Các nguồn tin quân sự của SCMP nói quân đội Trung Quốc có thể đang thử nghiệm khả năng của vận tải cơ hạng nặng Y-20 ở khu vực biển Đông.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã điều động vận tải cơ Y-20 của họ tới đá Chữ Thập – thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – vào hôm 25/12/2020.
Chiếc máy bay cỡ lớn được nhìn thấy xuất hiện trên đường băng của đảo nhân tạo bị Trung Quốc quân sự hóa trái phép này, song các hình ảnh không ghi nhận có hoạt động bốc dỡ hàng hóa nào từ máy bay.
Các ảnh vệ tinh được ông Ken Joyce, giám đốc quản lý sản phẩm tại công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar Technologies, đăng tải trên Linkedin hôm 29/12 năm ngoái. Ông nêu rõ “vận tải cơ Y-20 được nhìn thấy tại đá Chữ Thập”.
Nguồn tin quân sự của SCMP xác nhận hoạt động trên và tiết lộ chiếc Y-20 được điều động để kiểm tra năng lực vận tải của nó.
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai Y-20” đến quần đảo Trường Sa – nguồn tin cho biết.
Sự hiện diện của vận tải cơ Y-20 tại đá Chữ Thập diễn ra ít ngày trước khi Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khởi động ba cuộc tập trận mô phỏng kéo dài 10 ngày trên các vùng nước xung quanh đảo Hải Nam – nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 1,200km về phía bắc.
Tàu sân bay do Trung Quốc tự chế tạo, chiếc Sơn Đông, và tàu tấn công lưỡng cư Type 075 cũng tham gia các cuộc tập trận này.
Máy bay vận tải Y-20, do Công ty tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An (Trung Quốc) chế tạo, là mẫu máy bay lớn nhất trong hạm đội của PLA. Theo SCMP, các nhà sản xuất đang nghiên cứu phát triển động cơ mới cho vận tải cơ này nhằm nâng khả năng chịu tải khoảng 20%.
Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói rằng vận tải cơ Y-20 có khả năng chuyên chở những trang thiết bị quân sự hạng nặng như xe bọc thép và bệ phóng tên lửa.
“Tuy nhiên, khi không có thêm thông tin về lô hàng thì vẫn chỉ có thể phỏng đoán về hoạt động của chiếc máy bay này [ở Đá Chữ Thập],” ông Koh nói với SCMP, đánh giá Trung Quốc có thể đang thông qua động thái này nhằm phô trương “sức mạnh viễn chinh” của PLA, đặc biệt là năng lực về vận chuyển binh lính và khí tài đến những tiền đồn xa xôi trên biển Đông.
“Về mặt chính trị, động thái này dường như thể hiện rằng Bắc Kinh nắm giữ giải pháp để duy trì hiện diện trên biển Đông, chống lại sức ép của Mỹ,” ông nói.
Ông Song Zhongping, cựu giảng viên PLA, đánh giá máy bay Y-20 có thể tăng cường khả năng phản ứng nhanh của Trung Quốc trên biển Đông.
Đến nay, Trung Quốc đã phát triển phi pháp đá Chữ Thập thành một tiền đồn quân sự, với sự hiện diện của radar cùng những cơ sở thông tin liên lạc khác – SCMP cho hay. Cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án hoạt động trái phép mà Bắc Kinh tiến hành trên các đảo nhân tạo, rằng hành động của nước này gây nguy hại cho tự do hàng hải trong khu vực.
Vào hôm 22/12/2020, tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ có động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh khi di chuyển vào phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược ở Biển Đông (SSPI), tổ chức nghiên cứu có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, cho hay trong năm 2020 có chín tàu Hải quân Mỹ đã di chuyển qua khu vực 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên biển Đông, nhiều nhất trong vòng 5 năm.
Hồi tháng 8/2020, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định quan điểm của Việt Nam liên quan đến thông tin Trung Quốc điều tàu chiến, máy bay chiến đấu đến các cấu trúc tôn tạo ở quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh ổn định ở khu vực Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị