Nếu như Nhà Trắng đã nhanh chóng có tuyên bố chỉ sau vài giờ, phải 7 tiếng sau Nhật Bản mới có phát ngôn của Ngoại trưởng và không chỉ trích rõ ràng quân đội Myanmar.
Trì hoãn lên tiếng
Việc Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trì hoãn lên tiếng về cuộc chính biến Myanmar trở nên đáng chú ý khi các nhà lãnh đạo chủ chốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và phương Tây đều lên tiếng phản đối hành động của lực lượng quân sự.
Lãnh đạo quân đội Myanmar đã bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao khác, cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái bị gian lận.
Tin tức về việc giam giữ bà Suu Kyi đã bùng lên vào đầu ngày thứ Hai tại Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong suốt buổi sáng cho biết họ vẫn đang thu thập thông tin. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cuối cùng đã đưa ra tuyên bố sau 4 giờ chiều – 7 tiếng sau khi báo cáo về vụ giam giữ – bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Myanmar” và thúc giục trả tự do cho bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo khác.
Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato trước đó cùng ngày đã khuyến khích các bên ở Myanmar giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại. Chính phủ đã gửi e-mail cho các công dân Nhật Bản ở Myanmar để tránh đi lại không cần thiết, nhưng không đưa ra bất kỳ tuyên bố chỉ trích rõ ràng nào về quân đội Myanmar về cuộc đảo chính rõ ràng.
Phản ứng của Nhật Bản trái ngược với động thái tức thời của phần lớn cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên của các nước thuộc Bộ Tứ (QUAD – Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ). Nhà Trắng đã ra tuyên bố chỉ trong vòng vài giờ, khẳng định “phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử vừa qua hay cản trở đến quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar”.
“Mỹ bày tỏ quan ngại liên quan đến việc quân đội Myanmar đã bắt giữ nhiều lãnh đạo chính phủ và xã hội dân sự”, Ngoại trưởng Antony Blinken viết trên Twitter cá nhân.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nhanh chóng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mà ông cho là “lộn xộn” ở Myanmar, và Ngoại trưởng Úc cũng ra tuyên bố thúc giục quân đội “tôn trọng pháp quyền, để giải quyết các tranh chấp thông qua các cơ chế pháp lý và ngay lập tức thả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác đang bị bắt giữ trái phép”.
“Ấn Độ luôn kiên định ủng hộ quá trình chuyển giao dân chủ ở Myanmar. Chung tôi tin tưởng rằng pháp quyền và tiến trình dân chủ sẽ được bảo vệ”, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Nguyên nhân đằng sau
Nhật Bản cũng chậm chạp phản ứng về vụ xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Trong khi các nhà lãnh đạo chủ chốt như bà Merkel, Tổng thống Pháp Macron nhanh chóng lên án vụ việc qua các tuyên bố chính thức và truyền thông xã hội.
Ông Suga lần đầu lên tiếng về vấn đề này hơn một ngày sau, chỉ trong khi hồi đáp câu hỏi của phóng viên.
“Tôi hy vọng nước Mỹ có thể cùng nhau tiến lên phía trước”, ông Suga nói vào thời điểm đó.
Ở trường hợp Myanmar, quan chức Bộ Ngoại giao cho biết phát biểu của ông Kato đã thể hiện quan điểm của chính phủ. Tuy nhiên, các phát ngôn này không mang sức nặng như tuyên bố trực tiếp hay trên Twitter của ông Suga.
Một số nguồn tin nói, ông Suga ngần ngại bình luận về các vấn đề nội bộ của Myanmar. Không giống như Mỹ và châu Âu, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ với chính quyền quân đội trước quá trình chuyển giao dân chủ. Nước này lo lắng rằng việc cô lập từ cộng đồng quốc tế có thể đẩy Myanmar gần hơn với Trung Quốc.
Khi Myanmar triển khai cải cách dân chủ vào 2010, các công ty Nhật đã hỗ trợ bằng cách đầu tư vào Myanmar. Hơn 400 doanh nghiệp Nhật hiện đang hoạt động tại Myanmar.
Ông Suga có thể đã do dự khi lên án quân đội Myanmar. Ngoài ra, các nước châu Á cũng không đề cập đến những diễn biến ở Myanmar, khi tìm cách cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, tờ Nikkei bình luận.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị