Bất chấp thái độ của Mỹ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ luôn hành động theo ý mình. Chẳng nể nang gì ai, khi cần là họ triển khai các chiến dịch kể cả xâm lược nước khác.
Lực lượng của Ankara thường xuyên triển khai các hoạt động quân sự trong và ngoài nước, nhằm vào cả đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi cả 2 nhóm này là khủng bố và không ngại xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của các quốc gia khác để theo đuổi và loại bỏ các thành viên cũng như căn cứ của 2 tổ chức này.
Đó là lý do, dù có khả năng đụng độ với Mỹ và Nga nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên xâm phạm lãnh thổ Syria và Iraq, thậm chí còn thiết lập các trạm quan sát để nhắm vào kẻ thù người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với Lực lượng Dân chủ Syria, một nhóm được coi là nòng cốt của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ.
Gần đây nhất, từ ngày 10/2 – 14/2, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hoạt động ở miền bắc Iraq. Địa điểm là núi Gara.
Trong chiến dịch này cả đảng Công nhân người Kurd và Lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố chiến thắng. Các bên cung cấp những thông tin khác nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, họ đã tiêu diệt 53 thành viên đảng Công nhân người Kurd và bắt sống 2 thành viên. Nước này thừa nhận mất 3 binh sĩ và 4 binh sĩ bị thương.
Trong khi đó, đảng Công nhân người Kurd lại tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ mất ít nhất 30 binh sĩ và hàng chục người bị thương.
Một loạt thiệt hại khác liên quan đến cuộc tấn công này là 13 con tin Thổ Nhĩ Kỳ được phát hiện đã chết trong hệ thống hang động của khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, trong số 13 con tin ấy đa phần là dân thường và có một số sĩ quan tình báo. Tuy nhiên, phía đảng Công nhân người Kurd lại tuyên bố, đây là 13 con tin quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nhiều vũ khí và đạn dược cũng như các thiết bị quân sự đã bị thu giữ.
Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ mở rộng các hoạt động quân sự. Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục triển khai các chiến dịch ở những khu vực khác, những nơi mà họ cho rằng các mối đe doạ vẫn còn.
Những hành động hiếu chiến và quyết liệt của Ankara đang khiến nhiều bên liên quan “không hài lòng”. Thế nhưng, bất chấp việc các ông lớn không hài lòng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục triển khai các chiến dịch quân sự và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định dừng lại.
Tại Iraq, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Al-Nujaba đã đưa ra cảnh báo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không được xâm lược đất nước của họ nữa. Phong trào này mạnh mẽ tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu chung số phận như quân đội Mỹ, lực lượng đang thường xuyên bị tấn công vào các đoàn xe vận chuyển và các vị trí đóng quân.
Iraq kiên định với quan điểm, Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cần “đóng gói mọi thứ” ở phía bắc Iraq và về nước.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, phương Tây và chính phủ Iraq đã làm không đủ để chống lại sự đe doạ của khủng bố. Ankara tuyên bố, họ có quyền tự vệ. Nga y cả khi phải xâm lược nước khác, Ankara cũng phải truy quét khủng bố để bảo vệ mình.
Thành công của chiến dịch Claw Eagle 2 bị coi là đáng ngờ khi so sánh các con số mà Thổ Nhĩ Kỳ và đảng Công nhân người Kurd đã công bố.
Tuy nhiên, các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ không dừng lại ở cả Iraq và Syria. Ông Erdogan dường như đang rất nỗ lực trong việc giải quyết “các vấn đề an ninh” và mở rộng hoạt đồng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở các khu vực được coi là đe doạ đến lợi ích của Ankara.
Vì vậy, cuộc thập tự chinh của Thổ Nhĩ Kỳ với đảng Công nhân người Kurd vẫn sẽ tiếp tục.
Theo Người đưa tin