Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra lệnh dỡ bỏ hạn chế tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ với Đài Loan.
Mỹ dỡ bỏ hạn chế với Đài Loan
Cùng với việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách khóa chặt lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Bảy rằng họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.
“Tôi tuyên bố dỡ bỏ tất cả những hạn chế tự áp đặt này“, Ngoại trưởng Pompeo nói. “Tất cả các đơn vị cơ quan hành chính cần hiểu rằng nhưng ‘hướng dẫn liên lạc’ trước đây về quan hệ với Đài Loan do Quốc vụ viện ban hành dưới sự ủy quyền của Ngoại trưởng đã hết hiệu lực“.
Tuy nhiên, ông Evan S. Medeiros, Giáo sư Đại học Georgetown và là cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết động thái này có thể không có bất kỳ ảnh hưởng thực tế nào. “Điều này trông giống như một chiêu trò tuyên truyền“, ông nói. “Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ kết thúc sau hai tuần nữa“.
Medeiros nói rằng Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ phản ứng giận dữ trước tuyên bố này nhưng khó có thể đưa ra bất cứ hành động nào để phá vỡ quan hệ Mỹ-Trung cho đến khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền.
“Người Trung Quốc hoàn toàn không muốn bất cứ ai có ảo tưởng về sự phá hoại từ những cách làm tương tự như vậy“, ông Medeiros. “Đó là mục đích thể hiện lập trường của họ, nhưng cho đến khi họ thấy ông Biden sẽ xử lý quan hệ Mỹ-Trung như thế nào, họ sẽ không có những hành động thực sự phá hủy quan hệ với chính quyền mới”.
Hoàn cầu: “Sẽ gióng lên hồi chuông báo tử cho Đài Loan”
Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhưng vào sáng Chủ Nhật, Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo, đã lên tiếng phản ứng về vấn đề này trong bài viết “Nếu Mỹ-Đài dám để Pompeo thăm Đài trước khi kết thúc nhiệm kỳ, hồi chuông báo tử cho chính quyền Đài Loan hiện tại sẽ gióng lên“.
“Chính phủ Mỹ hạn chế trao đổi chính thức với Đài Loan như một phần nghĩa vụ quốc tế của mình. Nếu Washington tự ý xóa bỏ những hạn chế mà họ từng tuân thủ, thì quan hệ Trung-Mỹ sẽ được xác định lại hoàn toàn và hai nước sẽ tiến tới thù địch, nền tảng quốc tế nơi vấn đề Đài Loan được giải quyết một cách hòa bình sẽ sụp đổ một góc quan trọng“, Hoàn cầu viết.
Theo báo này, Mỹ đã thông báo rằng Kelly Craft, Đại sứ đương nhiệm tại Liên Hợp Quốc, sẽ thăm Đài Loan trong tuần này. Không thể loại trừ rằng đây là một phép thử phản ứng của Bắc Kinh từ nhóm ông Pompeo.
“Bắc Kinh cần phải gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ rằng họ phải ghìm cương trước bờ vực. Cần cho phía Mỹ và chính quyền Dân tiến Đài Loan biết rằng, nếu họ dám để Pompeo đến thăm Đài Loan trước khi kết thúc nhiệm kỳ, phản ứng của Bắc Kinh sẽ như sấm chuyển sét vang“, Hoàn cầu nhấn mạnh. “Khi đó, máy bay chiến đấu của PLA sẽ ngay lập tức bay tới Đài Loan, dùng phương thức chưa từng có để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan. Nếu Đài Loan và Mỹ dám phản ứng thái quá thì rất có thể chiến tranh sẽ nổ ra, Bắc Kinh sẽ trừng phạt cơ bản chính quyền Đài Loan vì đã hợp tác với Pompeo“.
“Bắc Kinh muốn cảnh báo chính quyền Đài Loan rằng nếu họ làm theo kiểu điên cuồng, những ngày cuối cùng của chính phủ Mỹ hiện tại cũng có thể là những ngày cuối cùng về sự tồn tại đảng Dân tiến“, báo Trung Quốc viết.
Trong khi đó, Tổng biên tập Hoàn cầu Hồ Tích Tiến đưa ra phát biểu tương tự: “Nếu đây là điểm khởi đầu mới cho chính sách Đài Loan của Mỹ, thì nó cũng sẽ bắt đầu đếm ngược đến sự tồn tại tiếp tục của chính quyền Đài Loan“.
“Lựa chọn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự“, ông này cho biết thêm, máy bay chiến đấu PLA sẽ bay qua Đài Loan “bất cứ lúc nào”.
Ông Thẩm Đinh Lập, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), cho biết ông hy vọng Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của Mỹ nhằm gửi tín hiệu tới chính quyền sắp tới của Biden.
“Trung Quốc sẽ bày tỏ sự không khoan nhượng đối với điều này, họ sẽ ngay lập tức lên án thông báo này“, ông Thẩm nói. “Biden cần nhìn thấy những thiệt hại do thông báo này gây ra, như vậy ông ấy mới có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đảo ngược tình thế“.
Phản ứng từ phía Mỹ
Về phía Mỹ, theo NYT, khi nhiệm kỳ của chính phủ đương nhiệm chỉ còn vài ngày nữa, bước đi tương đối quan trọng này rất khó hiểu. Trong nội bộ chính phủ, một số quan chức Bộ Ngoại giao đã chính thức bày tỏ sự phản đối đối với sự thay đổi này. Một số nhà ngoại giao lại tỏ ra thất vọng, họ cho rằngnhững hành động này nên được thực hiện sớm hơn trong nhiệm kỳ của chính phủ.
Một số chuyên gia bên ngoài chính phủ Mỹ dự đoán, mục đích của những hành động này là gài bẫy tân Tổng thống Biden, buộc ông hoặc phải đảo ngược cách tiếp cận và phải trả giá bằng chính trị trong nước hoặc không đảo ngược cách tiếp cận và dẫn đến quan hệ xấu đi với Bắc Kinh.
Trong khi đó, cũng có ý kiến ủng hộ quyết định của chính quyền Tổng thống đương nhiệm
Ông Elbridge Colby, người từng làm việc tại Lầu Năm Góc thời kỳ đầu trong chính quyền Trump, cho biết nhiều quy định hạn chế tiếp xúc với các quan chức Đài Loan là sản phẩm của thời kỳ trước khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hứa hẹn hơn.
“Đây là những trở ngại quan liêu, những rào cản đã tích tụ theo thời gian“, Colby nói.
Ông này cho rằng, Mỹ cần Đài Loan tăng cường tự thân, tăng cường sức mạnh quốc phòng và sức mạnh kinh tế để đối đầu với Bắc Kinh.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị