Ông Nguyễn Hữu Linh, nghi can vụ dâm ô bé gái 7 tuổi trong thang máy tại TP HCM gây bức xúc dư luận, vừa được cư dân mạng ‘ghi danh’ trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng, đồng thời là nghi can vụ dâm ô bé gái 7 tuổi trong thang máy tại TP HCM, ông Nguyễn Hữu Linh, vừa được “ghi danh” trên trang web của Wikipedia với đường link: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hữu_Linh
Mở đầu Wikipedia ghi đầy đủ họ tên, năm sinh cũng như chức vụ của ông Linh và khái quát thông tin vụ dâm ô bé gái trong thang máy mà người đàn ông này đang là nghi can.
“Trong tháng 4/2019, Nguyễn Hữu Linh là nghi phạm vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy tại Quận 4, TP HCM. Sự việc đã bùng nổ trên Internet và gây bức xúc trong dư luận khi sau 2 tuần ông Linh vẫn chưa bị truy tố”.
Trang này cũng ghi rõ về tiểu sử, quá trình công tác và một số vị trí, chức danh ông Linh từng nắm giữ.
“Ông Nguyễn Hữu Linh sinh năm 1958 tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, nghỉ hưu tháng 6/2018. Tại thời điểm nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Linh là Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng. Từng là Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND TP.Đà Nẵng.
Sau khi về hưu, ông Linh sinh hoạt Đảng ở địa phương (P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), đồng thời đăng ký tham gia Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, hiện đã được cấp thẻ thành viên nhưng thực tế chưa hành nghề”.
Đồng thời, trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia này cũng cung cấp rất nhiều thông tin cụ thể về “Vụ việc với bé gái trong thang máy”.
“Ngày 1/4/2019, Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP.HCM.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 2.4, BQL đã mời chủ căn hộ xuống làm việc và người này xác nhận người đàn ông trong clip sàm sỡ bé gái trong thang máy là cha của mình”.
Trang wiki còn nhắc tới việc nghi can thừa nhận mình là người trong clip xuất hiện trên Internet thời gian qua. Tuy nhiên, tại cơ quan công an, ông chỉ gọi hành động của mình là “nựng”.
“Sau khi cho xem clip trong thang máy, người đàn ông có hành vi sàm sỡ bé gái đã thừa nhận có ôm, hôn bé gái. BQL đã ghi nhận sự việc, lập biên bản.
Khi làm việc với công an, Nguyễn Hữu Linh thừa nhận mình chính là người trong clip và hành động được ghi nhận chỉ “nựng” cháu bé chứ không có ý đồ khác
Sau 2 ngày kể từ khi có thông tin, đã có nhiều người tìm đến ngôi nhà của Nguyễn Hữu Linh gây náo loạn. Một số người còn đứng trước căn nhà ông Linh để diễn trò, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội.
Sau 1 tuần, khi thấy nghi phạm vẫn chưa bị khởi tố, đã có nhiều phản ứng tức giận trong công chúng, bao gổm cả những biện pháp “công lý đám đông” để lên án nghi phạm.
Có một làn sóng tẩy chay, lên án Nguyễn Hữu Linh bằng cách đăng lên mạng các thông tin cá nhân của ông, ảnh căn nhà của ông ở Đà Nẵng với lời chú thích đó là nhà của “kẻ ấu dâm”. Thậm chí có một số người ném chất bẩn hoặc xịt sơn lên cổng nhà ông Linh”.
Trang mạng này cũng bổ sung thêm rằng, ngay tại chung cư Galaxy 9, nhiều cư dân vào sáng 7/4 cùng mặc áo đồng phục in dòng chữ “Lạm dụng tình dục là tội ác” hay “Cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em gái” để phản đối hành vi của ông Linh và yêu cầu nhà chức trách “phải xử lý nghiêm ông Linh để răn đe”.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia là một bách khoa toàn thư tự do, được cộng tác bởi chính những người đọc từ khắp nơi trên thế giới. Trang mạng này có tính chất wiki cộng đồng, tất cả mọi người đều có thể sửa đổi thông tin trên trang bằng cách bấm vào các liên kết “sửa đổi”, hoặc “Sửa đổi trang này”, trừ các cá nhân bị tước quyền sửa đổi và những trang bị khóa.
Ngày 15 tháng 1 năm 2001 Wikipedia phiên bản tiếng Anh chính thức được tạo lập và đưa vào sử dụng bởi hai người sáng lập Jimmy Wales và Larry Sanger cùng với vài người cộng tác nhiệt thành.
Tháng 3/2004, sau hơn 3 năm hoạt động, Wikipedia đã có 6.000 người đóng góp tích cực cho 600.000 bài viết với 50 thứ tiếng. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 4.300.000 bài viết ở riêng phiên bản tiếng Anh và hơn 30.000.000 bài viết ở tất cả phiên bản ngôn ngữ. Tháng 10/2003, Wikipedia tiếng Việt được thành lập, đến nay đã có 1.206.132 bài viết.
Những bài viết, hình ảnh trong Wikipedia, thường phản ánh những cá nhân, sự việc được xã hội quan tâm, trong đó phần nhiều là những nhân vật nổi tiếng theo hướng tích cực. Wikipedia cũng có một đội ngũ bảo quản viên giải đáp các thắc mắc qua hòm thư điện tử và số điện thoại nhưng chỉ hỗ trợ hai ngôn ngữ Anh và Pháp.
Vũ Tuấn (t/h)