Trung Quốc đứng thứ 27/30 quốc gia trong bảng chỉ số sức mạnh mềm của Mỹ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), nếu coi những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây trong việc tăng cường mang lại lợi ích trên toàn cầu như một yếu tố đánh giá quyền lực mềm, thì những thành tựu nước này đạt được mang ý nghĩa trái chiều. Năm ngoái, Trung Quốc đứng thứ 27/30 quốc gia trong bảng chỉ số sức mạnh mềm của Mỹ.
Ông Hal Brands, Giáo sư Đại học Johns Hopkins, chỉ ra rằng công trình học thuật cho thấy Mỹ vẫn sở hữu lợi thế lớn hơn Trung Quốc, bao gồm cả quyền lực mềm, mặc dù điều này không có nghĩa Washington có thể ngủ quên trên “chiến thắng” này.
Monocle, tạp chí về các vấn đề toàn cầu và phong cách sống, đã xếp Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản vào những vị trí hàng đầu trong chỉ số quyền lực mềm trong ấn phẩm hiện tại. Trung Quốc không có tên trong danh sách này. Ấn phẩm có trụ sở chính tại London cho biết mặc dù sức mạnh kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới đã giúp họ mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới nhưng nước này vẫn không lọt vào danh sách này.
SCMP cho rằng, chính sách ngoại giao vaccine Bắc Kinh hiện đang áp dụng đối với các nước đang phát triển nên cân nhắc đến những nhận định này. Những bảng xếp hạng và nhận định này cho thấy những nỗ lực của đất nước tỉ dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và sự tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận toàn cầu về khí hậu và năng lượng đã bị lu mờ bởi nhận định rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế như một công cụ để o ép các nước khác.
Ngay cả những nỗ lực cải thiện vai trò của Trung Quốc trong Tổ chức Y tế Thế giới đồng thời khẳng định quốc gia này là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu có trách nhiệm thông qua việc thúc đẩy Con đường Tơ lụa Y tế, nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và con đường, cũng đã không mang lại hiệu quả.
“Vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã được chuyên chở đến Indonesia và các chuyến hàng tiếp theo sẽ đến các nước ở Nam Á trong những ngày tới. Thay vì coi đây là một chiến dịch ra quân hùng hậu nhằm đánh bóng hình ảnh trên thế giới dưới tên gọi “một cường quốc có trách nhiệm”, Trung Quốc nên triển khai chính sách ngoại giao y tế mới nhất này một cách thận trọng“, SCMP nhận xét.
Theo tờ này, có thể Bắc Kinh vẫn chưa quên phản ứng dữ dội hồi đầu năm từ các nước từ chối tiếp nhận các thiết bị y tế lỗi do nước này sản xuất. Đó là chưa kể, các loại vật phẩm y tế kém chất lượng do các công ty tư nhân Trung Quốc xuất khẩu kiếm lời. Các nỗ lực cung cấp bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cũng vấp phải sự phản đối sau khi các quốc gia như Philippines, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cho rằng các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn và không hiển thị kết quả chính xác. Trong trường hợp của khẩu trang và máy lọc không khí, một số mặt hàng không đạt tiêu chuẩn như thông tin ghi trên giấy chứng nhận chất lượng.
Những sự vụ này đã tạo nên gây nên ảnh hưởng tiêu cực tới danh tiếng Trung Quốc trên toàn thế giới. Đây cũng có thể lý giải một phần nguyên nhân tại sao Trung Quốc dường như không thể cải thiện xếp hạng quyền lực mềm trong năm nay.
Theo SCMP, rốt cuộc, chính trị hào phóng – một thuật ngữ mới được phát minh của Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell vào đầu năm nay – có thể gây ra phản tác dụng một lần nữa và xói mòn hơn nữa nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố quyền lực mềm.
Theo Tổ Quốc