Từng đi qua rất nhiều vị trí quản lý cao cấp tại các tập đoàn quốc tế, doanh nhân Louis Nguyễn quyết tâm trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp dù vốn tiếng Việt ít ỏi.
Ông Louis Nguyen (Nguyễn Thế Lữ), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management – SAM), là gương mặt quen thuộc của giới đầu tư qua chương trình Thương vụ bạc tỷ.
Chàng thanh niên giàu nghị lực
Sinh ra tại Hà Nội (Việt Nam) vào năm 1963, Louis sớm làm quen với nền văn hóa phương Tây khi gia đình ông chuyển sang Mỹ định cư. Gia đình khó khăn về tài chính khiến ông phải bươn chải từ khá sớm. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu đi làm, kiếm tiền chia sẻ bớt gánh nặng với gia đình.
Cậu bé Louis Nguyễn khi đó làm nhiều việc, từ bán hàng trong siêu thị, phục vụ trong nhà hàng, rồi bán đĩa nhạc. Cũng nhờ bán đĩa nhạc mà ông mê nhạc, có thời gian chuyển sang làm DJ, chỉnh nhạc ở một số quán bar trước khi chuyển sang làm huấn luyện viên tennis cho trẻ em.
Cậu học trò thung lũng Silicon nuôi ước mơ theo học ngành công nghệ để trở thành một kỹ sư nhưng đã không đủ may mắn và thực lực để vượt qua môn Vật Lý. Chính vì vậy nên Louis Nguyễn đổi nguyện vọng sang trường Đại học San Jose State University và thi đỗ vào chuyên ngành tài chính kế toán. Hoàn thành xuất sắc quá trình học tập, ông ra trường với tấm bằng cử nhân trong tay và bắt đầu con đường chinh phục các tập đoàn lớn ở nước Mỹ.
Trong một quãng thời gian dài, Louis đã đảm nhiệm rất nhiều vị trí và công tác tại các công ty quốc tế lến có trụ sở tại Mỹ. Điển hình, ông từng nắm giữ vai trò Phó chủ tịch tại Intelligent Capital, một hãng mua bán sáp nhập trong ngành công nghệ có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), con số đã giao dịch thành công của đơn vị này lên tới khoảng hơn 1 tỷ USD.
Tiếp đó, ông Louis Nguyễn từng quản lý một quỹ đầu tư ngành công nghệ Osprey Ventures với trị giá khoảng 100 triệu USD và có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Bên cạnh đó, ông Louis Nguyễn cũng từng điều hành một nhà máy sản xuất máy tính của Apple Computer ở California và bộ phận bán hàng và marketing của Apple ở Cupertino, California.
Ông đã chiêm nghiệm: “Doanh nghiệp dù ở thời nào cũng cần kế toán và nếu bạn biết tính toán tốt, bạn sẽ tự kinh doanh được, ý nghĩ cần thiết kế lại sự nghiệp của ông bắt đầu nảy nở”.
Trở về nguồn cội
Từng dành nhiều năm làm việc cho các công ty tại Thung lũng Silicon ở nhiều vị trí khác nhau như kiểm toán ở KPMG, làm trong nhà máy Apple hay ở các công ty đầu tư mạo hiểm. Thung lũng Silicon là nơi khai sinh ra những tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Apple, Facebook,.. nhưng ông Louis Nguyễn quyết trở về Việt Nam với mong muốn làm điều gì đó cho bản thân và đất nước.
Nói về quãng thời gian ở Mỹ, ông Louis Nguyễn cho biết: “Có hai điều tâm đắc mà tôi học hỏi được khi làm việc tại đây. Đầu tiên là về tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở đây là tính tập trung và luôn giữ thái độ tốt cho công việc, dù có thể bạn đang gặp vấn đề cá nhân cản trở. Tính chuyên nghiệp ở Thung lũng Silicon không thể hiện ở “quần là áo lụa”, vest đen thẳng thớm. Hồi làm việc tại Apple tôi quen với văn hóa mặc áo thun, quần ngắn đi làm. Về Việt Nam phải mất một thời gian tôi mới quen với văn hóa sơ mi, cà vạt.
Điều còn lại là sự trung thành và làm việc tận tâm vì doanh nghiệp. Ở Thung lũng, không thiếu những công ty “một bước hóa rồng”, một nhân viên có thể trở thành triệu phú sau khi công ty lên sàn. Sự trung thành và gắn bó là điều mà tôi thấm thía trong những năm tháng tại đây”.
Khi trở về Việt Nam, không khó để ông Louis tìm được các vị trí cao tại các tập đoàn tài chính ở Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm nhiều vai trò quản lý cấp cao tại VinaCapital, Việt Nam Equity Holding (VEH), và Vietnam Property Holding (VPH); ông cũng từng là đối tác cấp cao của IDG Ventures Vietnam, một quỹ đầu tư nổi tiếng tại thị trường trong nước.
Hiện tại, ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản Sài Gòn (SAM Holdings). Công ty chuyên tập trung đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam, các ngành đầu tư bao gồm thực phẩm & giải khát, giáo dục, công nghệ và y tế.
Chia sẻ về đầu tư tại thị trường Việt Nam, ông Louis Nguyễn cho biết: “Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam có ngọn lửa đầu tư từ rất sớm. Các bạn còn trẻ, trong trường hợp thất bại vẫn có thời gian làm lại từ đầu. Còn như người từng trải và độ tuổi cũng lớn với nhiều vấn đề khác phải lo như tôi, độ chấp nhận rủi ro có phần giảm hơn so với thời trẻ”.
Theo ông, trong thị trường chứng khoán, đầu tư đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm và học hỏi khoa học chứ không phải vấn đề “may nhờ rủi chịu”. Ngoài việc phân bổ hợp lý nguồn tài chính dành cho đầu tư, bạn cần phải nghiên cứu để bỏ tiền vào đúng rổ. Đầu tư là một quá trình lâu dài, và hiểu biết về đối tượng sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu các rủi ro không đáng có. Trừ khi bạn có ý định lướt sóng, nếu không phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ bất cứ doanh nghiệp nào khi muốn đầu tư sinh lợi lâu dài.
“Khi về Việt Nam tôi nhận ra cơ hội ở đây nhiều lắm và nghĩ thị trường Việt Nam quá hấp dẫn, sao phải tìm đường đầu tư ở nước ngoài. Đồng ý rằng đầu tư tại Việt Nam vẫn có cạm bẫy, nhưng những lĩnh vực được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật sẽ có ít rủi ro cho nhà đầu tư hơn”, ông Louis Nguyễn nói và chia sẻ một kinh nghiệm là nên cẩn trọng với những lời mời gọi quá hấp dẫn. Nếu được rủ đầu tư vào một thương vụ nào đó mà họ chỉ bày ra trước mắt những điều tốt thì nên nghi ngờ. Bản chất của đầu tư phải có những rủi ro nhất định, và miếng bánh ngon không dễ đến tay, trừ khi thật sự nó không ngon.
Ông chia sẻ: “Ở Mỹ khi người ta chết đi, bia mộ của họ được khắc dòng chữ về điều vinh quang nhất trong cuộc đời. Với cá nhân tôi, tôi không muốn tất cả những thứ người khác nhớ về mình sau này chỉ là “ông này rất thành công về đầu tư” và hết”.
Vị “cá mập” cho rằng: Khi bạn rời khỏi thế giới này tài sản hay quyền lực đều không mang theo được, vậy mục tiêu cuộc đời của bạn là kiếm tiền để sống, hay sống để kiếm tiền? Với tôi, phương châm sống giúp tôi phát triển hơn qua từng ngày là “Liêm chính”. Tôi tin tưởng vào sự chân thành, ăn ngay nói thật, dám nghĩ dám làm và yêu thương gia đình bằng hành động thực tế.
Trở về Việt Nam với ông là một “duyên lành” và khi về Việt Nam ông Louis Nguyễn mới hiểu về chữ “tình nghĩa”. Đó là khi bố ông mất tại bệnh viện, những người bạn bản địa không tới chia buồn thân thiết như người Việt Nam. Khi đó ông mới nhận ra mình sai nhiều quá, không nghĩ về gia đình sớm hơn.
“Những người da trắng chưa chắc sẽ làm như vậy nếu người thân họ mất. Họ chỉ đi đám tang hay tiễn khi chôn cất. Khi ấy, tôi mới nhận ra là phải tập trung vào gia đình và văn hoá nghĩa tình của người Việt Nam”, Louis chia sẻ.
Và cho đến giờ, khi đã trở về Việt Nam được gần 20 năm, ông vẫn chưa thể cắt nghĩa hoàn chỉnh cụm từ “tình nghĩa”. Với ông, tình nghĩa và tử tế luôn luôn song hành.
Khánh Hà (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)