Đáp trả trước việc Mỹ thông qua các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố áp đặt vòng trừng phạt mới mà khả năng gây ảnh hưởng lớn tới quân đội Mỹ.
Theo RT, nhà phân tích chính trị và các mối quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á, ông Tom Fowdy nhận định, dù động thái của Trung Quốc tới nay chỉ xem mang tính biểu tượng, nhưng nếu Bắc Kinh muốn làm mạnh tay hơn, chuỗi cung ứng cho các công ty quốc phòng của Mỹ sẽ bị gián đoạn và từ đó ảnh hưởng tới năng lực của quân đội Mỹ.
Vào chiều ngày 26/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với hàng loạt công ty Mỹ và các cá nhân liên quan tới các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong danh sách các công ty Mỹ chịu lệnh trừng phạt của Trung Quốc có Lockheed Martin, Boeing Defense và Raytheon. Ba tập đoàn này vốn được mệnh danh là “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ”.
Song trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói cụ thể các biện pháp trừng phạt sẽ được thi hành, phương thức thực hiện và tác động từ lệnh trừng phạt đối với các công ty Mỹ.
Về trước mắt, ông Fowdy cho rằng lệnh trừng phạt mà Trung Quốc tuyên bố chỉ mang tính biểu tượng bởi các công ty Mỹ nằm trong “danh sách đen” không có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và không gây ra tác động tới thị trường ở Mỹ.
Ngoại trừ hãng hàng không dân sự Boeing, trong một đoạn email đã nhấn mạnh công ty này tiếp tục hoạt động ở thị trường Trung Quốc.
Đáng nói, trên thực tế, Trung Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng “đất hiếm”, nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng đối với ngành sản xuất quốc phòng của Mỹ. Do đó, nếu Trung Quốc mạnh tay với lĩnh vực này, chắc chắn chuỗi cung ứng “đất hiếm” cho Mỹ bị ảnh hưởng lớn.
Ngay cả khi chỉ mang tính biểu tượng, lệnh trừng phạt mà Trung Quốc nhắc tới cũng là “phát súng cảnh cáo” từ Bắc Kinh về việc nếu Mỹ có thêm những hành động tương tự trong tương lai, Trung Quốc sẽ đáp trả, theo ông Fowdy.
Liên quan tới đất hiếm, đây là nguồn nguyên liệu liên quan tới 17 nguyên tố đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực từ đồ điện tử, phương tiện giao thông cho tới thiết bị quân sự.
Danh sách 17 nguyên tố đất hiếm gồm Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb) và Yttrium (Y).
Trong đó, Trung Quốc đang chiếm ưu thế đứng số 1 trong ngành công nghiệp cung cấp đất hiếm cho toàn cầu. Cụ thể, vào năm 2018, 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc.
Điều này có nghĩa Mỹ phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu đất hiếm được nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ ngành sản xuất công nghiệp. Do đó, nếu Bắc Kinh muốn, Trung Quốc có thể ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các công ty quốc phòng Mỹ bị đưa vào “danh sách đen”.
Song nếu Bắc Kinh làm như vậy, Washington cũng sẽ có hành động đáp trả làm leo thang căng thẳng giữa hai nước và các công ty Trung Quốc như Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Huawei chắc chắn không tránh được thiệt hại lớn.
Do đó, theo ông Fowdy, ý tưởng áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào nguồn cung đất hiếm cho Mỹ được cho là không khôn ngoan giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11 sắp diễn ra. Nói cách khác, đây sẽ là lựa chọn cuối cùng bởi “viễn cảnh chiến tranh” giữa hai nước là khó tránh.
Ông Fowdy kết luận, tuyên bố về việc áp đặt lệnh trừng phạt từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể được hiểu là “phát súng cảnh cáo” về việc Trung Quốc có thể làm gì và cũng là bằng chứng cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng đưa ra phản ứng mạnh tay hơn với các công ty Mỹ khi cần thiết.
Hồi tháng Chín, Trung Quốc cũng đã ban hành các quy định liên quan đến cái gọi là danh sách “những thực thể không đáng tin cậy” nhằm trả đũa Mỹ đưa một số công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”.
Dù thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể, nhưng cơ quan này cho biết sẽ xem xét trừng phạt “các công ty và cá nhân nước ngoài có hoạt động gây hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc” hoặc vi phạm “các quy định về kinh tế và thương mại đã được quốc tế chấp nhận”.
Động thái của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Washington trước đó đã sử dụng “danh sách đen” để cấm Tập đoàn Huawei hoạt động tại thị trường Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Còn hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận bán vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD cho Đài Loan gồm súng phóng rocket đặt trên xe tải do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, Hệ thống rocket – pháo di động cao (HIMARS), các tên lửa không đốt đất tầm xa của Boeing, cùng các bộ nâng cấp cảm biến cho dàn tiêm kích F-16 của Đài Loan.
Tiếp đó, tới ngày 26/10, Lầu Năm Góc công bố Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thông qua thương vụ bán 100 Hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển Harpoon do tập đoàn Boeing sản xuất cho Đài Loan với giá trị lên tới 2,37 tỉ USD. Hiện hai thương vụ được Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức trình lên đang chờ Quốc hội phê chuẩn.
Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để sáp nhập Đài Loan vào đại lục nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung”.
Theo Infonet