“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.
Ngày 17/12, trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên Trí Thức Trẻ/Báo Điện tử Tổ quốc về sự kiện ra mắt công cụ giám sát các đập trên sông Mekong (Mekong dam monitor) do Trung tâm Stimson và Công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth vận hành, với sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung hợp tác quản lý và sử dụng công bằng, bền vững, hợp lý nguồn nước sông Mekong.
Về câu hỏi với tư cách là một quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong, liệu Việt Nam có tham vấn hoặc hợp tác với công cụ giám sát này hay không, bà Hằng khẳng định: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong”.
Sáng 16/12, Trung tâm Stimson của Mỹ và các đối tác chính thức khởi động công cụ Theo dõi đập trên sông Mekong. Công cụ này sử dụng các công cụ cảm biến từ xa, hình ảnh chụp từ vệ tinh và công cụ phân tích “Hệ thống Thông tin địa lý” (GIS) để cung cấp một nền tảng trực tuyến cho phép theo dõi, nắm bắt và tải dữ liệu ở mức độ chưa từng có về những diễn biến trên con sông đóng vai trò then chốt của khu vực.
Trước đó hồi đầu năm nay, Eyes on Earth đã công bố báo cáo từ tháng 5 – 10/2019 về việc 11 đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ nước ở mức cao hơn bình thường vào thời điểm mực nước ở hạ nguồn Mekong thấp nhất trong vòng 50 năm.
Theo Trí Thức Trẻ