Giàu có lẫy lừng nhưng cuối cùng bản thân nữ đại gia lại không có được hạnh phúc trong tình cảm, không có được tấm chân tình cho đến cuối đời.
Đôi khi, sự giàu có không đủ bảo chứng cho một cuộc sống hạnh phúc, bình yên và tràn ngập niềm vui. Đối với phụ nữ, sự tài giỏi có thể mang đến cho họ tiền tài, danh vọng, sự giàu có hơn người.
Thế nhưng tình yêu và hôn nhân thì không có quy luật tỉ lệ thuận. Có biết bao tấm gương sống trong giàu sang mà buồn bã, khổ sở cho đến cuối cuộc đời. Như câu chuyện về nữ đại gia đầu tiên của Việt Nam – bà Tư Hồng cũng như thế.
17 tuổi bị ép gả để gán nợ
Bà Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1868 ở Hà Nam trong một gia đình nghèo khó. Đến tuổi thiếu nữ, bà Lan trổ mã, xinh đẹp và sắc sảo. Bà lại có tư chất thông minh, nhanh nhẹn hơn người nên khiến trai tráng trong vùng si mê.
Những tưởng người con gái xinh đẹp sẽ tìm được bến đỗ cho cuộc đời thì biến cố ập đến. Năm 17 tuổi, bà bị bố mẹ ép gả cho lý trưởng để gán nợ. Không cam tâm sống kiếp làm vợ lẽ cho người, bà đã bỏ trốn ra Nam Định để làm thuê làm mướn kiếm tiền mưu sinh.
Tại xứ Nam Định, bà gặp gỡ và nên duyên cùng một người đàn ông bán bún xáo trâu. Người đàn ông này cũng có cuộc sống vất vả, ăn bữa nay phải lo bữa mai nên cuộc sống cả hai chẳng mấy êm đềm. Đã vậy, sống với nhau 2 năm mà bà Lan lại không sinh được con.
Trong khi đó tại quê nhà, bố mẹ bà lần lượt qua đời. Em trai bị bắt làm đầy tớ để trừ nợ. Biết được tình cảnh ngặt nghèo của em, bà luôn canh cánh chuyện giải cứu em thế nhưng người chồng hiện tại lại nghèo đói, không thể có cơ hội trở mình. Lí do đó cộng thêm việc chẳng sinh được mụn con nào cho chồng, bà quyết định dứt áo ra đi để giải thoát cho anh ta.
Trong hành trình lưu lạc tiếp theo, bà Lan đã gặp ông chủ buôn lúa tên Hồng, người gốc Hoa. Ông Hồng si mê nhan sắc cũng như sự tinh ý của bà Lan nên có ý muốn lấy bà làm vợ. Chính người đàn ông này đã bỏ ra số tiền lớn để cứu em trai bà Lan ra ngoài. Khi đó, mọi người hay gọi bà là thím Hồng theo tên chồng.
Cảm kích vì điều đó và cũng cảm thấy ông Hồng có thể nương tựa vào nên bà đã đồng ý kết hôn và theo chồng về sinh sống ở Hải Phòng. Những tưởng cuộc đời bà sẽ bình lặng như vậy trôi qua nhưng không phải. Biến cố tiếp tục ập đến khi công việc làm ăn của ông Hồng kém thuận lợi. Ông bỏ về nước, mặc kệ cô vợ trẻ cùng hàng tạp hóa nho nhỏ kiếm kế sinh nhai qua ngày.
Huyền thoại về kinh doanh nhưng hôn nhân đầy đau khổ
Đau đớn trước thực trạng cuộc sống nhưng bà không từ bỏ, quyết định lên Hà Nội và bắt đầu bước vào con đường kinh doanh. Hồi đó, theo trào lưu phụ nữ lấy chồng Pháp, sống theo lối Tây phương, bà cũng quyết định học tiếng Pháp theo lời bạn bè rủ rê.
Bà Trần Thị Lan còn mở cửa hàng bán gạo, đi buôn chuyến lên mạn ngược. Nhân ngày quốc khánh Pháp năm 1892, bà tham dự buổi vũ hội, tình cờ gặp gỡ viên quan tư Croibier Huguet ngoài 30 tuổi, tên thường gọi là Laglan.
Khi đó, Laglan nhanh chóng mê đắm nhan sắc của bà nên tìm cách tỏ tình. Sau một thời gian, bà chính thức trở thành quan tư phu nhân. Đây cũng chính là nguồn gốc của cái tên Tư Hồng.
Sự nhanh nhạy và trí thông minh vốn có, bà bắt đầu dấn thân vào nghiệp kinh doanh với nghề thầu khoán và đạt được nhiều thành tựu khi chỉ mới 23 tuổi.
Năm 1892, bà gây chấn động khi là người phụ nữ đầu tiên mang hồ sơ đến cơ quan sở tại, phụ trách về thương nghiệp xin thành lập công ty thầu An Nam.
Vì thông thạo tiếng Pháp lại hiểu rõ luật và quy định nên bà sớm được cấp phép mở công ty. Việc này thật sự gây chấn động lớn bởi hồi đó phụ nữ chỉ việc lo toan chuyện trong nhà. Những người lấy chồng Tây thì chỉ hưởng cuộc sống đủ đầy, ít ai lăn xả vào cuộc sống vất vả. Thế nhưng bà Tư Hồng lại không như thế.
Nhờ nghề nghiệp của chồng, bà đã được các đơn vị Pháp đóng ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) kí kết các hợp đồng cung cấp lương thực. Mối làm ăn béo bở này chẳng phải ai cũng có thể sờ đến được.
Hai năm sau, năm 1894, bà Tư Hồng trở nên nổi tiếng khi vượt mặt được các doanh nghiệp có máu mặt của người Hoa, người Pháp, trúng thầu hợp đồng rất lớn: Dỡ tường thành Hà Nội.
Để trúng thầu dự án này, bà Tư Hồng chấp nhận hạ giá thầu xuống mức thấp nhất. Vấn đề phải giải quyết đầu tiên là nhân công, bà về Hà Nam, thuê nông dân lên làm và thưởng tiền cho ai giới thiệu đủ 10 nhân công đến.
Bà mua một căn nhà mặt phố Hàng Da làm nơi giao dịch, tiếp nhận nhân công. Đồng thời, bà về làng rèn ở Xuân Phương (Từ Liêm) đặt sản xuất búa, xà beng với giá rẻ.
Số gạch đá cũ dỡ từ thành Hà Nội, bà mua đất, dựng hàng loạt ngôi nhà ở Cửa Đông, 8 căn nhà Hàng Da, 1 biệt thự ở ngõ Hội Vũ, nhà ở phố Quán Sứ và xây trường dòng Punigier năm 1897 (Trường THPT Việt Đức ngày nay).
Như vậy, số tiền từ kinh doanh nhà ở đã bù lỗ cho khoản tiền bà bỏ ra thuê nhân công. Chẳng mấy chốc, sản nghiệp của bà Tư Hồng tăng lên nhanh chóng.
Tuy vậy, việc phá thành Hà Nội đã khiến cho người dân thời đó dè bỉu, khinh miệt tên tuổi bà Tư Hồng.
Thành công liên tiếp, bà Tư Hồng mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang thực phẩm, cung cấp lúa gạo cho các nhà tù và vận chuyển tàu biển. Đội vận chuyển đường thủy của bà, trừ lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, phần lớn là phụ nữ.
Sau này, 3 tỉnh miền Trung bị mất mùa vào năm 1902-1903, bà đã ra tay giúp đỡ.
Sự nghiệp thì thành công lẫy lừng như thế nhưng cuộc sống riêng của bà Tư Hồng thì lại đau khổ và chẳng mấy hạnh phúc. Bà trải qua 3 đời chồng nhưng chẳng có mụn con nào.
Người chồng Pháp càng ngày càng lộ thói trăng hoa, trai gái, thậm chí ngoại tình chẳng phải kiêng dè vợ. Cũng bởi vì bản thân không thể sinh con “cây độc không trái, gái độc không con” nên bà đành lặng thinh, ngậm ngùi cho qua. Mọi sự quan tâm, bà dồn cả cho người em. Khi thành công, bà đã đón vợ chồng em trai về cùng sống ở căn biệt thự tại ngõ Hội Vũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Những năm cuối đời, bà gặp nhiều cú sốc nên sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Thời điểm đó, gã chồng Tây bắt đầu ngày đêm ân cần chăm sóc và dụ dỗ vợ sang tên tài sản cho mình. Tuy vậy, nhận ra bộ mặt thật của chồng nên bà không ký, xé nát tờ giấy và quyết định ly hôn. Theo nhiều nguồn tin, trước khi qua đời bà để gia sản lại cho em trai và các cháu.
Tổng hợp-An Thanh-Theo Pháp luật & Bạn đọc