“Chơi thế mới là chơi chứ. Không thể tin nổi. Ở tù mà thế này thì tôi nguyện cả đời”, Maradona từng phải cảm thán thốt lên như thế khi tận hưởng cú vào tù để đời của mình.
“Cái *** gì thế này? Chúng mày lừa tống tao vào tù à?”
Một ngày đẹp trời cách nay chừng 30 năm – năn 1991, ngày mà “Cậu bé vàng” đang đứng trên đỉnh cao danh vọng trong tư cách người hùng dân tộc khi đưa Argentina vào đến tận trận chung kết World Cup 1990 và chỉ chịu thua đội tuyển Đức bởi quả phạt đền đầy oan uổng, Maradona tiếp một người khách lạ, được giới thiệu qua một mối quan hệ “xã hội”.
Không hề vòng vo, vị khách “vào đề thẳng” với lời đề nghị mời Maradona đá một trận giao hữu “vô thưởng vô phạt” ở Colombia. Đang là ngôi sao hàng đầu thế giới, “Cậu bé vàng” chuẩn bị buông lời từ chối thẳng thừng, thì phải há hốc mồm trước một con số khổng lồ được phát ra từ miệng của vị khách lạ đối diện.
Đấy là số tiền siêu sao này sẽ nhận được nếu gật đầu đồng ý. Chẳng ai từ chối nổi số tiền ấy, mà dĩ nhiên Maradona không phải là ngoại lệ.
Mãi về sau này, huyền thoại bóng đá vĩ đại nhất Argentina hồi tưởng lại: “Tôi cứ hình dung mình sẽ được đưa đến một sân vận động. Nhưng có phải *** đâu. Bọn chúng đưa tôi đến nhà tù ạ. Nhìn thấy cánh cổng nhà tù to tổ bố, hàng rào dây thép gai cao ngất ngưởng cùng hàng nghìn lính canh và quản giáo, tôi suýt tè ra quân. Phải mất một lúc tôi mới gào lên được: ‘Cái *** gì thế này? Chúng mày lừa tống tao vào tù à?’
Song khi vào đến nơi, thì quả tình mà nói là nơi này chẳng giống nhà tù tẹo nào. Nó giống một khách sạn sang trọng, mà cũng giống một resort 5 sao. Họ giới thiệu với tôi: ‘Diego, đây là Ông Trùm’. Tôi thì chẳng mấy khi đọc báo hay xem TV, nên chẳng biết là ai cả. Nhưng theo phép lịch sự, tôi vẫn cười tươi, bắt tay, theo vào phòng và ngồi xuống nói chuyện.
Pablo tự nhận là fan hâm mộ của tôi, ông ta nói rằng cực kỳ đồng cảm với tôi vì chúng tôi có điểm chung, đấy là từng rất nghèo hèn trước khi làm nên ‘đại nghiệp’.
Sau đó, tôi chơi một trận bóng trên sân vận động nằm ngay trong nhà tù. Mọi người hò reo vang trời. Sau trận đấu, tối hôm ấy tôi được thết đãi một bữa tiệc chưa từng có trong đời. Hay ho nhất là ở đó, họ cho tôi tận hưởng những cô nàng bốc lửa nhất mà tôi từng gặp trong đời. Chơi thế mới là chơi chứ. Không thể tin nổi nữa. Ở tù mà thế này thì tôi nguyện ở cả đời.
Sáng hôm sau, ông ta trả tiền đầy đủ cho tôi, và chúng tôi chia tay nhau như những người bạn thân thiết“.
Khi ngã xuống, trong chân ông vẫn mang đôi giày bóng đá
Cú “chơi lớn” khiến Maradona phải sốc ấy, liệu có phải chỉ là thú vui nhất thời của ông trùm ma túy “chẳng có gì ngoài tiền” Pablo Escobar? Không hề.
Nếu như Maradona là thiên tài bóng đá, và trong máu anh từng có lúc chảy đặc sánh tác dụng của ma túy, thì với trùm ma túy khét tiếng thế giới này, chảy đặc sánh trong huyết quản của ông là dòng máu bóng đá.
Nhắc đến Pablo Escobar, người dân Colombia vẫn nhắc đến câu ví von nổi tiếng: “Đôi giày đầu tiên mà Pablo đi là một đôi giày bóng đá, và khi ngã xuống, chân ông vẫn đi đôi giày bóng đá“.
Để hình dung số tiền khổng lồ mà trùm ma túy này trả cho Maradona để đưa anh vào tù chơi bóng, hãy ghi nhớ con số này: tổng tài sản ước tính của Pablo Escobar rơi vào khoảng 50 tỷ USD.
Và đó là 50 tỷ USD tiền mặt. Đầu độc dân Mỹ bằng ma túy, ông trùm này còn khiến nước Mỹ phải kinh hoàng với lượng tiền mặt bòn rút từ quốc gia này. Lượng USD tiền mặt của Pablo Escobar nhiều đến nỗi phải tính bằng kho, và các cầu thủ dưới quyền ông thường lĩnh thưởng bằng… xe tải. “Tiền tấn” là khái niệm cực kỳ đúng với ông trùm này.
Sau cú chơi lớn mời Maradona vào tù đá bóng, Pablo Escobar phải trốn chui trốn nhủi dưới sự truy bắt của cảnh sát Colombia, nguyên nhân là chính phủ quốc gia này đã quá chán ngán cảnh đi tù kiểu nghễu nghện ăn chơi hút sách trong cái lâu đài dán mác nhà tù của mình.
“Một lần chúng tôi đang trốn thì phát hiện cảnh sát đang càn quét khu vực này. Tôi siết chặt khẩu M16 trong tay, mồ hôi đổ như tắm, bố trí đàn em cảnh giới thì nghe Pablo gọi to: ‘Popeye! Popeye!”. Tôi chạy đến, Pablo ôm ghì lấy tôi, radio vẫn dí sát bên tai, gào tướng lên: ‘Vào rồi! Colombia ghi bàn rồi!’. Bóng đá không chỉ là niềm vui, nó còn là sinh mạng của ông ấy“, phó tướng tâm phúc của Pablo Escobar kể lại.
Nếu Pablo còn sống, Andres Escobar sẽ không bao giờ bị giết
Trong “sự nghiệp” lẫy lừng của mình, Pablo Escobar chưa từ bất kỳ thủ đoạn nào để kiếm tiền và bảo vệ quyền lực của mình. Bắt cóc, tống tiền hay giết người chỉ là “chuyện nhỏ”. Bộ trưởng tư pháp Colombia – Lara Bonilla, tuyên bố mở chiến dịch “thực thi công lý” với Pablo Escobar, ông trùm này lập tức cử hai sát thủ đi mô tô bắn chết bộ trưởng ngay trên ô tô công vụ.
Ứng cử viên tổng thống Luis Carlos Galan được nhiều người ủng hộ vì chủ trương chống lại trùm ma túy này, các thuộc hạ của ông lập tức nhận lệnh hạ sát. Thậm chí Pablo Escobar còn chỉ đạo cho nổ tung một chiếc máy bay chở khách với hơn 100 hành khách trên đấy vì nghĩ rằng người kế vị tổng thống Gaviria ngồi trên ấy.
Chỉ duy có bóng đá, với Pablo Escobar luôn là cuộc chơi bắt buộc phải công bằng. Ông không bao giờ dùng thủ đoạn để chiến thắng. Trong tang lễ của Andres Escobar – hậu vệ Colombia bị giết vì đá phản lưới nhà, tổng thống Gaviria – người từng bị Pablo giết hụt cũng phải ngậm ngùi thừa nhận: “Điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Pablo còn sống. Ông ấy có những nguyên tắc riêng của mình“.
Liên quan đến bóng đá, lần duy nhất ông trùm này giết người là khi đội bóng của ông – Deportivo Independiente Medellin đối đầu với America De Cali – đội bóng được ông trùm đối lập Miguel Rodriguez. Ngay sau trận đấu, thông tin trọng tài chính Alvaro Ortega bị “mua đứt” được lan truyền.
“Thằng chó đấy đã đánh cắp chiến thắng của chúng tôi“, Popeye – tay chân thân tín nhất của Pablo Escobar hồi tưởng lại. “Pablo ra lệnh cho chúng tôi truy sát bằng được hắn“. Ortega bị bắn chết ngay sau đó bởi hai sát thủ của Pablo Escobar, với 20 viên đạn găm vào người, cùng tiếng hét: “Mày bắt sai rồi, đồ chó” trước khi súng nổ.
DKN