Các thủy thủ trên tàu cá Trung Quốc đã bị bắt hồi tháng 1 gần đảo Hiu ở vùng biển phía bắc Vanuatu và bị cách ly 14 ngày trước khi bị thẩm vấn và buộc tội.
Bắt giữ tàu cá Trung Quốc
Thuyền trưởng của 2 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt trái phép ở vùng biển Vanuatu hiện phải đối mặt với 5 năm tù giam và hàng triệu USD tiền phạt. Tuy nhiên, chủ tàu khẳng định cáo buộc trên là vô căn cứ và cho rằng tàu cá của họ “không bao giờ thực hiện hành vi đánh bắt thương mại ở vùng biển Vanuatu ”.
Được biết, 14 thành viên thủy thủ đoàn của 2 tàu Dong Gangxing 13 và Dong Gangxing 16 đã được bảo lãnh vào ngày 16/2 sau hơn một tháng bị cảnh sát giam giữ. Họ đang bị quản thúc tại một khách sạn ở Port Vila và hộ chiếu bị tịch thu.
Các thủy thủ trên tàu cá Trung Quốc đã bị bắt hồi tháng 1 gần đảo Hiu ở vùng biển phía bắc Vanuatu và bị cách ly 14 ngày trước khi bị thẩm vấn và buộc tội.
Tất cả đều bị buộc tội theo Đạo luật Đánh bắt cá của Vanuatu. Tuy vậy, chỉ có thuyền trưởng Chen You và Yang Dachao phải đối mặt với án tù hoặc phạt tiền.
Tội đánh bắt cá bất hợp pháp có mức án tối đa là 5 năm và tiền phạt lên đến 1 tỷ VT (tương đương 8,7 triệu USD). Sử dụng lưới vét là bất hợp pháp ở Vanuatu. Chỉ cần sở hữu một chiếc lưới vét sẽ bị phạt tới 5 năm tù giam và/hoặc phạt tiền lên đến 500 triệu VT (tương đương 4,4 triệu USD).
Các công tố viên cáo buộc cả hai tàu Trung Quốc đã tắt thiết bị phát tín hiệu vệ tinh khi ở vùng biển Vanuatu, đồng thời cho rằng tất cả các sĩ quan và thủy thủ đoàn nên bị tạm giữ vì họ có nguy cơ bỏ trốn khỏi đảo quốc này.
Các công tố viên lên tiếng trước tòa: “Các thiết bị quan trọng được lắp đặt trên tàu đã bị các bị cáo phá hủy: cảnh sát gặp khó khăn trong việc tịch thu các thiết bị này vì chúng bị hư hỏng”. Các công tố viên không tiết lộ cụ thể các thiết bị này là gì.
Phản đối từ Trung Quốc
Tuy nhiên, công ty chủ quản của 2 tàu cá là Mega East Ocean Fishing cho biết cáo buộc do tòa Vanuatu đưa ra là vô lý. Đại diện công ty khẳng định cả hai tàu Trung Quốc đều trống rỗng khi bị bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt cá trái phép.
Trong một thông điệp gửi tờ Guardian, công ty nói trên cho biết tàu của họ “không tiến hành đánh bắt thương mại ở vùng biển Vanuatu”.
“Vị trí của con tàu luôn được hiển thị cho các nhà chức trách trong khi mục đích của việc nhập cảnh không hề nguy hiểm hay bị che đậy như các phương tiện truyền thông đưa tin.”
Các chủ tàu cũng khẳng định “bộ phát tín hiệu vị trí của các tàu luôn được bật” và các tàu đang đi đến Vanuatu để xin giấy phép bắt đầu đánh bắt trong vùng biển của quốc gia này.
Mega East Ocean Fishing đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ trưởng phụ trách ngành đánh bắt cá Vanuatu khi đó là Hosea Nevu vào năm 2019, phác thảo một số đề xuất phát triển, bao gồm việc xây dựng đường trượt và nhà máy chế biến, cung cấp tới 20 tàu đánh cá ở vùng biển Vanuatu cũng như đánh bắt và chế biến cá ngừ và hải sâm.
Cả hai con tàu bị bắt giữ đều đã được đăng ký với Ủy ban Nghề cá vùng phía Tây và Trung tâm Thái Bình Dương. Chủ sở hữu của các tàu cho biết họ đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Ủy ban Đánh bắt cá. Những điều này là bắt buộc phải thực hiện để có thể được cấp giấy phép đánh bắt cá tại Vanuatu.
Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc đang di chuyển xa hơn và đánh bắt xa hơn trên Thái Bình Dương. Đây là một mối quan tâm lớn và ngày càng khiến các nước lân cận đau đầu.
Một báo cáo năm ngoái từ Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) cho thấy Trung Quốc có đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất thế giới, với gần 17.000 tàu.
ODI cũng phát hiện gần 1.000 tàu Trung Quốc đã đăng ký ở các nước khác và ít nhất 183 tàu trong của họ bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Một đội tàu Trung Quốc ngay ngoài khơi quần đảo Galápagos – trên biên giới lãnh hải của Ecuador – đã đánh bắt 73.000 giờ chỉ trong vòng một tháng vào năm ngoái. Vào tháng 12, một tàu cá Trung Quốc đã bị chặn và giam giữ trong lãnh hải của Palau vì được cho là thu hoạch hải sâm bất hợp pháp.
Vào tháng 12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc là “một quốc gia đánh cá có trách nhiệm”, “không khoan nhượng” đối với các hành vi vi phạm luật và quy định liên quan của các tàu đánh cá ở xa bờ.
“Chúng tôi đã tăng cường hợp tác quốc tế và đã làm rất nhiều để chống đánh bắt bất hợp pháp cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản với các nước khác.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị