Những người thành công đều nhận thấy trách nhiệm tự thúc đẩy bản thân. Họ bắt đầu với chính bản thân bởi họ có chìa khóa công tắc thắp lên ngọn lửa trong mình.
Phương tiện truyền thông, cha mẹ, nhà trường, hay văn hóa tập quán đã dạy cho chúng ta những suy nghĩ tự hạn chế. “Điều đó là không thể, con không xứng đáng với nó.” Những điều này đã ám ảnh vào tâm trí chúng ta sâu đến mức để có thể thoát khỏi chúng và tiến tới những suy nghĩ và quan niệm hướng về thành công, chúng ta phải cần tới động lực hỗ trợ từ bên ngoài.
Tham dự một buổi hội thảo cuối tuần là không đủ. Đọc một cuốn sách hay theo dõi một chương trình ti vi cũng vậy. Điều mà những người thành đạt đã làm chính là nghe các chương trình của những chuyên gia truyền động lực nổi tiếng thế giới. Họ nghe khi lái xe, lúc ở nhà hay ở văn phòng – dù có thể chỉ là 15 phút mỗi ngày.
Hãy học hầu hết những gì bạn muốn hoặc bạn cần biết.
Trung bình mỗi ngày, một người dành ra 30 phút để lái xe đi tới nơi làm việc hoặc về nhà. Sau năm năm, chúng ta dành tới 1250 tiếng ngồi trên ô tô – bằng với thời gian học đại học! Dù bạn đi lại bằng ô tô, tàu, xe đạp, hay chạy bộ, thì vừa đi, vừa nghe các chương trình phát thanh sẽ cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích để bạn có thể vượt trội hơn trong hầu hết lĩnh vực của cuộc sống. Từ các chương trình đó, bạn thấy mình luôn có động lực tiến bước hay có thể học một ngoại ngữ, học các kỹ năng quản lý, các chiến lược kinh doanh và marketing, học cách giao tiếp tốt hơn, biết được các phương thức chăm sóc sức khỏe hay nhiều hơn nữa.
Thậm chí, bạn còn có thể phát hiện ra bí quyết thành công của những nhà tư bản công nghiệp hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư bất động sản lớn hay các doanh nhân vĩ đại.
Người mất ngủ lúc 4h sáng ở bang Virginia
Các chuyên gia sẽ truyền động lực đến bạn bằng cách nào?
Nếu người ngoài nhìn vào thì cuộc sống của Jeff Arch năm 1989 rất tốt đẹp. Anh điều hành một trường karate thành công, có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai đứa con, một cháu gái bốn tuổi và một bé trai mới vừa đầy tháng. Nhưng thực tế, Jeff vẫn chưa thỏa mãn với cuộc sống của mình. Anh luôn ấp ủ giấc mơ trở thành nhà biên kịch song những nỗ lực ban đầu của anh đã không được đền đáp. Vì thế, anh tập trung vào việc kiếm tiền nuôi sống gia đình mình.
Hàng ngày thức giấc vào lúc bốn giờ sáng, Jeff lại xem chương trình Personal Power của Tony Robbin. Ngồi một mình trong phòng, anh nghĩ: “Mình phải đối diện với điều này – Mình đang có một công việc tốt, nhưng không phải là nghề mình mong muốn. Mình phải thừa nhận rằng mình đang rất thất vọng và bị tổn thương.
Mình cũng không chối cãi rằng trong việc trở thành một nhà viết kịch, mình đã thất bại trên mọi con đường không thể dẫn tới thành công – và có lẽ chẳng còn bài học nào để mình rút ra nếu thất bại thêm lần nữa. Có lẽ đã đến lúc thành công. Nhưng lúc này, mình phải đấu tranh với bản thân như một võ sỹ thực thụ. Giờ là lúc mình phải bỏ lại tất cả các quan điểm cũ của mình để nghĩ theo một hướng khác.
Mình có thể quay lại với các quan niệm đó. Nhưng nếu chúng là đúng đắn thì mình đã không phải ngồi đây, lúc bốn giờ sáng này, để ngẫm nghĩ về việc mình sẽ làm gì trong cuộc đời, về việc mình sẽ trả lời các con ra sao nếu lớn lên chúng hỏi mình rằng: “Con nghe nói bố đã từng muốn trở thành một nhà văn – chuyện gì đã xảy ra vậy ạ?” Mình không dám đối mặt với điều này. Mình không muốn trở thành một ông bố luôn đưa ra các lời khuyên cho bọn trẻ trong khi chẳng làm được điều gì. Mình có quyền gì để nói những điều đó với chúng? Làm sao mình có thể bảo chúng hãy theo đuổi giấc mơ trong khi mình không làm được điều đó?
Jeff ngay lập tức đưa ra hai quyết định có thể thay đổi cả cuộc đời anh. Anh nhấc điện thoại lên và gọi để đăng ký vào chương trình truyền hình của Tony Robbin. Sau đó, anh tự hứa với bản thân rằng, trừ khi đó là một chương trình rác rưởi, anh sẽ làm theo những lời khuyên nhận được. Anh sẽ sử dụng nó như một tấm vé để quay lại với sự nghiệp viết lách của mình.
Khi nhận được hồi âm từ chương trình, Jeff thực hiện đúng như lời hứa. Anh không nói với ai về điều này bởi anh là một người rất tự giác. Anh muốn nhận được kết quả trước đã. Thật may mắn, thông tin đưa ra giống với những gì Jeff cần. Sau lần đầu tiên nghe cuốn băng, anh biết rằng anh cần quay lại với nghề viết kịch. Và ngay buổi sáng hôm sau, sau ba năm làm việc, anh viết đơn xin nghỉ dạy trường karate để theo đuổi ước mơ của mình.
Jeff kể cho tôi nghe: “Tony là người đầu tiên không nói với tôi rằng: ‘Giấc mơ của anh thật xa vời’. Anh ấy đã không nói rằng: ‘Cứ thử làm đi xem có được không. Anh đang yêu cầu quá nhiều đó.’ Những gì anh ấy khuyên tôi là: ‘Bạn phải nghĩ rộng hơn những gì bạn cho rằng mình có thể nghĩ đến!’ Tôi, một người đàn ông 35 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời có một người cho phép và tạo động lực khiến tôi dám mơ tới những điều tuyệt vời hơn cả những gì tôi hằng mong ước trước đó.” Chương trình của Tony đã khuyên Jeff rằng: “Hãy mơ những giấc mơ lớn lao hơn những ước mơ bạn đang có.”
Được truyền cảm hứng từ ý kiến của Tony, Jeff có thêm tự tin để quay trở lại với nghề viết kịch bản phim. Trước đây, anh cần từ sáu tháng tới ba năm để hoàn thành một kịch bản thì tác phẩm lần này ra đời chỉ sau một tháng.
Kịch bản được đón nhận nồng nhiệt nhưng nó lại không bán được. Thật không may cho Jeff, anh đã viết câu chuyện về chiến tranh lạnh – kết thúc năm 1989 – và bức tường Berlin chính thức sụp đổ vào đúng ngày anh hoàn thành tác phẩm. Sau 50 năm, Nga và Mỹ đột ngột không còn là kẻ thù của nhau nữa.
Jeff đã có thể tự nói với mình rằng: Đến bao giờ thì tôi mới tự nhận ra rằng tôi không thể trở thành một nhà văn được? và sau đó anh từ bỏ ước mơ này, chẳng bao giờ nghĩ tới nó nữa. Nhưng với quan niệm mới của mình, anh đã biết cách đặt ra một câu hỏi tốt hơn: “Tôi thực sự muốn thực hiện được ước mơ của mình đến đâu?” Thay vì từ bỏ tất cả, anh suy nghĩ tìm ra phương thức đạt được những điều mình mong muốn. “Được rồi, đó không phải là vấn đề về viết như thế nào, mà là phải chọn cái gì để viết. Điều gì không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện hiện tại? Thể loại nào là vấn đề muôn thuở?”
Cuối cùng, câu trả lời Jeff nhận được là “Tình yêu luôn là bất tử.” Và anh nghĩ “Nếu mình viết một chuyện tình mà không hề liên quan gì tới vấn đề lịch sử, câu chuyện đó sẽ không bao giờ cũ cả.”
Kết quả thu được là kịch bản phim Sleepless in Seattle được Jeff viết trong vòng chưa đầy một tháng, ba tháng sau, nó đã bán được hơn 250.000 đô la. Sleepless in Seattle trở thành một bộ phim bom tấn và Jeff đã được đề cử giải Oscar cho kịch bản phim xuất sắc nhất (ngoài ra, anh còn được đề cử giải thưởng tương tự của Hiệp hội Nhà viết kịch Hoa Kỳ và Học viện Phim và Nghệ thuật truyền hình Anh quốc). Bộ phim cũng dẫn tới sự hồi sinh của thể loại phim hài lãng mạn, đồng thời đưa tên tuổi của Meg Ryan và Tom Hanks lên một tầm cao mới.
Nếu các chương trình giáo dục và truyền cảm hứng trên sóng phát thanh truyền hình có thể mang đến một tác phẩm bạc triệu được đề cử giải Oscar thì tại sao bạn không thử gặt hái lợi ích cho mình từ các chương trình này giống như những gì Jeff Arch đã làm.
Theo Thảo Nguyên-Nhịp sống kinh tế