Là sĩ quan quân đội về hưu, nhiều năm nay, ông Trần Văn Dân, thôn Phú Vật, xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tích cực phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi con đặc sản. Hiện nay ông Dân đã cải tạo lại hệ thống chuồng nuôi lợn để nuôi hơn 200 con nhím thịt, nhím giống.
Khi về hưu, thấy mảnh đất rộng hơn 2.000m2 ở gần nhà để không, lãng phí, ông Dân quyết định đầu tư để nuôi lợn rừng.
Ông chia sẻ: Từ năm 2010 đến năm 2015 tôi rất thành công với mô hình nuôi lợn rừng. Đàn lợn phát triển với quy mô hơn 100 con lợn thịt, lợn nái, thu nhập có khi lên tới cả nửa tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi tôi không phát triển đàn lợn rừng nữa mà chỉ nuôi cầm chừng để có thể bán vào dịp lễ, tết và đáp ứng nhu cầu của gia đình và hàng xóm.
Hiện nay ông Dân đã cải tạo lại hệ thống chuồng nuôi lợn để nuôi hơn 200 con nhím thịt, nhím giống. Mỗi ô nuôi nhím rộng từ 3 – 5m2 và được xây bằng gạch cao hơn 1m không để nhím bò ra, dưới sàn được đổ bê tông cho thuận tiện vệ sinh.
Theo ông Dân, so với các loài vật nuôi khác thì nhím rất ít bị bệnh và có sức đề kháng tốt; chăm sóc nhím nên thường xuyên vệ sinh chuồng sạch sẽ, khô ráo, tránh tiếng ồn lớn dễ gây cho nhím bị hoảng loạn.
Khi nhím đẻ được hơn một tháng phải tách đàn cho nhím con ở chuồng riêng để nhím mẹ tiếp tục đẻ. Cứ thế, mỗi năm nhím sẽ đẻ 2 lần, mỗi lần đẻ từ 1 – 2 nhím con, nếu chăm sóc tốt sẽ cho từ 2 – 3 con.
Giá bán nhím thương phẩm hiện nay từ 280.000 – 300.000 đồng/kg, 1 con nhím nuôi 1 năm cho trọng lượng hơn 10kg là xuất bán, sau khi trừ chi phí tôi thu về hơn 250 triệu đồng/năm.
Chuồng trại nuôi nhím của ông Dân được đầu tư hệ thống mái tôn chống nóng, bảo đảm thông thoáng.
Xung quanh chuồng nuôi nhìm ông trồng thêm bưởi, chuối, nhãn, các cây rau để tạo thêm nguồn thức ăn cho nhím. Ngoài ra ông mua hạt nhãn, lá rau khoai, thân cây ngô và bổ sung dưỡng chất cho nhím thịt bằng bắp ngô, cám dinh dưỡng của lợn để nhím mau lớn bảo đảm chất lượng thịt thơm ngon.
Nguồn chất thải từ chăn nuôi, ông Dân ủ với chế phẩm vi sinh và bón cho những cây ăn quả trong vườn của gia đình nên chất lượng 80 gốc bưởi của gia đình rất tốt, quả sai và ngọt, thương lái thường mua hết trong một lần.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình nuôi con đặc sản của gia đình ông thu lãi từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, ông Dân đã xây được căn nhà 2 tầng trị giá gần 1 tỷ đồng, cuộc sống lúc về hưu nhờ đó thêm vui vẻ, kinh tế cũng dư giả để đầu tư cho các con ăn học.
Ông Dân chia sẻ thêm: Nuôi đàn lợn rừng hơn 10 con, hơn 200 con nhím, chăm 80 gốc bưởi, đàn cá koi nhưng công việc lại rất nhàn. Một ngày tôi chỉ dành ra mấy tiếng để quét dọn chuồng trại, cắt tỉa cây cảnh, cho lợn, nhím và đàn cá ăn.
Bà Từ Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho biết: Ông Trần Văn Dân là người năng động trong phát triển kinh tế, không chỉ nâng cao thu nhập của bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động trong xã…”.
Theo bà Từ Thị Ngoan, ông Dân cũng là người nhiệt tình với công tác Hội Nông dân, luôn tạo điều kiện để các đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi con đặc sản. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Tiến Đức sẽ mở rộng các hoạt động hỗ trợ hội viên về kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn vay để xã Tiến Đức có thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như của ông Dân.
Tiến Đạt (Báo Thái Bình)