Theo luật mới của Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu muốn xuất một số mặt hàng chiến lược như nguyên liệu hoặc công nghệ tinh vi sẽ cần phải xin phép từ nhà chức trách.
Từ ngày thứ Ba, Trung Quốc đã chính thức áp dụng luật kiểm soát xuất khẩu mới cho phép Trung Quốc chặn hàng xuất khẩu đến một số công ty nước ngoài với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn sẽ đương đầu với thêm thách thức khi muốn ứng phó với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo báo Nikkei, vào ngày thứ Hai, giới chức Trung Quốc đã không công bố nhiều thông tin chi tiết về việc sản phẩm hoặc doanh nghiệp nào sẽ chịu biện pháp hạn chế mới, động thái được coi như đáp trả các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.
Đương đầu với thực tế nhiều bất ổn, doanh nghiệp nhiều nước đang đương đầu với rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Tình hình sắp tới còn phụ thuộc vào việc chính quyền ông Joe Biden đương đầu ra sao với cuộc chiến thương mại từng được khởi động dưới thời chính quyền Donald Trump.
Theo luật mới của Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu muốn xuất một số mặt hàng chiến lược như nguyên liệu hoặc công nghệ tinh vi sẽ cần phải xin phép từ nhà chức trách. Dù rằng cho đến nay không có danh sách sản phẩm nào được công bố, một số chuyên gia phân tích cho rằng các nguyên liệu đất hiếm chắc chắn sẽ bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng luật mới, luật cho phép trả đũa lại bất kỳ nền kinh tế nào lạm dụng quy định hạn chế xuất khẩu để ngăn xuất hàng hóa và dùng biện pháp đó như vũ khí trong chiến tranh thương mại.
Ví dụ như nếu chính quyền Bắc Kinh đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen nhằm ứng phó với áp lực mà phía Washington tạo ra với doanh nghiệp kiểu như Huawei Technologies, Bắc Kinh cũng có thể trả đũa cả những công ty khác dám tuân thủ quy định trừng phạt từ phía Mỹ.
Bắc Kinh cũng có thể hạn chế xuất linh kiện Trung Quốc cho những công ty ngoài Mỹ có bán hàng vào Mỹ, chính vì vậy chuỗi cung ứng cũng sẽ chịu gián đoạn.
Phía các doanh nghiệp Nhật đang đặc biệt lo lắng. Họ không khỏi băn khoăn khi mà nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao của họ được sản xuất tại Trung Quốc ví như pin ô tô hay màn hình hiển thị. Họ sợ hãi với kịch bản sẽ bị buộc phải chuyển giao công nghệ nếu muốn xuất khẩu.
Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẽ vẫn tiếp tục dưới thời kỳ chính quyền của người kế nhiệm ông là ông Joe Biden.
Theo Bloomberg, Apple, một trong những công ty công nghệ lớn nhất phụ thuộc vào các nhà máy của Trung Quốc để sản xuất thiết bị của họ, sẽ chuyển một phần sản xuất iPad và MacBooks sang Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghệ lớn của Đài Loan ví như Hon Hai Precision Industry hay còn được biết đến với cái tên Foxconn cũng đã chuyển 270 triệu USD sang đầu tư tại Việt Nam.
Những động thái trên đại diện cho một xu thế dịch chuyển nói chung và cho thấy thay đổi mới nhất trong về vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc.
Nhà sáng lập Foxconn, ông Terry Gou, đã dùng thuật ngữ G2 để nói đến xu thế chuỗi cung ứng tách rời ít nhất thành hai này. Chủ tịch công ty Foxconn, ông Young Liu, vào tháng 8/2020 từng nhận định rằng những nước như Ấn Độ, Đông Nam Á hay các nước Nam Mỹ trong tương lai có thể có hệ sinh thái sản xuất của riêng họ phát triển hơn rất nhiều.
Xu thế này dường như giờ đã không còn có thể đảo ngược bởi nhiều nước như Ấn Độ hay Việt Nam cũng đã bắt đầu phát triển cơ sở hạ tầng của chính nước họ, đồng thời đưa ra nhiều nỗ lực để thu hút các nhà sản xuất đến mở nhà máy. Các nước này có sức hấp dẫn ở hai điểm: chi phí rẻ hơn và rủi ro địa chính trị thấp hơn.
Chuyên gia phân tích về ngành công nghệ tại tổ chức Gavekal Dragonomics, ông Dan Wang, nhận xét: “Khi mà chi phí tại Trung Quốc ngày một đắt đỏ hơn, và chính trị Mỹ ngày một biến động khó lường, nhiều công ty chọn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Xu thế đó sẽ tiếp diễn khi mà chi phí tại Trung Quốc ngày một cao hơn còn Việt Nam và Ấn Độ đang cải thiện được sức cạnh tranh của mình”.
Chính sách thương mại “thù địch” với Trung Quốc mà Tổng thống Trump áp dụng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển hoạt động của họ sang các nước láng giềng như Việt Nam hay một số nơi xa xôi hơn ví như Mexico hay Ấn Độ nhằm tránh bị đánh thuế trừng phạt và đồng thời giảm rủi ro bị trừng phạt về thuế quan.
CEO của Apple, ông Tim Cook, đã từng không muốn chuyển dây chuyền sản xuất của mình, thế nhưng những năm gần đây đã cố gắng tìm kiếm lựa chọn thay thế.
Theo Bizlive