Type-075 LHD sẽ được đặt ở đảo Hải Nam, cho thấy nó sẽ là một phần của Hạm đội Nam Hải, có nhiệm vụ tác chiến ở Biển Đông và Đài Loan, các chuyên gia dự báo.
Tham vọng lớn của quân đội Trung Quốc
Trao đổi với chuyên trang Trí Thức Trẻ/Báo Điện tử Tổ quốc, TS Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định, tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng Type-075 Landing Helicopters Dock (LHD) đánh dấu một cột mốc quan trọng mới cho khả năng tấn công đổ bộ và hậu cần chiến lược của quân đội Trung Quốc (PLA).
Năng lực của con tàu này thể hiện một bước nhảy vọt so với các tàu đổ bộ tấn công hiện có đang phục vụ trong Hải quân PLA. So với con tàu trước đó là Type-071, cho đến nay có năng lực cao nhất trong hạm đội, Type-075 LHD có khả năng hàng không được nâng cao đáng kể. Type-075 LHD cũng có tải trọng lớn hơn nhiều để có thể vận tải quân đội, trang thiết bị, cũng như một loạt các tàu đổ bộ nhỏ.
Type-075 là một trong những tàu hỗ trợ tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới, với chiều dài vào khoảng 275m và lượng giãn nước từ 35.000 đến 40.000 tấn, chỉ nhỏ hơn 1 chút so với các tàu tương tự lớp Wasp và lớp America của Mỹ.
Type-075 sở hữu một đường băng cất hạ cách hoàn chỉnh dành cho trực thăng, và trong trường hợp Trung Quốc phát triển công nghệ cất hạ cánh thẳng đứng, thì Type-075 hoàn toàn có khả năng hỗ trợ các loại máy bay sử dụng công nghệ này. Các loại tàu đệm khí chở quân có thể được triển khai từ Type-075, với khả năng chuyên chở lên tới 900 lính. Hiện Trung Quốc có kế hoạch đóng 5 tàu Type-075.
Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Điều này cho thấy tham vọng lớn đối với năng lực hải quân của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý nghĩa chiến lược nằm ở chỗ, Trung Quốc ngày càng có nhiều lợi ích toàn cầu để bảo vệ, chẳng hạn như trường hợp các khoản đầu tư ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ an ninh quốc tế như sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Yemen vài năm trước, sử dụng các tàu Hải quân.
Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc hiện tại là cải thiện năng lực của hải quân Trung Quốc (PLAN).
Trong đó, PLAN tập trung gia tăng khả năng triển khai sức mạnh và lực lượng tại các khu vực biển gần (Hoa Đông, Biển Đông, Bột Hải…) và Type-075 đóng vai trò quan trọng trong quá trình gia tăng năng lực này, nhất là khả năng chở quân, đổ bộ và hỗ trợ lực lượng lục quân Trung Quốc trong các chiến dịch ở nước ngoài.
Tác chiến ở điểm nóng như Biển Đông, Đài Loan
“Con tàu được thiết kế hợp lý nhất với các hoạt động tác chiến ở các điểm nóng trong khu vực như Biển Đông và Đài Loan”, ông Koh nói.
Đồng thời, cũng có khả năng con tàu này được sử dụng cho các nhiệm vụ ngoại giao quốc phòng của Trung Quốc, có thể trong khu vực và xa hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương. Trong trường hợp thứ hai, có thể con tàu sẽ vận chuyển binh lính và vật chất đến căn cứ hậu cần của PLA ở Djibouti.
Đồng quan điểm, ông Carl Thayer, GS Đại học New South Wales, Úc, cho rằng, truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Type-075 LHD trong việc sử dụng vũ lực ở Đài Loan, đặc biệt là do địa hình đồi núi dốc ở bờ biển phía đông của Đài Loan.
Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương cũng khẳng định, việc phát triển và hiện đại hoá Hải quân Trung Quốc nằm trong kế hoạch hiện đại hoá quân đội toàn diện của Trung Quốc, với trọng tâm là biến quân đội Trung Quốc nói chung và hải quân Trung Quốc nói riêng trở thành một lực lượng mạnh mang đẳng cấp thế giới vào năm 2030.
Mục tiêu của quá trình hiện đại hoá này nhằm gia tăng sức mạnh tổng hợp, thu hẹp khoảng cách về sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Một lực lượng hải quân mạnh trong tương lai cũng nhằm phục vụ cho mưu đồ của Trung Quốc kiểm soát tốt hơn trên thực tế vùng biển nằm trong Chuỗi đảo thứ nhất (Biển Đông và Biển Hoa Đông) và đẩy mạnh khả năng triển khai quân đội ra các khu vực xa hơn trong tương lai gần. Tác động của quá trình hiện đại hoá hải quân với tình hình an ninh ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là rất lớn, ông Phương lưu ý.
Tín hiệu từ Bắc Kinh
Động thái này được coi là một tín hiệu cho các nước trong khu vực về ý định tiến hành các hành động quân sự, dù là trong các kịch bản ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, TS người Singapore bình luận.
Dựa vào những hành động như vậy và việc soạn thảo luật mới gần đây như luật về lực lượng tuần duyên, dù vậy, tôi cũng không cho là Trung Quốc sẽ tìm cách phát động một cuộc xung đột. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng xảy ra các cuộc va chạm không cố ý. Chắc chắn sự hiện diện của Type-075 tại Biển Đông sẽ khiến quân đội trong và ngoài khu vực lưu tâm và do đó gia tăng nguy cơ va chạm, TS Koh nói thêm.
GS Carl Thayer lưu ý, chiếc Type 075 LHD đầu tiên của Trung Quốc đã chạy thử trên biển 2 lần, một lần ở vùng biển ngoài khơi Thương Hải và một lần ở Biển Đông, vùng biển nhiều thách thức. Thực tế Type-075 LHD sẽ được đặt ở đảo Hải Nam, cho thấy nó sẽ là một phần của Hạm đội Nam Hải, có nhiệm vụ tác chiến ở Biển Đông và Đài Loan.
Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành các hoạt động trước đó và triển khai tuần duyên, dân quân và đội tàu đánh cá để củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái của nước này. Trung Quốc sẽ quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các nước ven biển bên trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý đưa ra và sẽ tiếp tục đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ tháng 5 tới tháng 8, GS Carl Thayer dự báo.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thế Phương cho rằng, đối với Mỹ, đây có thể là một bước đi đáng chú ý khi năng lực của Hạm đội Nam Hải được tăng cường thêm một bước. Đối với các quốc gia Đông Nam Á có tham gia vào tranh chấp, rõ ràng sự xuất hiện của Type-075 khiến cho cán cân về sức mạnh hải quân ở khu vực ngày càng bị nới rộng. Sức ép trên thực địa trong thời gian tới sẽ tăng lên một cấp khi giờ đây Trung Quốc có công cụ mạnh hơn để kiểm soát các vùng biển tranh chấp một cách hiệu quả. Công cụ sức mạnh và công cụ uy hiếp trên biển của Trung Quốc ngày càng được hoàn thiện.
Tuy nhiên nên lưu ý rằng chiến lược mà Trung Quốc đang sử dụng ở Biển Đông không ưu tiên việc sử dụng hải quân, mà là sử dụng hải cảnh và dân quân biển. Tầm quan trọng của Type-075, mang nhiều ý nghĩa hơn về mặt chiến lược địa chính trị, đặt trong tương quan cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Về phía Mỹ, ông Thayer cho rằng, 6 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của chính quyền Biden sẽ là thời gian thử nghiệm nếu Trung Quốc quyết định gia tăng mức độ khiêu khích và dọa nạt các nước trong khu vực. Ông Biden sẽ phải được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua các ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng càng sớm càng tốt.
4 6 tháng đầu tiên rong nhiệm kỳ chính quyền của Biden sẽ là thời gian thử nghiệm nếu Trung Quốc quyết định gia tăng mức độ khiêu khích và dọa nạt các nước trong khu vực
Xét về mức độ tinh vi, Type-075 vẫn thua các đối thủ trực tiếp của Mỹ như tàu lớp Wasp. Type-075 có thể được so sánh nhiều hơn với tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp, lớp Canberra của Úc và lớp Dokdo của Hàn Quốc. Và rõ ràng là Trung Quốc chỉ mới ở giai đoạn non trẻ. Mỹ đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm phong phú, kể cả trong thực chiến, vận hành những con tàu như vậy cùng với các thành phần khác trong Hải quân và Thủy quân lục chiến. Sẽ mất một thời gian để người Trung Quốc thu hẹp khoảng cách khổng lồ này.
TS Collin Koh, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam
Theo Trí Thức Trẻ