Ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bắc Kinh ủng hộ hoặc đồng ý ngầm cho cuộc đảo chính quân sự ở nước láng giềng Myanmar.
Trả lời báo chí về cáo buộc Trung Quốc đứng đằng sau vụ đảo chính ở Myanmar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Những giả thuyết này không phải sự thật. Với tư cách là quốc gia láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi mong muốn rằng tất cả các bên ở Myanmar có thể giải quyết một cách hợp lí những bất đồng nội bộ và duy trì ổn định chính trị và xã hội “.
Trong chuyến thăm tới thủ đô Myanmar vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ các quan chức bao gồm Tổng tư lệnh quân đội nước này – Thống tướng Min Aung Hlaing – người hiện đang nắm quyền trong cuộc đảo chính vừa qua.
Tuyên bố của ông Uông Văn Bân tương đồng với quan điểm mà ông đưa ra ngay sau khi vụ đảo chính xảy ra vào ngày 1/2. Cụ thể, ông nói: “Trung Quốc là nước láng giềng thân thiện của Myanmar và hy vọng các bên ở Myanmar sẽ giải quyết một cách hợp lí những bất đồng theo khuôn khổ hiến pháp và pháp luật để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội.”
Ông Uông cho biết thêm rằng Trung Quốc – quốc gia có chung đường biên giới với Myanmar – vẫn đang “tăng cường hiểu biết về tình hình” đảo chính vào thời điểm đó.
Ông Uông nói: “Bất kỳ hành động nào từ cộng đồng quốc tế cũng sẽ góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội của Myanmar, thúc đẩy hòa bình và hòa giải của nước này, đồng thời tránh leo thang xung đột và làm phức tạp thêm tình hình”.
Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền trước cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới với lý do gian lận trong cuộc bầu cử, chấm dứt một thập kỷ nền dân chủ nắm quyền ở nước này.
Myanmar là một phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Đây là sáng kiến với tầm nhìn trị giá 1 nghìn tỷ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho các dự án hàng hải, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu – bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc với trị giá ước tính 8,9 tỷ USD, nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến bờ biển phía tây của Myanmar.
Ông Tập cũng đã đến thăm Myanmar vào tháng 1/2020 để đánh dấu 70 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm, ông hứa rằng Bắc Kinh sẽ “kiên quyết ủng hộ chính phủ và nhân dân Myanmar trong quá trình theo đuổi con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình”.
Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng “hợp tác cùng vớiMyanmar trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sáng kiến Vành đai và Con đường và các chiến lược phát triển của Myanmar”. Theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Công ty Myanmar, Myanmar nhận 4,35 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc từ năm 2011 đến 2012, nhưng con số này đã giảm mạnh xuống còn 231 triệu USD trong năm tài chính tiếp theo.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị