Moran Cerf không chỉ là một người, tôi có thể nói bộ não của anh ấy là cả một phòng ban sáng tạo.
Nếu có một cuộc thi để tìm ra “Người sáng tạo nhất hành tinh“, tôi sẽ đề cử Moran Cerf. Có thể bạn chưa biết anh ấy là ai, hoặc cũng có thể bạn đã biết “một trong số” Moran Cerf.
Tôi có thể giới thiệu anh ấy là một giáo sư thần kinh học trẻ, mới 42 tuổi, tại Đại học Northwestern. Hoặc một giáo sư giảng dạy kinh doanh tại Trường Quản lý Kellogg, mà cũng có thể là giáo sư biên kịch tại Viện Phim Mỹ (American Film Institute – AFI).
Nhưng trước đó, có một Moran Cerf đã được sinh ra ở Paris nhưng lớn lên ở Israel. Moran Cerf được coi là một thần đồng nghệ thuật khi còn nhỏ. Cậu bé theo học trường Nghệ thuật Israel, tham gia một số chương trình TV nổi tiếng trên sóng quốc gia, và sau này trở thành một trong những người mở đường cho phong trào Podcast.
Cũng trong thời gian niên thiếu đó, có một Moran Cerf đam mê lập trình đang cố gắng xâm nhập vào mạng lưới ngân hàng và tổ chức chính phủ. Anh ấy là một trong những hacker mũ trắng đầu tiên của Israel, trước khi vào đại học để lấy bằng cử nhân vật lý và sau đó là thạc sĩ triết học.
Tất cả những Moran Cerf kể trên giờ được tập hợp lại trong một bộ não 42 tuổi. Và đó là lý do hàng tuần anh ấy thường nhận được hàng ngàn email, gửi bởi những người muốn có được câu trả lời cho vấn đề hóc búa mà họ đang phải đối mặt – từ một trong số những bộ não sáng tạo nhất hành tinh.
Moran Cerf – giáo sư thần kinh học tại Đại học Northwestern.
Moran Cerf chia sẻ một trong số những câu hỏi rất hay mà anh nhận được gần đây đến từ một nhân viên sáng tạo:
Tôi hiện đang làm việc cho phòng sáng tạo của một tổ chức, nơi chúng tôi thường xuyên phải đưa ra những ý tưởng mới trong các cuộc họp brainstorm. Liệu có một mẹo hoặc công cụ nào từ các nghiên cứu khoa học thần kinh có thể hữu ích cho việc sáng tạo hay không?
Và đây là câu trả lời của Moran Cerf cho lĩnh vực tủ của anh, khoa học thần kinh và sáng tạo:
Sáng tạo là một từ mang bản chất thiên kiến, phụ thuộc vào góc nhìn của từng người. Chúng ta có xu hướng đánh giá sự sáng tạo dựa trên ngữ cảnh. Chẳng hạn, nếu bạn đã được đào tạo cả đời trong một môi trường tư duy nhất định (viết một ngôn ngữ theo hàng lối từ phải sang trái như tiếng Trung Quốc).
Nhưng tất cả những người khác trong nhóm của bạn lại được đào tạo theo một cách hoàn toàn khác (viết một ngôn ngữ từ trái sang phải như Tiếng Anh). Thì khi bạn đề xuất một ý tưởng phá vỡ mô hình cũ của họ, bạn được tất cả những người khác cho là sáng tạo. Chẳng ai nói rằng ý tưởng sáng tạo đó của bạn chỉ là một ý tưởng hết sức bình thường, như cách bản thân bạn đang nghĩ về nó.
Đây là lý do tại sao các nhóm sáng tạo rất cần sự đa dạng đến từ phía các thành viên. Sự đa dạng trong đội ngũ thành viên không chỉ phục vụ sự bình đẳng – cần phải nói rằng bản thân sự bình đẳng cũng đã rất quan trọng vì nó khiến thế giới trở nên công bằng. Mà sự đa dạng còn rất tốt vì nó tạo cơ hội cho những ý tưởng đa dạng hình thành, những ý tưởng có vẻ phản trực giác đối với những người khác, nhưng hoàn toàn khả thi ở góc nhìn của bạn.
Sự đa dạng rất cần thiết cho một nhóm sáng tạo.
Vì vậy, một khi bạn có thể tập hợp một nhóm tư duy khác nhau vào thành một nhóm sáng tạo, bước tiếp đó mới tính đến những thủ thuật hữu ích để khiến công việc sáng tạo trở nên tốt hơn.
Một thủ thuật mà tôi thấy cực kỳ hữu ích và thường xuyên giảng cho các sinh viên của mình, là “tạo ra các ràng buộc“. Nếu phải phát biểu nó trong một dòng thì “Nếu bạn muốn sáng tạo, hãy tạo các ràng buộc.”
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói.
Ví dụ, hãy thử làm một bài tập sáng tạo này:
Trong 30 giây tới, bạn hãy thử thiết kế ra một trò chơi. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Bắt đầu. 30, 29, 28,…
Hết giờ rồi.
Bây giờ, hãy thử nghĩ lại xem: Bạn cảm thấy bài tập đó khó hay dễ?
Nếu đã có câu trả lời cho mình, hãy thử một bài tập thứ hai tương tự. Về cơ bản, nó cũng giống với bài tập trên nhưng có một sự thay đổi nhỏ trong đề bài:
Trong 30 giây tới, bạn hãy thử thiết kế ra một trò chơi. Lần này, trò chơi sẽ bao gồm một “chiếc thang” và một “bông hoa“. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Bắt đầu. 30, 29, 28,…
Xong rồi, một lần nữa bạn hãy tự nghĩ xem bài tập thứ hai này khó hay dễ hơn?
***
Đối với hầu hết mọi người, họ sẽ cảm thấy bài tập thứ hai dễ dàng hơn. Bằng cách nào đó, rất nhiều ràng buộc giữa “chiếc thang” và “bông hoa” đã giúp thu hẹp lại rất nhiều lựa chọn của chúng ta và cho chúng ta một điểm khởi đầu tốt. Từ điểm xuất phát đó, chúng ta có thể tìm ra một loạt các tùy chọn dễ dàng hơn để thiết kế ra một trò chơi bao gồm hai đối tượng.
Điều mà tôi rút ra được là hóa ra, bộ não của con người hoạt động rất mượt mà chỉ cần chúng ta cho nó một thứ gì đó để làm điểm xuất phát, các ý tưởng sẽ tuôn trào theo sau đó. Não bộ có thể bẻ gãy, bẻ cong hoặc kết nối các điểm xuất phát thành những ý tưởng mới dễ dàng hơn rất nhiều, so với khi cố gắng tạo ra tất cả mọi thứ từ hư không.
Về lý thuyết, không có gì ngăn cản bạn thêm vào bài tập thứ nhất các ràng buộc như “chiếc thang” và “bông hoa“. Nhưng thực tế không ai làm điều đó vì chúng ta chưa nhận ra được mặt lợi của các ràng buộc mà áp đặt lên bản thân mình.
Vì vậy, lần tới khi bạn được yêu cầu đưa ra một ý tưởng sáng tạo trong một cuộc họp, một điều bạn có thể làm là hãy tạo ra một ràng buộc ngẫu nhiên cho chính mình (ví dụ: hãy thử quyết định rằng ý tưởng của bạn phải bắt đầu bằng chữ “f”, hoặc nó phải có giá giới hạn dưới 40 USD). Những ràng buộc này sẽ cung cấp cho não bộ của bạn một điểm tựa để bắt đầu hội tụ các ý tưởng sáng tạo xung quanh đó.
Nhân tiện – như một phần thưởng – khi bộ não của bạn thực sự đã bắt đầu chạy với những ý tưởng sáng tạo, có khả năng một số ý tưởng sẽ thoát ra khỏi những ràng buộc ban đầu. Vậy cũng chẳng sao, càng sáng tạo hơn.
Miễn là bạn có một vài ý tưởng đang chạy trong đầu, khi đó bạn sẽ biết bộ não của bạn đang hoạt động. Nếu quá phân vân thì bạn cũng có thể tự hạn chế sự vượt rào của chính mình. Chẳng hạn như đừng cho phép bản thân mình thoát khỏi ràng buộc đã tạo cho đến khi bạn phát triển được 4 ý tưởng từ đó. Hãy thử xem nhé.
Thanh Long-Theo Pháp luật và Bạn đọc