Để có thể nhanh chóng gọi vốn hiệu quả và không đi đường vòng trong năm 2021, theo anh Nguyễn Anh Ngọc – CEO Babuki Consulting hay Mai Trường Giang – Founder Otoke Chicken; các startup cần xác định rõ doanh nghiệp mình đang như thế nào và số vốn cũng như phương án gọi vốn thích hợp với bản thân.
Năm 2020 là một năm không vui đối với giới startup Việt Nam, khi lượng tiền từ các quỹ đầu tư/nhà đầu tư đổ vào hệ sinh thái khởi nghiệp vừa giảm cả về lượng lẫn chất. Theo số liệu từ ThinkZone Venture: trong năm 2019, tổng số thương vụ gọi vốn thành công là 123 với tổng số tiền đầu tư khoảng 900 triệu USD; nhưng năm 2020 chỉ còn 40 và khoảng 220 triệu USD.
Có 3 nguyên nhân quan trọng tạo nên ‘bức tranh xám xịt” đó: bên cạnh việc đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động gặp gỡ – kết nối giữa các quỹ đầu tư với startup bị ngưng trệ, các nhà đầu tư còn có tâm lý thận trọng sau khi chứng kiến một số startup “thổi phồng” mức định giá những năm trước. Đồng thời, pháp lý tại Việt Nam vẫn còn là rào cản, khiến nhiều startup khi muốn nhận vốn phải thành lập pháp nhân tại những nước có khung pháp lý chặt chẽ về tài chính và đầu tư như Singapore.
Cụ thể, trong khi một số startup huy động được nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư như việc Tiki nhận khoản đầu tư 130 triệu USD từ Northstar Group, Siêu Việt Group được Affirma Capital rót vốn 34 triệu USD, hay việc thành lập liên minh 17 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam (VVCA), ra mắt quỹ đầu tư DO Ventures đầu tiên với số vốn khoảng 50 triệu USD; vẫn có những startup không thể trụ vững dù đã được rót vốn như Wefit, Leflair, Lamita hay Soya Garden.
Trải qua năm 2020 đầy sóng gió, thị trường vốn đầu tư startup Việt Nam vừa có những tin vui ngay đầu năm 2021 như Ví MoMo gọi vốn thành công Series D và GoStream – startup cung cấp công cụ livestream đa nền tảng, công bố nhận khoản đầu tư 1 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures.
Gọi vốn đầu tư chiến lược từ các tập đoàn lớn cùng ngành là một lựa chọn đáng cân nhắc
“Với những tín hiệu khả quan đó sau một năm ngưng trệ, các startup Việt Nam ngày càng có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, tính toán thực tế về dòng tiền, tối ưu nguồn lực và tăng cường tiềm lực tài chính thông qua gọi vốn.
Cơ hội và rủi ro luôn song hành, vì vậy việc nắm rõ được hình thức, đặc tính, cách tiếp cận các nguồn vốn cũng như những yêu cầu của quá trình gọi vốn sẽ giúp các nhà sáng lập có những bước đi đúng đắn, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm 2021“, anh Ngô Anh Ngọc, Founder và CEO Babuki Consulting chia sẻ tại hội thảo “Gọi vốn thực chiến, Cơ hội và Rủi ro”.
Bên cạnh những nguồn cung vốnđã trở nên phổ biến như từ các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital – VC), quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity – PE), vốn cộng đồng (Crowd Funding), gọi vốn qua nền tảng công nghệ; các startup còn có thể tham khảo nguồn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
“Các tập đoàn, doanh nghiệp này giống như những con tàu lớn, có hệ thống bài bản nhưng chuyển động chậm, còn startup như chiếc cano nhỏ lao đi rất nhanh, có thể chuyển hướng với tốc độ cao nhờ mô hình nhỏ gọn. Việc doanh nghiệp lớn đầu tư vào startup với vai trò nhà đầu tư chiến lược sẽ giải được bài toán về tăng tốc độ dịch chuyển và mở rộng quy mô. Đây là sự kết hợp mà đôi bên đều cùng có lợi“, anh Ngọc cho khẳng định.
Theo CEO Babuki, thì nhà đầu tư chiến lược là đơn vị cùng ngành với các công ty mà nhà đầu tư đang cố gắng mua lại. Thông thườngng, nhà đầu tư chiến lược có thể là đối thủ cạnh tranh – nhà cung cấp hoặc khách hàng của công ty.
Ưu điểm mà các startup có thể có khi hợp tác với nhà đầu tư chiến lược so với các nguồn vốn khác: nhận về giá trị cao hơn, đóng giao dịch nhanh hơn, chắc chắn hơn về việc đóng giao dịch, cơ hội phục vụ tốt hơn cho khách hàng, thỏa thuận dài hạn và cải thiện tính chính xác – hiệu quả trong việc ra quyết định. Ví dụ: Vinamilk và sữa Mộc Châu, Taisho va Dược Hậu Giang, SK Group và VinGroup/Masan
Ngược lại, các tập đoàn hoặc doanh nghiệp cũng phải trải qua những bước để hợp tác thành công với các startup: hiểu các startup, biết sự khác biệt giữa các startup và các tập đoàn, xác định mục tiêu của tập đoàn, đặt framework phù hợp, chọn sự cộng tác phù hợp giữa tập đoàn và startup.
Gọi vốn từ các quỹ tư nhân phù hợp với các doanh nghiệp trong mảng F&B có mô hình kinh doanh theo chuỗi
Các startup thường có 4 giai đoạn gọi vốn tương ứng với 4 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp: khi mô hình kinh doanh mới chỉ có ý tưởng – tương đương với vòng gọi vốn hạt giống/thiên thần, có doanh thu – gọi vốn ở quỹ mạo hiểm, cần scale-up mạnh – gọi vốn ở các quỹ đầu tư tư nhân, cuối cùng là niêm yết cổ phiếu/IPO – M&A để thoái vốn.
Chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm gọi vốn thành công từ quỹ Vietnam Investment Group (VIG) cho thương hiệu Otoke Chicken, anh Mai Trường Giang – Founder và CEO của chuỗi fastfood này, cho rằng: các startup trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) sẽ phù hợp để gọi vốn từ các Private Equity (PE). Ngoài VIG, thì Mekong Capital cũng là 1 quỹ PE tốt tại Việt Nam mà các founder trong ngành F&B có thể nghĩ đến khi muốn gọi vốn.
Vậy khi nào các chuỗi F&B có thể đi gọi vốn? Đó là khi chúng ta đã có 10 điểm bán trở lên, mô hình có thể scale-up nhanh và mô hình kinh doanh đã được chuẩn hoá để sẵn sàng cho việc copy và dán, lợi nhuận ebitda công ty dương. Ebitda gồm: lợi nhuận trước thuế + khấu hao tài sản hữu hình và vô hình + lãi ngân hàng. Quá trình gọi vốn sẽ mất khoảng 1,5 năm đến 2 năm.
Ngoài ra, chuyện gọi vốn thành công hay không còn liên quan đến startup của bạn thuộc loại gì: là công ty giá trị hay dòng tiền?
“Công ty dòng tiền là công ty có từ 2 sổ sách kế toán trở lên, thuộc doanh nghiệp SMEs – ít chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu do chỉ quan tâm đến tầm nhìn ngắn hạn, luôn có lợi nhuận. Công ty giá trị có 1 sổ sách kế toán, tính minh bạch cao vì được kiểm toán bởi big 4, chú trọng xây dựng thương hiệu bởi luôn có tầm nhìn dài hạn, có khả năng gọi vốn từ quỹ đầu tư/nhà đầu tư cao.
Thường các quỹ rất ngại đầu tư vào công ty dòng tiền bởi những điều sau: không xác định rõ giá trị công ty, không kiểm toán được, không thể báo cáo được dòng tiền cho các nhà đầu tư của mình, không thể thoái vốn theo chu kỳ (từ 5 đến 10 năm), không lên được sàn. Theo đó, tất nhiên các founder cần biết mình nên xây dựng công ty như thế nào để có thể dễ dàng gọi vốn“, Mai Trường Giang gợi mở.
Thêm một bí quyết huy động vốn hiệu quả nữa cho các startup: chúng ta nên cố gắng tạo ra một mô hình kinh doanh có 3 yếu tố sau: sản phẩm/dịch vụ dẫn dắt thị trường, độc nhất và mô hình kinh doanh tốt nhất trong ngành. Bất cứ mô hình nào thỏa đủ 3 điều kiện nói trên, nhà đầu tư sẽ tự tìm tới doanh nghiệp của bạn để đầu tư vào. Thành công của Otoke Chicken đã chứng minh điều đó, khi họ có sản phẩm độc đáo khác với thị trường cùng mô hình fast – food có khả năng scale-up nhanh nên gọi được vốn đầu tư từ VIG.
Tuy nhiên, cuộc đời vốn không phải là màu hồng, kể cả khi startup gọi được vốn thì nguy cơ ‘toang’ trong mối quan hệ với nhà đầu tư hay công việc kinh doanh của mình vẫn luôn hiện hữu.
“Cơ hội ở đây là các PE có nguồn lực tài chính mạnh, giá trị đầu tư của họ có thể lớn hơn cả vốn điều lệ của startup, tạo đòn bẩy giúp startup F&B mở rộng chuỗi nhanh chóng. Rủi ro lại nhiều gấp nhiều lần, như founder quản trị doanh nghiệp quá kém do kiến thức mỏng hoặc không tập trung đủ vào công việc kinh doanh.
Thứ hai, founder và quỹ không phù hợp văn hoá dẫn đến xung đột nhiều thứ; vậy nên chúng ta tìm hiểu kỹ văn hoá cũng như mong muốn của hai bên trước khi đi đến ký kết cuối cùng. Thứ ba, các kế hoạch kinh doanh mở rộng luôn phải đi kèm thêm các kế hoạch dự phòng hoặc quản trị rủi ro như dịch bệnh – thiên tai.
Thứ tư, doanh chủ quá tham lam, mong đợi mở rộng nhanh trong khi mô hình chưa chuẩn và chưa phù hợp để đóng gói; mà như mọi người hay nói ‘mô hình chưa tốt và càng nhân rộng càng nhanh chết’. Cuối cùng, do thiếu kiên nhẫn hoặc nhát gan, không ít founder chấp nhận ‘bán lúa non’, tức kêu gọi vốn hoặc bán quá nhiều cổ phần trong khi mô hình của mình chưa chứng minh được tính hiệu quả hoặc có khả năng phát triển bền vững“, anh Mai Trường Giang cảnh báo.
Quỳnh Như-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị