Vaccine Covid-19 là điểm nổi bật trong chuyến công du Đông Nam Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng này.
Cùng với đó, hiệu quả của một loại vaccine xuất xứ Trung Quốc đang thu hút sự theo dõi trên toàn thế giới.
Chuyến công du tặng vaccine Covid-19 của Trung Quốc sau công bố gây sốc của Brazil
Ngoại trưởng Vương Nghị đã thực hiện một chuyến công du được coi là nỗ lực của Trung Quốc trong việc củng có mối quan hệ với các nước láng giềng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước khi những chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp tới có thể thay đổi tình hình. Trong chuyến đi, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ cung cấp nửa triệu liều vaccine miễn phí cho Phillipines. Mặc dù không nói chi tiết, nhiều đánh giá cho rằng Trung Quốc sẽ gửi cho Phillipines loại vaccine do Sinovac phát triển.
Ông Vương Nghị cũng cung cấp 300.000 liều cho Myanmar, bao gồm cả vaccine do Sinopharm và Sinovac sản xuất.
Hành động tặng vaccine được thực hiện khi Viện Butantan – đối tác của Sinovac ở Brazil đã gây sốc lớn khi cho biết các cuộc thử nghiệm của họ phát hiện vaccine Covid-19 của Sinovac chỉ mang lại hiệu quả 50.4%. Kết quả này đề cập đến hiệu quả chung – chống lại tất cả các mức độ nghiêm trọng của Covid-19 kể cả các trường hợp nhẹ không cần điều trị.
Kỳ vọng lớn vào vaccine Trung Quốc
Việc vaccine Trung Quốc có hiệu quả thế nào trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, với kỳ vọng lớn rằng Trung Quốc có thể giúp lấp đầy khoản trống cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển sau khi hầu hết vaccine phương Tây đã được các nước phát triển đặt hàng.
Thông báo của Butantan đã thổi bùng lên các cuộc tranh cãi ở Philippines, khi một số nhà lập pháp cho rằng CoronaVac có giá cao, hiệu quả thấp, một số người khác khác lại cho biết sẽ xem xét thêm số liệu.
Tuy nhiên, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đánh giá, các nước đang phát triển tiếp tục tranh giành vaccine Trung Quốc. Và về phần mình, Trung Quốc đã nỗ lực gấp đôi để sử dụng cái mà một số người gọi là “ngoại giao vaccine” nhằm theo đuổi các mục tiêu đối ngoại – mặc dù các nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc phản đối việc sử dụng tên gọi này.
Về lâu dài, bối cảnh cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển có thể thay đổi khi Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tham gia sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu.
Lời thanh minh từ Sinovac
Sau khi Butantan công bố dữ liệu về hiệu quả vaccine của Trung Quốc vào hôm 12/1. Sinovac đã lên tiếng về dữ liệu thử nghiệm của mình để bảo vệ CoronaVac.
Sinovac cho biết, tỷ lệ hiệu quả đối với các đối tượng khác nhau và con số 50% là tổng hiệu quả trong các thử nghiệm ở Brazil. Con số này cho thấy CoronaVac có hiệu quả bảo vệ 100% đối với các trường hợp nghiêm trọng và 78 % hiệu quả đối với những người đang có phát triển triệu chứng cần điều trị.
Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả trên các trường hợp nghiêm trọng vẫn chưa được kiểm chứng đủ để phân biệt các kết quả thống kê.
Vaccine Pfizer BioNtech và Moderna đều báo cáo hiệu quả trong khoảng 95%, trong khi vaccine Oxford – AstraZeneca được báo cáo có hiệu quả 70%.
Tuy nhiên, ngay cả với hiệu quả 50%, các nhà khoa học cho biết đây là một nguồn cung cấp quan trọng cho các nước đang phát triển.
Vaccine với 50.4% hiệu quả có thể đóng một vai trò quan trọng trong các khu vực hiện không có khả năng tiếp cận với các loại vaccine khác.
Niềm tin lung lay?
Sinovac cũng chỉ ra dữ liệu về hiệu quả tạm thời tốt hơn trong các thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Insonesia lần lượt là 91% và 65%. Tuy nhiên, con số 91% tại Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên thử nghiệm ở một nhóm nhỏ gồm 1.322 tình nguyện viên và thử nghiệm ở Indonesia có 1.700 tình nguyện viên.
Tổng giám đốc Viện vaccine Quốc tế Jerome Kim cho biết, dữ liệu khó hiểu do Sinovac và các đối tác công bố sẽ làm xói mòn lòng tin của dân chúng.
Ông Kim cho rằng các số liệu ảnh hưởng tới uy tín của vaccine: “Đối với các công ty sản xuất vaccine, uy tín là điều quan trọng. Chúng tôi sẽ tiêm vaccine này – nếu vaccine an toàn, hiệu quả và được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế – để bảo vệ những người khỏe mạnh. Đảm bảo về độ an toàn và hiệu quả là điều quan trọng.”
Chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York, Huang Yanzhong cho biết, hiệu quả thấp hơn có thể ảnh hưởng tới mức độ sẵn sàng dùng vaccine của mọi người nếu họ có các lựa chọn khác. Và như vậy, các nước đang phát triển có thể mất nhiều thời gian để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vì có thể mức tiêm chủng sẽ được yêu cầu cao hơn.
“Các quốc gia có thể phải đối mặt với áp lực trong nước về việc mua vaccine do Trung Quốc sản xuất,” ông Huang nói.
Bất chấp những lo ngại, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đặt hàng và phê duyệt vaccine của Sinovac và Sinopharm. Vaccine của Trung Quốc không yêu cầu bảo quản trong nhiệt độ lạnh sâu, chính vì thế, tính thực thế của vaccine được đánh giá cao.
Chạy nhanh trước khi Mỹ “nhảy” vào cuộc chơi
Vào tháng 5 năm ngoái, chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, bất kỳ loại vaccine nào được phát triển ở Trung Quốc sẽ được coi là “hàng hóa toàn cầu”. Trung Quốc cũng ngỏ ý với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc muốn đóng góp nhiều hơn trong việc phân phối vaccine Covid-19.
Cả Sinopharm và Sinovac đều cho biết năng lực sản xuất của họ có thể đạt 1 tỷ liều trong năm nay.
Tình hình có thể thay đổi khi Mỹ bước vào cuộc cạnh tranh với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu. Vào tuần trước, cố vấn y tế chính của ông Biden, ông Anthony Fauci xác nhận rằng Mỹ dự định tham gia vào sáng kiến Covax (sáng kiến thúc đẩy sự thuận lợi tiếp cận vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên phạm vi toàn cầu) do Liên Hợp Quốc chỉ đạo – điều mà chính quyền thời ông Trump đã không tham gia.
Cũng theo ông Huang: “Do Mỹ đang tập trung vào các chiến dịch tiêm chủng trong nước, nên nước này có thể không có động cơ để dành một lượng vaccine nhất định cho việc ngoại giao. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc trở thành một trong những người chơi trội hơn trong cuộc chơi.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị