Trong căn nhà 200 mét vuông mà anh Hiền cùng vợ là chị Hồng dựng lên từ 2 năm trước hiện có 25 người đang cùng nhau chung sống. Mỗi người đều đến từ vùng quê khác nhau nhưng tất cả đều là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong số họ có những trường hợp bị ung thư, phải chạy thận; cũng có người nhà bệnh nhân đến ở cùng để tiện chăm sóc.
Ngôi nhà của anh Hiền được xây dựng khá khang trang, rộng 200 mét vuông, tọa lạc ở khóm 5, phường Thành Phước, TX Bình Minh, Vĩnh Long. Phía sau nhà còn có khu vườn mát rượi, mắc nhiều võng làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát…
Chia sẻ với PV Vietnamnet, anh Trần Văn Hiền (45 tuổi) cho biết, những bệnh nhân này nhà ở xa nên không đủ tiền đi lại mỗi lần chạy thận. Ở lại bệnh viện họ không có chỗ ở, phải ở tạm mái hiên, ăn uống rất kham khổ. Thấy vậy, anh quyết định xây dựng căn nhà có đủ giường nệm, nhà vệ sinh… rồi mời họ đến ở. Các bệnh nhân trọ trong nhà anh đều được miễn phí tiền điện, nước, ăn uống.
“Tôi có 1 chiếc xe cẩu, 1 chiếc xe cuốc, vợ thì bán mỹ phẩm nên không lo nhiều chuyện tiền bạc. Làm ra được tiền, tôi để dành một khoản để góp vào lo cho những người trong “mái nhà chung”, anh Hiền tâm sự.
Cụ Phạm Văn Vàng (81 tuổi, ngụ xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) xúc động chia sẻ: “Tôi chạy thận đến nay đã 9 năm, từ nhà đến bệnh viện khá xa nên rất mệt mỏi và tốn kém. May mắn biết được mái ấm của chú Hiền, tôi đến đây ở không tốn tiền còn được lo lắng chu đáo từ ăn uống, sinh hoạt đến việc đưa đón đi lọc thận khiến tôi rất cảm động và biết ơn.”
Biết được việc làm tốt của anh Hiền, có nhiều mạnh thường quân cũng chung tay với để giúp đỡ, kéo dài sự sống cho các bệnh nhân.
Theo lời anh, những bệnh nhân qua đời nếu không có người thân, anh sẽ cùng các mạnh thường quân tổ chức đám ma, tụng kinh, rồi mang đi thiêu, gửi tro cốt của họ vào chùa.
Không chỉ chăm lo cuộc sống cho những bệnh nhân chạy thận nói trên, anh Hiền còn được biết đến là người chuyên vớt xác trên sông Hậu. Từ năm 2016, anh quyết tâm làm công việc này sau khi chứng kiến những người gieo mình xuống lòng sông để tự vẫn, bỏ lại những người thân phải chịu cảnh chia ly, giày vò, đau khổ.
Nhiều trường hợp khi được vớt lên, gia đình không lo nổi hậu sự, anh Hiền lại bỏ tiền mua hòm, lo xe đưa về tận nhà. Đối với người không có thân nhân đến nhận, anh đưa về chôn cất trong nghĩa trang từ thiện với diện tích 2.000m2 của mình.
“Của cải, tiền bạc rồi cũng hết, tôi chỉ muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống”, anh Hiền nói.
Ngọc Mai (tổng hợp)