Sở hữu công nghệ lột cua ưu việt, cộng với sự nhiệt huyết, táo bạo và có mục tiêu, những người đồng sáng lập Công ty CP VinaCrab (tỉnh Phú Yên) đã xây dựng và vận hành hiệu quả dự án sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững. Đặc biệt, đội ngũ này đang từng bước đưa cua lột Việt Nam ra thế giới.
Những người trẻ nhiệt huyến với dự án cua lột
Sau nhiều cuộc điện thoại “săn đón”, cuối cùng tôi cũng “bắt” được Nghĩa, khi anh vừa xuống xe sau những ngày lặn lội mở vùng nguyên liệu ở miền Nam. Khá mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày nhưng mắt Nghĩa vẫn ánh lên niềm vui vì đạt được kết quả mỹ mãn.
Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CP VinaCrab (VinaCrab, phường Hòa Hiệp Trung, TX Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: Dự án của công ty vẫn còn đang trong giai đoạn kiến thiết, nguyên liệu là điều cốt lõi để đưa hoạt động công ty vào ổn định.
Vùng nguyên liệu tại tỉnh Phú Yên “đứng” từ hồi tháng 9 đến nay vì nước ngọt xâm nhập. Tình thế này bắt buộc công ty phải tìm cách mở rộng vùng nguyên liệu để chủ động sản xuất.
Suốt mấy tháng nay, khi vùng nuôi cua ở cuối dòng Bàn Thạch (thuộc TX Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên) tạm nghỉ, Nghĩa phải ngược xuôi khắp các tỉnh Tây Nam Bộ tìm hiểu vùng nước, khí hậu, thuyết phục bà con bản xứ tham gia cùng.
Nghĩa cho biết: “Ở đây độ mặn nguồn nước ổn định quanh năm, bà con dày kinh nghiệm, hạ tầng bài bản… Trước mắt, VinaCrab đang cùng một số hộ dân tại Trà Vinh nuôi thử nghiệm lứa đầu tiên để kiểm tra. Nếu ổn thì vùng này sẽ đi vào sản xuất trong năm nay với mục tiêu sản lượng 240 tấn/năm”.
Ðược thành lập từ cuối năm 2018, dù còn non trẻ nhưng VinaCrab đã xây dựng, vận hành thành công bước đầu dự án sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững.
Hiện vùng nguyên liệu của VinaCrab rộng gần 6ha đóng tại xã Hòa Tâm và Hòa Xuân Ðông (Thị xã Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên), cung cấp 17 tấn cua nguyên liệu/năm. Ðặc biệt, quá trình lột cua đều diễn ra ở trong nhà nên không bị ảnh hưởng thời tiết, nguồn nước được kiểm soát, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Theo Nghĩa, hiện trên thế giới chỉ có 2 mô hình nuôi cua lột tại Thái Lan và Myanmar. Còn ở Việt Nam, VinaCrab là đơn vị duy nhất được công nhận sở hữu trí tuệ công nghệ lột cua này.
Nghĩa chia sẻ: “Ý tưởng đến rất tình cờ qua một lần tôi đưa vợ đi ăn cua và cô ấy bâng quơ: Giá như ăn cua mà không phải lột vỏ thì tuyệt. Với kiến thức, kinh nghiệm làm trong ngành Thủy sản, tôi đã miệt mài nghiên cứu, đến năm 2018, sau nhiều năm theo đuổi thì làm chủ được công nghệ này”.
Ðặc biệt, quy trình lột cua của Nghĩa có thời gian lột từ 7-10 ngày, tỉ lệ lột thành công 75-80%; trong khi các mô hình của các nước thời gian lột mất 20-30 ngày, tỉ lệ thành công chỉ 30%.
Với ưu thế này, cuối năm 2018, Nghĩa tìm cộng sự là những bạn trẻ 8X, 9X. Và cùng nhau chinh phục nhiều cuộc thi khởi nghiệp tầm quốc gia. VinaCrab đoạt quán quân cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2019 và nhận giải đột phá sáng tạo tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.
Ước vọng đưa con lột đưa ra thị trường thế giới
Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh VinaCrab Nguyễn Thị Sơn Hải tâm sự: “Ngày nọ, công ty nhận cuộc gọi từ một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đề nghị hợp tác để xuất cua lột sang Trung Ðông.
Mọi vấn đề tài chính để mở vùng nguyên liệu, xưởng sản xuất… đối tác sẽ hỗ trợ, đổi lại chúng tôi phải cung cấp 20 tấn cua/tháng. Nếu nhận hợp đồng này, chúng tôi sẽ giải quyết được những ách tắc hiện tại, nhưng rủi ro sẽ không được kiểm soát vì “thả nổi” vùng nguyên liệu.
Lúc này, những người đồng sáng lập công ty đã ngồi lại, bình tĩnh cân đo và đi đến quyết định “buông”. Bởi nếu bất chấp làm thì rủi ro không chỉ riêng VinaCrab mà những nông dân đi cùng cũng thiệt hại lớn về kinh tế, niềm tin với VinaCrab cũng sẽ không còn, vùng nguyên liệu coi như mất.
Hiện danh sách khách hàng chờ của VinaCrab có hơn 40 đối tác lớn đến từ nhiều quốc gia như Canada, Ðức, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Philippines và nhiều tỉnh thành trong nước đặt hàng xuất khẩu, mở đại lý. Ðây là điều may mắn của chúng tôi về đầu ra trong tương lai”.
Với định hướng đi chậm, đi chắc, VinaCrab tập trung xây dựng nhân lực nguồn và vùng nguyên liệu. Chị Hải chia sẻ: “Khi các nhà nông đồng hành với doanh nghiệp cũng là lúc họ bắt đầu khởi nghiệp nên chắc chắn sẽ có nhiều trăn trở cần được hóa giải.
Ðây là lý do Trung tâm Phát triển mô hình nuôi cua biển tỉnh Phú Yên ra đời, thực hiện nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, đào tạo bà con theo quy trình nuôi chuẩn ngay từ đầu”.
Cùng với đó, những người đồng sáng lập VinaCrab vẫn liên tục tìm kiếm trợ lực từ các nhà đầu tư, tổ chức phi chính phủ… Chị Hải cho biết: Mới đây, VinaCrab được một nhà đầu tư tiềm năng chung vốn tham gia cùng. Những khó khăn về tài chính bước đầu được tháo gỡ.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên-ông Dương Bình Phú cho hay, sở đã thẩm định và công nhận quyền sở hữu công nghệ đối với quy trình nuôi cua nguyên liệu mật độ cao công nghệ VinaCrab và quy trình nuôi cua lột công nghệ Vinacrab. Sở đã tư vấn hỗ trợ VinaCrab hoàn tất hồ sơ để trở thành doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ
Ðiểm đến cuối của VinaCrab là tạo ra mô hình kinh tế mới thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng vùng cua nguyên liệu bền vững không hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng đảm bảo chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất như Mỹ, Canada, Ðức, Nhật…
Qua đó góp phần tăng giá trị nông sản Việt, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp – nông dân, tạo mối liên kết bền vững.
Tuyết Hương (Báo Phú Yên)