Mô hình nuôi chồn hương ở vùng đất Mũi Cà Mau – nơi cực Nam Tổ quốc đang phát triển và nhân rộng. Chồn hương là loài động vật có giá trị kinh tế cao, nhờ có mô hình này mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nuôi chồn hương-Giúp nông dân thoát nghèo
Nhiều năm trở lại đây, chồn hương đã chứng tỏ là vật nuôi phù hợp với vùng đất Cà Mau, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 100 hộ nuôi với tổng đàn trên 3.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hiển và U Minh (tỉnh Cà Mau).
Theo con đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đấu (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ông Đấu là người có kinh nghiệm nuôi chồn hương hơn 10 năm nay. Với mô hình này, mỗi năm, ông Đấu bán con giống và thương phẩm thu lãi cả tỷ đồng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Đấu chia sẻ: “Thời chiến tranh tôi có theo ba mẹ sống trong rừng ngập mặn Ngọc Hiển và được tiếp xúc với loài chồn hương này nên hiểu đặc tính của nó. Hồi đó, người ta hay gài bẫy đem ra chợ bán đổi lấy gạo. Tôi thấy giống chồn có nguy cơ tuyệt chủng nên nảy ra ý tưởng mua một cặp về gầy (nuôi), phát triển đến bây giờ đã thành công. Trải qua hơn 10 năm nuôi đến nay, tôi đã bán ra thị trường hơn 1.000 con”.
Theo ông Đấu, chồn hương là loài rất dễ nuôi, ít bệnh. Mỗi ngày chúng ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Nguồn thức ăn chính của chồn là chuối, cá, ba khía… Do thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên nên việc nuôi chồn hương không tốn nhiều chi phí. Khi nuôi cần chú ý thiết kế chuồng cao, thoáng mát, sạch sẽ và đảm bảo ánh sáng nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ðặc tính của chồn hương là mỗi năm sinh sản 1-2 lần, nhưng hiện ông Ðấu đã ép giống và cho chồn sinh sản 3 lần/năm. Đối với con chồn hương cái từ khi mới sinh, nuôi đến khoảng 1 năm tuổi mới bắt đầu cho sinh sản.
Khi chồn động đực, ông cho chồn đực giao phối với chồn cái rồi ghi rõ ngày tháng để theo dõi. Sau khi phối giống khoảng 64 ngày, chồn bắt đầu sinh sản. Sau đó, nuôi thêm khoảng 1 tháng 5 ngày là có thể tách chồn con ra khỏi con mẹ.
Khi tách bầy khoảng 5-10 ngày ông tiếp tục cho chồn cái phối giống. Như vậy, mỗi năm bình quân 1 con chồn cái đẻ được 7 chồn con.
Hiện nay, chồn hương giống được các hộ nuôi bán với giá 3,5 triệu đồng/con, còn chồn thương phẩm được bán với giá 1,2 triệu đồng/kg. Bình quân, một con chồn giống từ khi tách mẹ nuôi khoảng 3 tháng là có thể bán được, còn chồn thương phẩm nuôi khoảng 8 tháng đạt trọng lượng khoảng 4kg.
Trao đổi về kỹ thuật nuôi thành công, ông Ðấu không ngại gần chia sẻ, thời gian đầu ông đem về nuôi trong lồng rất rộng gần 2 mét cho nên thất bại, ông tiếp tục ghép nhỏ lại còn 1 mét sau cũng thất bại. Từ những lần thất bại đó ông ghép nhỏ lại hiện giờ còn rộng 0,5 mét, cao 60 cm và dài 80 cm thấy đã đạt và hiểu quả hơn.
Ông Đấu cho biết: Rộng có 5 cái thất bại: Cái thứ nhất, hao đi kinh phí lồng; Thứ hai, chồn chạy, nhảy dễ bị què chân; Thứ ba, bỏ đực khó, con đực theo không được do con cái chạy vòng vòng; Thứ tư, hao mồi, rộng quá ngày cho ăn 200 gam, bầy giờ hẹp lại cho ăn 100 gam là nó no rồi; Thứ năm là tốn không gian, ví dụ: 1 mét mình để được 2 con, bây giờ 1 mét mà mình để được 1 con.
Hiện nay, tổng đàn chồn giống của ông Đấu có khoảng 100 con. Bình quân mỗi tháng sinh sản ra từ 35 – 40 con. Sau khi trừ chi phí từ tiền bán chồn giống và thương phẩm, ông Đấu thu về khoảng 80 triệu đồng/tháng.
Nhờ vào mô hình nuôi hiệu quả này mà nhiều hộ nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước tìm đến để đặt mua chồn giống con.
Theo ông Ðấu, nhu cầu thị trường hiện nay rất cao về chồn giống và chồn thịt, ông không đủ cung cấp cho các khách hàng. Khách muốn mua giống phải đặt trước vài tháng. Dự kiến trong những năm tới, ông Đấu sẽ mở rộng thêm chuồng trại và tập trung chuyên sản xuất con giống để cung ứng ra thị trường.
Trao đổi với phóng viên về mô hình nuôi chồn hương này, ông Võ Minh Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 50 hộ nuôi với tổng đàn lên đến 2.000 cá thể.
Hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn, một con chồn giống sinh sản 3 lần trong năm, một cặp giống bán với giá 7 triệu đồng, chồn thương phẩm bán ra thị trường với giá 1,2 triệu/kg. Hiện nay, xã đang triển khai nhân rộng và hướng những hộ nuôi chồn hương riêng biệt tập trung vào Hợp tác xã nuôi chồn hương của Mũi Cà Mau đóng trên địa bàn xã Tân Ân Tây.
Và những hộ nuôi nhỏ, lẻ thì tiến hành sát nhập thành những Tổ hợp tác nuôi chồn hương để hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và đảm bảo cung cấp đầu ra khi thị trường có nhu cầu.
Vướng về pháp lý
Đầu năm 2019, Nghị định số 06/2019 của Chính phủ ban hành về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đã đưa chồn hương vào nhóm các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, nếu không được quản lí chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Điều này khiến nhiều hộ nuôi chồn hương gặp không ít khó khăn về khâu thủ tục.
Ông Nguyễn Văn Đấu (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một trong những hộ nuôi chồn hương chia sẻ, theo Nghị định 06/2019 của Chính phủ ban hành thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã đưa chồn hương lên nhóm II khiến nhiều người nuôi gặp khó khăn trong thủ tục giấy tờ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Minh Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây cho biết, theo Nghị định số 06/2019 đa số bà con vướng làm giấy phép thủ thục đăng ký nuôi chồn hương, truy xuất nguồn gốc, giấy chuyển giao của những cơ sở hợp pháp. Xã đã báo về huyện và tỉnh Cà Mau để có hướng chỉ đạo.
Mạnh Linh (baotintuc.vn)