Trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều chứng kiến những sóng gió mới trong quan hệ với Trung Quốc, nhóm Bộ Tứ đã trở nên gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sau 13 năm vắng bóng, ngày 3/11 Australia tham gia cuộc tập trận hải quân chung tại Vịnh Bengal cùng với 3 thành viên còn lại của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Đây được cho là động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Lập trường kiên quyết với Bắc Kinh
Cuộc tập trận Malabar kéo dài 3 ngày ở ngoài khơi biển cực Nam của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ của các nước trong nhóm Bộ Tứ với Trung Quốc gia tăng căng thẳng. Nhiều chuyên gia nhận xét, đây là minh chứng cho lập trường kiên quyết của các quốc gia nói trên khi đối mặt với chính sách ngoại giao ngày càng gây hấn của Bắc Kinh.
Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya đã kéo dài suốt 6 tháng qua. Thời gian gần đây, Bắc Kinh công bố một loạt lệnh cấm mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Australia, trong đó có lúa mạch và tôm hùm, một động thái được cho là đáp trả việc Canberra tiếp bước Washington kêu gọi tiến hành cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trải qua nhiều sóng gió trong thời gian qua. Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, song song với đó, Bắc Kinh cũng nỗ lực mở rộng và xây dựng một lực lượng quân đội hùng hậu, đe dọa các lực lượng Mỹ và đồng minh tại nhiều điểm nóng tiềm tàng trên thế giới. Giới quan sát đã cảnh báo nguy cơ hai nước có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí là xung đột trực diện hoặc chiến tranh ủy nhiệm. Giữa vòng xoáy căng thẳng, việc tiến hành cuộc tập trận Malabar với sự tham gia của 4 thành viên trong nhóm Bộ Tứ có khả năng khiến Bắc Kinh tức giận.
Cuộc tập trận Malabar ban đầu được tiến hành vào năm 1992 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó mở rộng quy mô với sự tham gia của Australia và Nhật Bản. Tuy nhiên, Australia và Nhật Bản đã rút khỏi cuộc tập trận này sau khi Bắc Kinh trao công hàm phản đối vào năm 2007. Đến năm 2015, Tokyo tái gia nhập cuộc tập trận.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh 4 quốc gia nói trên đều chứng kiến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày càng xấu đi, nhóm Bộ Tứ đã trở nên gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bắc Kinh từng cáo buộc liên minh không chính thức này là một “liên minh chống Trung Quốc”.
Cuộc tập trận lịch sử
Tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng 4 nước nhóm họp tại Tokyo để thảo luận về việc tăng cường hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai tuần sau, Ấn Độ thông báo, Australia một lần nữa đồng ý tham gia cuộc tập trận chung Malabar. Điều đó chứng tỏ các bên đã gạt bỏ tâm lý e dè khi thực hiện hành động được cho là nhằm “kiềm chế” Trung Quốc.
Tướng Hải quân về hưu R.S Vasan của Ấn Độ, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Chennai (C3S) cho biết: “Tất cả chúng tôi đã chờ đợi điều này xảy ra trong suốt một thời gian dài. Từ năm 2007 đến nay, có rất nhiều sự do dự giữa các nước thành viên bởi Trung Quốc luôn coi nhóm Bộ Tứ là sự tập hợp các quốc gia chống lại họ. Song cũng cần phải nói rằng, chính vì Trung Quốc nên các thành viên trong nhóm Bộ Tứ mới gắn kết với nhau. Các hành động của Bắc Kinh đã đẩy Ấn Độ và Australia – từ các bên giữ thái độ trung lập thành những đối tác sẵn sàng kề vai sát cánh”.
Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều khí tài quân sự tối tân, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S.McCain của Mỹ, tàu hộ tống tầm xa Ballarat của Hải quân Hoàng gia Australia và tàu khu trục Onami của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Về phía nước chủ nhà Ấn Độ có tàu khu trục Ranvijay, tàu hộ tống INS Shivalik, tàu tuần tra INS Sukanya, tàu hậu cần INS Shakti và tàu ngầm INS Sindhuraj. New Dehli cũng triển khai các lực lượng trên không như máy bay săn ngầm P-8I, máy bay tuần tra biển Dornier, trực thăng, máy bay huấn luyện cao cấp Hawk.
Cuộc tập trận Malabar diễn ra giữa thời điểm Trung Quốc chuẩn bị thêm lúa mì vào danh sách các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Australia. Trước đó Bắc Kinh đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản của Australia.
Chuyên gia R.S Vasan nhận xét, cuộc tập trận này có thể tạo ra đòn bẩy để tăng cường sự hợp tác giữa Ấn Độ với Australia – quốc gia đang cần các đối tác thương mại mới sau một loạt căng thẳng với Trung Quốc.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự hợp tác lớn hơn và một xu thế mới trong quan hệ giữa hai nước. Australia muốn đa dạng hóa thị trường của nước này và tạo ra thế cân bằng mới với các nước khác. Xét cho cùng kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”.
Vào tháng 6/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Tại hội nghị, các bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Ông Modi cho đây là “thời điểm hoàn hảo” để tăng cường hợp tác giữa hai bên. Hồi đầu năm nay, một số nguồn tin cho biết, Ấn Độ sẽ nhập khẩu lúa mạch từ Australia sau khi Trung Quốc áp thuế 80,5% đối với mặt hàng nhập khẩu này.
Thông điệp cứng rắn với Trung Quốc
Ông Yogesh Joshi, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận xét, cuộc tập trận Malabar có thể là tín hiệu cảnh báo mà Ấn Độ muốn gửi đến Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa hai nước chưa lắng dịu.
SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức Ấn Độ trong tuần này cho biết, các cuộc giao tranh giữa quân đội Ấn Độ với Trung Quốc thời gian qua đã khiến New Delhi mất quyền kiểm soát đối với khoảng 300 km2 đất. Binh sỹ Trung Quốc hiện ngăn cản các cuộc tuần tra của Ấn Độ trong khu vực này.
“Với việc tổ chức cuộc tập trận có đầy đủ thành viên trong nhóm Bộ Tứ, Ấn Độ muốn gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng nước này sẽ không chịu lùi bước trước những hành động cưỡng ép và sẽ thực hiện các chiến lược cân bằng ở trong nước và ngoài nước để đối phó thách thức mà Trung Quốc tạo ra”, ông Yogesh Joshi nhấn mạnh.
Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với lập trường trước đây của New Dehli về nhóm Bộ Tứ. Còn nhớ sau cuộc tập trận Malabar năm 2007, Ấn Độ đã xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh bằng cách nhấn mạnh rằng nhóm này không có “tác động đến tình hình an ninh”.
Chuyên gia Joshi cho rằng, tình trạng bế tắc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya và căng thẳng giữa hai nước buộc New Dehli phải đưa ra “thông điệp cứng rắn”, chẳng hạn như mời Australia tham gia tập trận.
“Tôi không cho rằng điều này sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn bởi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn đã rất căng thẳng”, ông Yogesh Joshi nói.
Tuy nhiên, ông Manoj Joshi, chuyên gia cấp cao thuộc viện chiến lược Observer Research Foundation, ở New Delhi đánh giá cuộc tập trận chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng.
“Mỗi thành viên đều có những mục tiêu cụ thể, nhưng họ vẫn chưa đưa ra một thông cáo chung”, chuyên gia này nhận xét./.
Theo VOV