.Nếu Trung Quốc hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ tốt đẹp hơn khi ông Biden thắng cử thì họ nên suy nghĩ lại, Tiến sĩ Hui Feng, nhà nghiên cứu của Viện châu Á Griffith nhận định.
Ít ai nghĩ rằng, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tương đối ổn định suốt nửa thế kỷ qua, lại có thể gặp nhiều biến động lớn. Thế nhưng điều này đã xảy ra sau chuyến công du Tử Cấm Thành của Tổng thống Trump vào tháng 11/2017.
Cùng với việc tái thiết tiến trình hòa bình ở Trung Đông, sự thay đổi trong chính sách với Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một trong số những di sản đối ngoại lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Khi Ivanka – ái nữ của Tổng thống Trump phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa rằng: “Washington không thay đổi Donald Trump mà chính Donald Trump đã thay đổi Washington”, thì ý tứ này chắc chắn sẽ bao hàm cả cách hành xử của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc.
Từ đối tác chiến lược sang đối thủ cạnh tranh
Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc từng khiến chính quyền các cựu Tổng thống Bush và Barack Obama lo ngại, nhưng phải đến thời ông Trump, chính sách với Bắc Kinh mới được đảo ngược từ “đối tác chiến lược” sang “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, bắt đầu bằng bản báo cáo Chiến lược Phòng thủ Quốc gia được công bố chỉ một tháng sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ vào năm 2017.
Bản báo cáo nêu rõ: “Trung Quốc và Nga muốn hình thành một thế giới đối lập với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc muốn tìm cách thế chân Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi hoạt động của mô hình kinh tế do nhà nước định hướng và sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho quốc gia này”.
Quan điểm mới này dường như đi ngược lại với chiến lược bang giao thân thiện kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, được tiến hành từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon vào đầu những năm 1970.
Trước khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ từng tìm cách khuyến khích Trung Quốc “hành xử như một thành viên có trách nhiệm” trong trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng “thiện chí” của Mỹ để thực hiện chiến lược lâu dài nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chính quyền Trump cho rằng, chiến lược của Trung Quốc tập trung vào kiểu làm “kinh tế săn mồi” trong lĩnh vực thương mại và công nghệ, “bắt nạt” các nước nhỏ và tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực. Với cách tiếp cận cứng rắn như vậy, ông Trump đã tăng cường sức ép về mọi mặt với Bắc Kinh.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc ông Trump nhìn quan hệ song phương dưới lăng kính giao dịch không giúp giải quyết gốc rễ của các vấn đề mâu thuẫn tồn tại giữa hai quốc gia.
Tổng thống Trump tin tưởng ông có thể giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thông qua một thỏa thuận thương mại “lớn lao và tốt đẹp hơn”, coi đây là “viên đạn bạc” cho cả hai nền kinh tế và triển vọng tái đắc cử của ông. Điều này đã giải thích cho tất cả những thăng trầm trong quá trình đàm phán thương mại kéo dài giữa hai nước, mà ở đó, Bắc Kinh có xu hướng sử dụng thỏa thuận làm “mồi nhử” để gạt bỏ những vấn đề chiến lược lớn hơn ra khỏi bàn đàm phán.
Hơn nữa, chính sách của Tổng thống Trump với Trung Quốc, ít nhất là trên lĩnh vực thương mại, đều mang tính đơn phương. Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ, Mỹ đã khiến đồng minh của nước này thất vọng và giận dữ khi áp thuế với Canada, tái đàm phán thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc theo hướng có lợi cho Washington và giảm những cam kết về an ninh của Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chưa hết, chính quyền Tổng thống Trump đã từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế phụ trách thương mại, biến đổi khí hậu và nhân quyền. Kết quả là Mỹ đã không có được sự hậu thuẫn của đồng minh khi cần nhất, đồng thời tạo cho Trung Quốc có chỗ đứng mới trên sân khấu quốc tế.
Rạn nứt bên trong chính quyền Trump
Chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Trump ngày càng bị sa lầy do có sự cạnh tranh và mâu thuẫn trong chính nội các của ông. Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, đã xuất hiện những rạn nứt nghiêm trọng trong chính quyền ông Trump liên quan đến việc xử lý cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và toàn bộ chính sách về Trung Quốc.
Có rất nhiều tiếng nói khác nhau trong chính sách với Trung Quốc, từ những người ôn hòa như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Cố vấn cấp cao Jared Kushner đến các nhân vật đầy hoài nghi như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hay những người cứng rắn hơn như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Khi Tổng thống Trump thất vọng về việc Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối thỏa thuận thương mại vào giữa năm 2019, tiếp đến là sự bùng phát dịch bệnh Covid-19, phe cứng rắn trong chính quyền của ông đã thắng thế. Mặc dù điều này tạo ra một cách tiếp cận đồng nhất hơn để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, song nó dễ dẫn tới sự đối đầu trực diện với Bắc Kinh và gây leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Năm 2019 đánh dấu thời kỳ quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức thấp nhất sau những màn ăn miếng trả miếng trên nhiều mặt trận, trong đó có việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với các công ty công nghệ Trung Quốc, hai bên đóng cửa các lãnh sự quán của nhau, hạn chế visa cho các nhà báo, sinh viên, học giả. Mỹ đã lên tiếng phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ trích chính sách của Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong, Đài Loan.
Ông Biden không dễ đảo ngược di sản của ông Trump
Điều khiến người ta ngạc nhiên là những lời than phiền của ông Trump về vấn đề thương mại với Trung Quốc lại leo thang thành cái được cho là “một cuộc chiến tranh Lạnh kiểu mới”. Ông Trump có thể chưa thành công trong việc thay đổi hoàn toàn Washington nhưng chính quyền của ông ít nhất đã thay đổi quan điểm và cách nhìn của giới tinh hoa Mỹ về Trung Quốc.
Quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đã nhận được sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng Mỹ trong một môi trường chính trị phân cực. CNA cho rằng, ngay cả khi ông Trump thất bại và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 thì sự thay đổi cơ bản trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn rất khó xảy ra vì trước đó cương lĩnh tranh cử của đảng Dân chủ cũng đưa ra những lời chỉ trích vô cùng gay gắt với Trung Quốc.
Trong cương lĩnh, cựu Phó Tổng thống Joe Biden viết rằng: “Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường của họ, nước này sẽ tiếp tục lấy đi công nghệ và tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và Trung Quốc”. Tuy nhiên, Joe Biden cho biết, ông sẽ gỡ bỏ một số rào cản thuế quan để đảm bảo có được một thỏa thuận thương mại công bằng hơn với Bắc Kinh. Ngoài ra, ông Biden cũng muốn xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để ứng phó với Trung Quốc.
Vì thế, nếu Bắc Kinh hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ giúp giải quyết vấn đề mà ông Trump đặt ra khi một nhân vật mới lên tiếp quản Nhà Trắng thì họ cần suy nghĩ lại. Quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi quá mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Trump và điều này không dễ dàng đảo ngược./.
Theo VOV