Bạn đã bao giờ nghe thấy âm thanh phát ra từ rễ cây chưa?
Gốc và ngọn
Có một vị đệ tử luôn thích khoe khoang bản thân trước mặt người khác.
Một hôm, sư phụ đưa cậu ta đến trước một cái cây, hỏi rằng: “Những cành cây này có đẹp không?”
“Tất nhiên ạ, những bông hoa nở đầy trên cành thật rực rỡ và đẹp đẽ biết bao!” – Đệ tử nói.
Một trận gió thổi qua, những cành cây phát ra âm thanh “xào xạc”.
“Con có nghe thấy gì không?” Sư phụ lại hỏi.
“Đương nhiên nghe thấy ạ, âm thanh của cành cây phát ra nghe trong trẻo và êm tai làm sao!” Vị đệ tử trả lời
“Nhưng con có biết cành cây trong chữ Hán gọi là gì không? Nó được gọi là ‘mạt’ (ngọn) !”
Sư phụ nói xong liền chỉ vào dưới gốc cây nói: “Con có thấy rễ cây không? Con có nghe thấy rễ cây phát ra âm thanh không?”
“Gốc cây bị chôn dưới đất, làm sao con nhìn thấy được? Gốc cây là vật tĩnh thì làm sao con nghe được âm thanh của nó ạ?” – Vị đệ tử nói.
“Nhưng con có biết rễ cây trong chữ Hán được gọi là gì không? Nó được gọi là ‘bổn’.
Nói cách khác, những cành lắc lư trên đỉnh ngọn cây chỉ là một bộ phận không quan trọng, còn phần rễ cây lặng lẽ dưới gốc cây mới chính là bộ phận cơ bản nhất, là phần gốc rễ quan trọng và không thể thiếu.”
Nghe những lời của thầy, vị đệ tử tự cảm thấy xấu hổ về bản thân. Từ đó về sau, người này không còn khoe khoang bản thân mình trước mặt mọi người nữa.
Giác ngộ bằng trái tim
Có hai ngôi chùa nằm trên hai ngọn núi ở hai phía đối diện là phía Bắc và phía Nam.
Mỗi buổi sáng sớm, mỗi ngôi chùa sẽ cử một tiểu hòa thượng xuống chợ ở dưới núi mua thức ăn. Hai tiểu hòa thượng trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, không ai chịu thua ai. Khi gặp nhau ở trên chợ, họ thường công khai hoặc âm thầm so tài và thử sức nhau.
Có một ngày, tiểu hòa thượng ở ngôi chùa phía Nam hỏi rằng: “Cậu đi đâu thế?”
Tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Bắc trả lời rằng: “Chân của tôi đi đâu, tôi sẽ đi nơi đó.”
Vị tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Nam sau khi nghe xong thì không nói gì được nữa.
Sau khi mua xong thức ăn, cậu quay về chùa báo cáo với sư phụ của mình, vị sư phụ nói rằng: “Lần sau con gặp phải cậu ấy, nếu con dùng những câu như thế để hỏi mà cậu ta vẫn trả lời giống như cũ, thì con hãy nói: ‘Nếu như cậu không có chân thì cậu sẽ đi đâu?’ Như thế thì con có thể đánh bại cậu ta rồi.”
Buổi sáng ngày hôm sau, hai vị tiểu hòa thượng của hai ngôi chùa lại gặp nhau khi đi chợ mua thức ăn.
Vị tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Nam lại hỏi: “Cậu đi đâu thế
Tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Bắc trả lời: “Gió đi đâu thì tôi sẽ đi nơi đó.”
Câu trả lời bất ngờ này khiến vị tiểu hòa thượng của chùa phía Nam không thể đáp trả, đứng hình một lúc cũng không nói nên lời. Lúc quay về chùa, sư phụ thấy tiểu hòa thượng mặt mày đầy bực bội, liền hỏi: “Phương pháp ta dạy con không có tác dụng sao?”.
Tiểu hòa thượng liền thuật lại y nguyên chuyện gặp phải lúc sáng, sư phụ nghe xong thì dở khóc dở cười, nói với tiểu hòa thượng: “Vậy con có thể hỏi lại cậu ta rằng ‘không có gió thì cậu sẽ đi đâu?’”
Buổi sáng ngày thứ ba, tiểu hòa thượng ngôi chùa phía Nam gặp lại tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Bắc, liền hỏi: “Cậu đi đâu thế?”
Chú tiểu kia trả lời: “Tôi đi chợ.”
Tiểu hòa thượng của ngôi chùa phía Nam không thể nói lại được gì nữa, vì cậu không thể nói: “Nếu không có chợ thì cậu sẽ đi đâu?”
Sau khi biết điều này, vị sư phụ thở dài: “Nhìn hoàng hôn để ngộ ra sự vô thường của nó, nhìn mây trắng để ngộ ra sự thoải mái của nó, nhìn núi non để ngộ ra kỳ quan của nó, nhìn sông biển để nhận ra sự rộng lớn của nó… và dùng trái tim để ngộ mới học được những điều đáng quý, không ngộ ra được điều gì là do chính bản thân mình.
Những thứ của người khác thì sẽ luôn thuộc về họ, chỉ những thứ ta tự ngộ ra mới thuộc về chính bản thân ta.
Khánh An (Pháp Luật Bạn Đọc)