dụng những thứ bên ngoài để phô trương bản thân, thay vào đó, họ chú trọng tới những tài sản thực dụng và một cuộc sống thực tế hơn.
03“.Vốn văn hóa” quyết định đẳng cấp
Khi những món đồ xa xỉ không còn là tiêu chuẩn để phân chia giai cấp nữa, một phương thức tiên tiến hơn xuất hiện… Nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu trong cuốn “The Form of Capital” đã đưa ra một khái niệm có tên “vốn văn hóa”.
Vốn văn hóa là một kiểu lợi thế cá nhân có được thông qua giáo dục và kinh nghiệm, có liên quan mật thiết đến những trải nghiệm trong cuộc sống.
Thiết lập vốn văn hóa là một phương pháp mới để giới thượng lưu Mỹ củng cố vị trí của mình và ngăn chặn sự gia tăng của các tầng lớp khác.
Chúng ta đang bước vào một xã hội mà chủ đề nói chuyện hay kiến thức còn đắt hơn cả những chiếc túi hàng hiệu.
Nếu trước đây, thứ quyết định đẳng cấp xã hội của bạn là những chiếc túi hàng hiệu, thì giờ đây, bạn chỉ cần mở miệng ra là người khác đã biết đẳng cấp xã hội của bạn.
Trước đây, một chiếc túi có thể cho bạn cơ hội tiếp xúc với những người nổi tiếng, hiện nay tình trạng này ngày càng ít đi, vì những người nổi tiếng cũng đang nâng cấp chính mình.
Với việc nâng cao trình độ văn hóa, kỹ năng đánh giá và phân biệt đối xử của họ cũng theo đó mà nâng tầm.
Tầm hiểu biết, kinh nghiệm và tài nguyên nền tảng của một người là những thứ không thể che dấu.
Nền tảng giáo dục ra sao, quyết định bạn chú ý đến vấn đề xã hội nào, vì vậy ngay khi bạn mở miệng, người ta sẽ biết bạn là ai, và đang ở tầng lớp nào.
Những kiến thức và hiểu biết trong tương lai sẽ là khối tài sản rất quý giá, chúng là vốn văn hóa, và là giấy thông hành của tầng lớp tinh anh.
Hãy nhớ rằng, chỉ có tầm nhìn, tri thức và sự khôn ngoan mới có thể theo bạn mãi mãi, những vật chất bên ngoài chẳng thể nói lên được bạn là ai!
Như Nguyễn-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị