Các tác giả của báo cáo cho rằng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc sẽ ngày càng phức tạp và mở rộng sang nhiều mặt.
Những điểm yếu của Trung Quốc
Mới đây, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington – đã công bố một bản báo cáo có tiêu đề “Nắm bắt điểm yếu: Chiến lược của nhóm Liên minh để Cạnh tranh với Quân đội Toàn cầu hóa của Trung Quốc”.
Trong bản báo cáo này, các tác giả cho rằng với tốc độ phát triển và hiện đại hóa nhanh như hiện tại, PLA sẽ mạo hiểm vượt ra ngoài vùng Tây Thái Bình Dương để tăng cường tầm ảnh hưởng ở các vùng xa xôi. Điều này có thể gây ra những thách thức và đe dọa đối với Mỹ theo nhiều cách, cả trong thời bình và thời chiến. Báo cáo đề xuất các quốc gia cần khai thác các điểm yếu chiến lược của Trung Quốc để chống lại sự bành trướng này.
Theo đó, các tác giả cho rằng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc sẽ ngày càng phức tạp và mở rộng sang nhiều mặt. Vì vậy, Washington và các đồng minh nước ngoài nên tăng đầu tư quân sự để gây áp lực lên những tính toán của Bắc Kinh.
Hai tác giả Toshi Yoshihara và Jack Bianchi của bản báo cáo đã chỉ ra 3 điểm yếu đặc thù của Trung Quốc mà Mỹ và các đồng minh thân cận có thể “tận dụng”, qua đó làm dàn trải nguồn lực của PLA trên đất liền, vùng ven biển và vùng xa bờ, nhằm hạn chế kế hoạch vươn ra toàn cầu của Trung Quốc.
Cụ thể, điểm yếu đầu tiên mà Trung Quốc gặp phải là vị trí địa lý của nước này. Các tác giả cho rằng việc Trung Quốc bị vây quanh bởi các nước lớn – cả ở trên đất liền và trên biển – là một điểm yếu rõ rệt.
Thứ hai, Trung Quốc buộc phải linh động trong việc kiểm soát các cuộc khủng hoảng ở lân cận, việc này sẽ khiến PLA không thể tập trung hoàn toàn vào các nhiệm vụ mang tính quốc tế.
Điểm yếu thứ ba – theo bản báo cáo – là Bắc Kinh cần xử lí hậu cần để giải quyết các vấn đề trong mạng lưới cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở nước ngoài – bao gồm những hoạt động liên quan đến chính trị, ngoại giao, luật pháp, kinh tế và chiến dịch quân sự.
Vấn đề tiềm tàng
Về cơ bản, Yoshihara và Bianchi cho rằng Trung Quốc không chỉ phải lựa chọn giữa chiến lược trên bộ và trên biển, mà các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải phức tạp của Trung Quốc với các nước láng giềng – chẳng hạn như vấn đề biên giới phức tạp với Ấn Độ, tranh chấp đảo Senkaku / Điếu Ngư với Nhật Bản, vấn đề Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp ở vùng Biển Đông và vấn đề Đài Loan – cũng đã tiêu tốn của Trung Quốc một nguồn lực đáng kể và khiến Bắc Kinh không thể tập trung toàn lực cho kế hoạch toàn cầu.
Báo cáo viết: “Mỹ và các đồng minh nên theo đuổi các chiến lược buộc Bắc Kinh phải phân tán các nguồn tài nguyên ra khắp các vùng biển gần, biển xa và vùng ngoại vi lục địa trong phạm vi rộng nhất có thể.”
“Mỹ và các đồng minh nên chứng tỏ một cách đáng tin cậy năng lực của họ trong việc ngăn chặn nguy cơ từ hạm đội biển xa, các lực lượng tiền tuyến và các tuyến đường liên lạc trên biển (SLOC) của Trung Quốc,” nhóm tác giả cho biết.
“Nhóm đồng minh nên gửi một tín hiệu rõ ràng rằng sự hung hăng của Trung Quốc sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng chung từ các nước. Ngoài ra, thay vì chờ đợi hoặc mong muốn Bắc Kinh thất bại, Washington nên chủ động và thực hiện các động thái ngay lập tức”.
Về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các vấn đềnghiêm trọng hơn, chẳng hạn như suy giảm nhân khẩu học, các vấn đề môi trường và nợ tiềm ẩn có thể gây ra khủng hoảng tài chính.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming sinh sống tại Bắc Kinh cho biết: “Những chiến lược như vậy có thể là ý tưởng tốt nhất để gây rắc rối cho Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ chỉ có hiệu quả hạn chế vì có một số đánh giá sai lầm.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị