Nhờ bí quyết cho chim trĩ ăn chuối chín và uống nước tỏi mà đàn chim trĩ của chị Nguyễn Thị Tươi (34 tuổi) ở xóm 7, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đẻ sòn sòn. Mỗi tháng chị Tươi xuất bán hơn 2.000 con chim trĩ giống, bỏ túi hơn 20 triệu đồng.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET đi thăm quan mô hình nuôi chim trĩ, chị Tươi vui vẻ nói, với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi loại chim này, chị khẳng định cho chim trĩ ăn thêm chuối chín và uống nước tỏi là đàn chim phát triển tốt nhất. Chim vừa nhanh lớn, khỏe mạnh và đặc biệt dù nuôi số lượng lớn chẳng bao giờ lo chim bị bệnh tật.
Hiện tại, gia đình chị chủ yếu nuôi chim trĩ mái sinh sản và có nuôi thêm chim trĩ bán Tết nhưng số lượng ít. Vào vụ chim sinh sản, mỗi tháng gia đình chị xuất bán hơn 2.000 chim trĩ giống, mang về doanh thu hàng chục triệu đồng.
Nói về cơ duyên với loại chim này, chị Tươi cho biết, trước đó mẹ chồng chị có nuôi một ít chim trĩ, nhưng chủ yếu nuôi để ăn và có bán được một ít, nhưng không đáng kể.
Thấy loại chim trĩ này dễ nuôi, tính toán kỹ ra thì cũng kinh tế hơn nuôi gà, trong khi đó thì nuôi chim trĩ có chẳng khác gì nuôi gà, thậm chí còn nhàn hơn nuôi gà.
Nghĩ là làm, đầu năm 2010, chị Tươi xây dựng chuồng trại và mua hàng nghìn con chim trĩ giống về nuôi. Được mẹ chồng hướng dẫn cách chăm sóc nên đàn chim trĩ phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. Chị Tươi lựa những con đẹp ra để làm giống cho vụ chim năm sau, số còn lại chị bán chim trĩ thương phẩm hết.
“Lứa nuôi đầu tiên đó, tuy chỉ bán đi nửa nhưng tôi đã có lãi mấy chục triệu đồng, thấy nuôi chim trĩ lời quá mà ham. Cũng từ đấy mà tôi đam mê với loài chim trĩ này hơn và dành thời gian chăm sóc chúng”, chị Tươi nói.
Đến vụ chim trĩ sinh sản năm sau, nhờ chọn được những cá thể chim bố mẹ chuẩn và được chăm sóc cẩn thận nên đàn chim đẻ cũng khá đồng đều, nhưng năng suất vẫn chưa cao.
Sau đó chị Tươi lại nghiên cứu bố sung thêm khẩu phần thức ăn cho chim trĩ như: rau xanh, thóc, ngô…. nhưng chim đẻ năng suất cũng không tăng là bao nhiêu.
Đặc biệt, mỗi khi nắng mưa thất thường đàn chim trĩ lại bị các bệnh cúm, đường ruột…Tuy chữa đơn giản nhưng lại ảnh hưởng đến việc đẻ trứng của chim trĩ. Sau nhiều lần nghiên cứu, tham khảo sách báo… chị quyết định cho chim trĩ uống thêm nước tỏi.
“Tỏi không có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người mà còn có nhiều tác dụng rất rốt đối với gia cầm, trong đó có chim trĩ. Cho chim uống nước tỏi hàng ngày giúp đàn chim có sức đề kháng cao, ngăn ngừa các bệnh đường ruột và hô hấp trên đàn chim…” chị Tươi tiết lộ.
Chị Nguyễn Thị Tươi chia sẻ với báo điện tử DANVIET.VN, nhờ cho chim trĩ ăn thêm chuối chín nữa mà chúng mới có bộ lông bóng bẩy, mượt mà…vậy đấy. “Nhờ đó mà vào dịp Tết lúc nào tôi cũng bán được giá cao hơn. Trong khi đó chuối chín ở quê lại vừa dễ kiếm, giá thì rẻ như rau, cứ mua cả xe về để chín dần cho chim trĩ ăn….”.
Hiện tại, gia đình chị Tươi đang có 500 con chim trĩ sinh sản, trong đó có khoảng gần 400 con chim mái và 150 con chim trống. Vào vụ sinh sản, trung bình mỗi tháng gia đình chị xuất bán được hơn 2.000 con chim trĩ giống, mỗi con có giá bán từ 16.000 – 17.000 đồng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, chị Tươi còn nuôi thêm gần 1.000 con chim trĩ thịt thương phẩm, chủ yếu cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Hiện giá chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh nuôi bán thịt luôn giữ ở rmức ổn định, dao động từ 180.000 – 220.000 đồng/con.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19 khiến nhiều loại con nuôi đặc sản mất giá, thậm chí còn ế ẩm. Nhưng riêng đối với con chim trĩ, nhất đối với chim trĩ giống lại thụ rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cá năm trước”, chị Tươi chia sẻ.
Theo chị Tươi tính toán, 1 nhân công có thể nuôi 500 chim trĩ sinh sản và gần 1.000 chim trĩ thịt thương phẩm.
Nuôi loại chim này cũng không khác nuôi gà là mấy, cách chăm sóc cũng tương tự như nhau, chỉ khác là chúng biết bay nên chuồng nuôi phải rào chắn kín khỏi chúng bay ra.
“Thức ăn chính của chim trĩ là cám công nghiệp, đặc biệt từ tháng thứ 2 trở đi cho chim ăn thêm chuối chín, chim trĩ rất thích loại thức ăn này. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm: ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Một con chim trĩ từ khi nở đến khi trưởng thành chỉ tiêu tốn hết 70.000 đồng chi phí thức ăn”, chị Tươi nói.
Về chuồng trại phải thiết kế có sân chơi cho chim trĩ tắm nắng, vận động, nhảy múa…Bố trí thêm nhiều cành cây trong chuồng để chim bay đậu cho thoải mái để chim nhanh lớn và có lông đẹp.
Nền chuồng nuôi chim trĩ và khoảng sân phía ngoài phải cao, được rải cát sỏi dày 6cm để hút ẩm để đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển. Quá trình nuôi chim trĩ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phân chim, mỗi tháng khử trùng chuồng trại 2 lần.
Sau khoảng 8,5 tháng nuôi, chim trĩ xanh sẽ trưởng thành và sinh sản; chim trĩ mái nặng 1,4- 1,5kg; chim trĩ trống từ 1,6-1,7kg/ con. Trong 7 tháng đầu từ khi chim mái sinh sản tỷ lệ trứng ấp nở tốt nhất đạt 70%, ngoài 7 tháng sẽ thải đàn chim trĩ bán thành chim trĩ thịt thương phẩm và gây đàn chim bố mẹ mới…
Theo Dân Việt