Với 22 hồ đang nuôi lươn, 180 hồ đang xây dựng, dự kiến quy mô khoảng 4 triệu con lươn mỗi lứa vào cuối năm nay, ông Nguyễn Thanh Lập (ấp An Bình, xã Trung Hòa) được đánh giá là hộ nuôi lươn lớn nhất, hiệu quả nhất tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Thanh Lập (ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ dự án Xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi thương phẩm lươn đồng chất lượng cao tại huyện Trảng Bom do UBND huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững phát triển triển khai, cuối tháng 7-2019, ông bắt đầu xây dựng 2 hồ nuôi lươn với số lượng 3 thiên (3.000 con).
Quá trình nuôi lươn không bùn, ông cho lươn ăn trùn quế, cám chuyên dùng cho loại cá da trơn.
Ông cho nước tỏi ớt xay trộn vào cám để tăng sức đề kháng cho lươn, phòng giun sán và bệnh lở loét da cho lươn.
Nuôi được khoảng 6 tháng, lươn đạt trọng lượng gần 200g/con, ông bán cho mối với giá 190.000 đồng/kg và thu lời hơn 50 triệu đồng. Sau thành công lứa lươn nuôi ban đầu, ông Lập tiếp tục xây thêm gần 20 hồ nuôi lươn.
Ông Lập cho biết, hiện tại ông đang cải tạo chuồng heo, dự kiến xây khoảng 180 hồ nuôi lươn và thả khoảng 4 triệu con lươn giống mỗi lứa.
Nếu đúng kế hoạch, ông Lập sẽ có trang trại nuôi lươn lớn nhất huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) vào đầu năm 2021.
“Tôi nuôi lươn theo kiểu chắc ăn, đầu tư bài bản và đúng quy trình kỹ thuật. Tôi đặt cọc 100% lươn giống cho cả năm. Quá trình nuôi lươn không bùn, tôi xử lý nguồn nước bằng cách mua san hô biển về đặt trong các bể lọc để cân bằng độ pH. Bổ sung kháng thể thiên nhiên vào trong thức ăn cho lươn. Mỗi ngày tôi thay nước 2 lần, khoảng 2 giờ sau khi lươn ăn xong” – ông Lập chia sẻ.
Ông Lập cho rằng, nuôi lươn không bùn không đòi hỏi nhiều diện tích, không tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư không lớn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, mô hình nuôi lươn không bùn này không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với các hộ ở vùng đô thị, hộ nông dân có ít đất sản xuất.
Về đầu ra, ông Lập cho biết, trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị cung ứng con lươn giống, thức ăn cho lươn và bao tiêu luôn đầu ra là lươn thịt cho người nuôi.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều lái buôn thường xuyên lên mạng xã hội đăng tải thông tin tìm kiếm nguồn lươn thịt cho các chợ đầu mối. Bản thân ông Lập cũng lên mạng tìm mối và bán được lươn thịt nên về cơ bản, người nuôi lươn yên tâm đầu ra.
Lãnh đạo huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng chất lượng cao.
Các ngành chức năng của huyện sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, tham quan mô hình nuôi lươn, kết nối đầu vào, đầu ra và giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để an tâm nuôi lươn.
Ban Mai (Báo Đồng Nai)