Tại Mỹ, nhu cầu học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc vẫn rất lớn. Tuy nhiên, người Mỹ cảnh giác với các Viện Khổng Tử do chính quyền Trung Quốc tài trợ. Mỹ đã có các luật để đối phó với cái họ gọi là mối đe dọa an ninh từ các viện này
Sức mạnh mềm của Khổng Tử
Các Viện Khổng Tử chuyên dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các cơ sở này được đặt tên theo nhà tư tưởng cổ đại của Trung Quốc, cổ xúy cho các nguyên tắc do Khổng Tử đề xướng, về sự trung thực, ngay thẳng, và đạo đức. Các viện này là một sản phẩm của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng hành dinh của Viện Khổng Tử là Hán Biện, được thành lập vào năm 2004. Người sáng lập là cựu Phó Thủ tướng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc – Lưu Diên Đông, khi bà này đứng đầu Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Cơ quan Hán Biện này hướng tới việc thiết lập các thể chế công phi lợi nhuận nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài.
Hiện có 541 viện và gần 2.000 lớp học Khổng Tử hoạt động ở 162 nước thuộc các cấp tiểu học, trung học, và đại học. Hán Biện cung cấp giáo viên, sách giáo khoa, và nguồn quỹ để vận hành, còn các viện dựa vào nguồn tài chính tương ứng từ các cơ sở nơi đặt các viện này.
Từ năm 2008 đến 2016, Hán Biện báo cáo đã chi hơn 2 tỷ USD cho các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Bắt đầu vào năm 2017, Hán Biện không còn thông báo về việc chi tiêu cho chương trình này nữa.
Mỹ e ngại các Viện Khổng Tử như thế nào?
Tại Mỹ, hoạt động của các Viện Khổng Tử đã bị giám sát kỹ càng hơn trong các năm gần đây, bắt đầu từ một bản báo cáo vào năm 2014 của Hiệp hội Các Giáo sư Đại học Mỹ (AAUP). Báo cáo hối thúc các trường đại học hoặc là đàm phán lại để bảo đảm tự do học thuật hoặc là đóng cửa các viện này. Một báo cáo khác của Hiệp hội Các Học giả Quốc gia Mỹ vào năm 2017 tiết lộ về cái mà họ gọi là cách thức của chính quyền Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Mỹ để nâng cao hình ảnh Trung Quốc .
Vào năm 2019, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã xác thực trước Quốc hội Mỹ rằng các Viện Khổng Tử “mang lại một nền tảng để chính quyền Trung Quốc truyền bá các tuyên truyền của mình, khuyến khích kiểm duyệt và hạn chế tự do học thuật”. Lời chỉ trích này đã dẫn tới việc đóng cửa 27% số Viện Khổng Tử ở Mỹ kể từ năm 2017. Hiện còn tổng cộng 75 Viện Khổng Tử tại các trường đại học Mỹ và khoảng 500 lớp Khổng Tử ở các trường học K-12.
Các cáo buộc trên rất đa dạng, bao gồm từ can thiệp vào việc tuyển giáo viên, xác định chương trình học, tổ chức biểu tình, và lựa chọn nội dung văn bản được cho là bóp méo lịch sử.
Giới phê bình cũng cáo buộc các Viện Khổng Tử gây áp lực lên các trường đại học khiến họ thôi tổ chức các hội thảo về Đài Loan và hủy các chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma. Các viện này còn bị tố đã theo dõi và đe dọa các lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài nếu họ đi trệch đường lối của Bắc Kinh.
Trong các năm qua, các mối quan ngại như trên đã dẫn tới việc đóng cửa các Viện Khổng Tử ở không chỉ Mỹ mà còn Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, và Thụy Điển. Các viện được phép hoạt động tiếp thì phải chịu các hạn chế và giám sát chặt chẽ hơn.
Các Viện Khổng Tử dưới thời Tổng thống Mỹ Trump
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, đảng cầm quyền tại Trung Quốc trở thành “kẻ thù số 1” của Mỹ, dẫn tới việc Mỹ có tới hơn 200 biện pháp nhằm vào chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả các Viện Khổng Tử.
Tháng 10/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos cùng gửi thư cho các trường đại học và các quan chức giáo dục bang, khuyên họ nên “thực hiện hành động bảo về môi trường giáo dục”. Các bức thư này đề cập “mối nguy hiểm” của Luật An ninh Quốc gia dành cho Hong Kong được thông qua vào tháng 6/2020.
Các bức thư này xuất hiện sau khi có một chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 8/2020 yêu cầu Trung tâm Viện Khổng Tử tại Mỹ đăng ký với tư cách là một “phái đoàn ngoại giao” theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA). Giờ đây các viện này bị cấm gây ảnh hưởng lên các trường cung cấp khuôn viên cho họ và bị yêu cầu phải báo cáo các món quà nước ngoài trị giá trên 50.000 USD gửi cho các trường.
Một báo cáo năm 2019 của Tiểu ban Thường trực Thượng viện về Điều tra cho thấy, có tới 69% các trường học của Mỹ không báo cáo các món quà, hợp đồng, hoặc đóng góp từ Hán Biện có trị giá trên 250.000 USD như được yêu cầu.
Mặc dù các lá thư không kêu gọi đóng cửa các Viện Khổng Tử, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vào năm 2020 lập luận rằng ông “hy vọng chúng ta sẽ buộc tất cả các viện đó đóng cửa trước cuối năm nay”.
Liệu chính quyền Tổng thống Biden sẽ cứng rắn với các Viện Khổng Tử?
Một số dự luật về xử lý ảnh hưởng của các Viện Khổng Tử ở Mỹ đã được đề xướng trong các năm gần đây, bao gồm Đạo luật Khổng Tử (tên đầy đủ là Đạo luật về Các quan ngại đối với các quốc gia tài trợ cho các viện bên trong trường đại học tại Mỹ) – dự luật được Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Louisiana tài trợ và đã được nhất trí thông qua tại Thượng viện Mỹ vào tháng 6/2020.
Cụ thể, đạo luật trên cấm các cơ sở giáo dục nhận quỹ liên bang từ Bộ Giáo dục Mỹ trừ phi các cơ sở này bảo đảm rõ ràng các điều sau:
1- bảo vệ tự do học thuật tại cơ sở giáo dục;
2- cấm việc áp dụng bất cứ luật nước ngoài nào tại khuôn viên của cơ sở giáo dục;
3- trao cho cơ sở giáo dục thẩm quyền quản lý toàn bộ đối với Viện Khổng Tử, bao gồm việc kiểm soát những nội dung giảng dạy, các hoạt động được tiến hành, học bổng nghiên cứu, và nhân sự làm việc cho Viện Khổng Tử.
Những sự ủng hộ cho việc xây dựng luật đối phó với Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng tại Quốc hội Mỹ. Tổng thống Mỹ Biden sẽ khó phủ quyết các dự luật đó nếu chúng nhận được sự hậu thuẫn ở mức độ cao từ các nghị sĩ thuộc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Lấp đầy khoảng trống tri thức bằng các chương trình nội địa
Để bù lại khoảng trống do đóng cửa các Viện Khổng Tử, Mỹ có thể chi thêm ngân sách cho các khóa học nội địa về văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, như là các khóa trong khuôn khổ Chương trình Giáo dục An ninh Quốc gia (NSEP).
NSEP là một sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, sáng kiến này sử dụng học bổng để thu hút các sinh viên và cử nhân Mỹ vào các vị trí trong bộ máy an ninh quốc gia.
Đối với các học viên quan tâm đến Trung Quốc, nội dung học tập bao gồm không chỉ đào tạo tiếng Hoa mà còn các khóa học về kinh tế, dân tộc học, địa lý, lịch sử, văn chương, và âm nhạc Trung Quốc.
Cho đến tháng 8/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tài trợ cho các chương trình tại các cơ sở giáo dục cho mở Viện Khổng Tử.
Thực ra vốn chẳng có gì sai trong ý tưởng một cơ sở văn hóa được một chính phủ tài trợ để thực hiện nhiệm vụ quảng bá ngôn ngữ, văn hóa, và các giá trị của nước họ tới các nước khác. Có nhiều nước làm thế, với các mô hình như Alliance Francaise (của Pháp), American Centers (của Mỹ), British Council (của Anh), Viện Goethe (của Đức)… Nhưng nếu bất cứ cơ sở nào như thế mà kiểm duyệt thông tin, bóp méo lịch sử để đạt mục đích chính trị thì nước chủ nhà có thể buộc phải chấm dứt hoặc thay đổi hoạt động của cơ sở đó.
Quốc hội mới của Mỹ nếu có thêm hành động để điều chỉnh các Viện Khổng Tử thì các hành động sẽ thu hút tới 2/3 số cử tri Mỹ (vốn có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc). Nhưng để điều chỉnh hiệu quả 75 Viện Khổng Tử còn lại ở Mỹ cùng khoảng 500 lớp học Khổng Tử thì Mỹ phải rót thêm tiền cho NSEP và việc mở rộng các chương trình học nội địa để thay thế./.
Theo VOV