Chính quyền ông Trump đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn khả năng ông Biden đảo ngược chính sách mà họ xây dựng suốt thời gian nắm quyền.
Trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành các quy tắc, quy định và những sắc lệnh mới với hy vọng ngăn cản chính quyền của ông Biden đảo ngược chính sách đối ngoại và củng cố di sản “nước Mỹ trên hết” của ông Trump trong các vấn đề quốc tế.
Nỗ lực dựng “tường thành” của chính quyền Trump
Nhưng giới phân tích cho rằng, những bước đi này của ông Trump có thể không mang lại hiệu quả, vì nhiều quyết định trong số đó có thể bị tổng thống kế nhiệm xóa bỏ hoặc sửa đổi khi lên nắm quyền vào ngày 20/1/2021.
Trong những tuần gần đây, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan khác trong chính phủ đã chạy đua với thời gian để đưa ra những thông báo mới về chính sách đối với Iran, Israel, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác nhằm mục đích khẳng định tầm nhìn của Tổng thống Trump đối với thế giới. Một số quyết định thu hút đáng kể sự chú ý, trong khi một số khác không nhận được nhiều quan tâm.
Tất nhiên, ông Biden vẫn có thể đảo ngược được chính sách của người tiền nhiệm, nhưng để thực hiện này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực và đây sẽ không phải công việc dễ dàng khi mà ông còn rất nhiều ưu tiên cấp thiết khác cần phải giải quyết khi lên nắm quyền.
Động thái ngoại giao mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump diễn ra vào tuần trước, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thăm Israel và đưa ra hai tuyên bố ủng hộ Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trái phép của Palestine ở Bở Tây. Đi ngược với chính sách qua nhiều đời tổng thống Mỹ, tại đây, ông Pompeo khẳng định Mỹ không còn xem các khu định cư Israel ở Bờ Tây là “trái luật pháp quốc tế” nữa.
Đội ngũ của ông Biden vẫn chưa lên tiếng về những tuyên bố này, nhưng Joe Biden từng cho biết ông sẽ đảo ngược nhiều quyết định của chính quyền Donald Trump để đưa Mỹ trở lại chính sách mang tính truyền thống hơn trong vấn đề Israel và Palestine.
Các nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm ngăn chặn khả năng chính phủ kế nhiệm đảo ngược chính sách mà họ xây dựng suốt thời gian nắm quyền, đã được tiến hành trong nhiều tháng qua, ngay cả trước khi ông Joe Biden nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden là đối thủ nặng ký có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11, chính quyền ông Trump đã đẩy nhanh hành động.
Một số quan chức chỉ ra rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đưa ra ngày 13/7 bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là sự thay đổi 180 độ so với quan điểm của các chính phủ tiền nhiệm. Từ trước đến nay, Mỹ luôn theo đuổi lập trường trung lập và thận trọng đối với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về các yêu sách trên Biển Đông. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng lên tiếng ủng hộ quá trình xét xử của tòa quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình.
Nhiều quyết sách đối ngoại của Tổng thống Trump, ngay từ đầu đã được hoạch định để xóa bỏ những thành tựu trong chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, chẳng hạn như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng riêng tuyên bố về Biển Đông là quyết sách đầu tiên được các quan chức trong chính quyền ông Trump liên kết với khả năng Joe Biden trở thành tổng thống kế nhiệm. Một quan chức trong chính quyền cho biết, tất cả những quyết định sau đó đều được đưa ra theo hướng này. Nỗi lo sợ ông Trump có thể trở thành tổng thống một nhiệm kỳ đã manh nha từ tháng 7 và kéo theo đó là sự gia tăng các bước đi nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực đảo ngược của ông Biden.
Israel
Ngày 19/11 trước khi thực hiện chuyến thăm khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ coi những nhóm ủng hộ quyền lợi của người Palestine là các nhóm bài Do Thái. Nhà ngoại giao Mỹ cũng thông báo về sự thay đổi trong quy định gắn nhãn mác trên sản phẩm nhập khẩu, yêu cầu những sản phẩm được sản xuất tại các khu định cư phải được gắn mác “Sản xuất tại Israel”. Tuy nhiên để quy định có hiệu lực cần phải mất một khoảng thời gian.
Những động thái mới nhất này là sự tiếp nối một loạt các bước đi nhằm củng cố quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Israel mà chính quyền Tổng thống Trump thực hiện ngay từ khi nhậm chức. Trước đó, Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, cắt viện trợ cho chính quyền Palestine và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn giúp người tị nạn Palestine. Mặc dù ông Biden không có khả năng chuyển Đại sứ quán Mỹ trở lại Tel Aviv nhưng ông có thể nhanh chóng đảo ngược các quyết định khác của chính quyền ông Trump.
Iran
Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức khác của Mỹ đã bàn thảo về việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, nhưng trên thực tế, chính quyền Tổng thống Trump đã gia tăng lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giao này kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018. Các biện pháp trừng phạt mới có thể nhằm vào những nhân vật hoặc các tổ chức ủng hộ những lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Iraq và Afghanistan, phong trào Houthi ở Yemen.
Ông Biden từng đề cập khả năng tái tham gia thỏa thuận hạt nhân và các quan chức Iran cũng cho biết họ luôn sẵn sàng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận nếu Mỹ thực hiện đúng các nghĩa vụ của nước này. Joe Biden có thể loại bỏ nhiều biện pháp mà chính quyền ông Trump tái áp đặt với Iran thông qua sắc lệnh hành pháp, nhưng vẫn chưa rõ mức độ ưu tiên của ông đối với vấn đề Iran.
Iraq và Afghanistan
Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là rút toàn bộ các binh sỹ Mỹ từ Afghanistan và Iraq về nước. Trước đó, hôm 17/11, ông Trump đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cắt giảm quân số xuống còn 2.500 tại mỗi quốc gia. Việc rút quân có thể bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ, phụ thuộc vào các động thái của Bộ Quốc phòng Mỹ. Vẫn chưa rõ Bộ Ngoại giao sẽ sắp xếp nhân sự ra sao tại các Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và Kabul, khi cả hai cơ quan này đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ an ninh của quân đội Mỹ.
Ông Pompeo đã đe dọa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad nếu lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn không chấm dứt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu vực này. Bất chấp việc Tổng thống Trump ra lệnh cho Lầu Năm Góc rút quân vào hôm 17/11, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông báo nào về tình trạng của các đại sứ quán.
Ông Biden từng nói rằng ông “thực sự mệt mỏi về cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở Afghanistan” nhưng muốn “kết thúc chiến tranh một cách có trách nhiệm, theo cách vừa đảm bảo đề phòng trước các mối đe dọa đối với đất nước, vừa đảm bảo sẽ không bao giờ quay trở lại cuộc chiến”.
Trung Quốc
Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã thực thi nhiều động thái cứng rắn với Trung Quốc từ hơn 1 năm qua, nhưng mức độ cứng rắn đã đạt đến đỉnh điểm kể từ tháng 3/2020, khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc khiến dịch bệnh Covid-19 lây lan trên toàn thế giới và chỉ trích ông Biden quá mềm mỏng với Bắc Kinh. Kể từ thời điểm đó chính quyền ông Trump liên tiếp ra đòn trừng phạt Trung Quốc liên quan đến vấn đề thương mại, Hong Kong và Biển Đông. Mỹ liệt tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, cấm nhiều ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng của nước này như Tiktok và Wechat.
Tuần trước, Văn phòng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một báo cáo về chính sách chiến lược đối với Trung Quốc dài hơn 70 trang. Axios trích dẫn báo cáo cho biết: “Đối mặt với thách thức Trung Quốc đòi hỏi Mỹ trở về với những điều căn bản. Mỹ cần ưu tiên chính sách bền lâu, vượt lên trên những tranh cãi nhỏ nhặt, những mâu thuẫn nội bộ và chu kỳ bầu cử ngắn hạn để hướng tới mục tiêu bao trùm là đảm bảo tự do”. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đặt ra 10 nhiệm vụ mà nước này cần thực hiện để đối phó thách thức từ Trung Quốc.
Nga
Ngày 22/11 đánh dấu thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở với Nga, một thỏa thuận quốc tế cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay trình sát, không vũ trang qua các nước khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự của họ. Động thái này diễn ra khoảng 6 tháng sau khi Mỹ thông báo cho Nga về ý định rút lui của họ. Trước đó, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vốn được ký kết từ hơn ba thập kỷ trước với Liên Xô.
Hiện tại, giữa Nga và Mỹ chỉ còn duy nhất một hiệp ước kiểm soát vũ khí đó là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên sở hữu. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
Chính quyền Tổng thống Trump từng cho biết họ không có ý định gia hạn Hiệp ước New START trừ khi Trung Quốc tham gia. Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ việc tham gia hiệp ước này. Thời gian gần đây, chính quyền ông Trump đã nới lỏng lập trường và cho biết họ sẵn sàng xem xét việc gia hạn hiệp ước./.
Theo VOV