Ông Hiroyuki Moribe – Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (OERI), nhấn mạnh rằng mong muốn tiếp cận sâu hơn nữa thị trường ASEAN đầy tiềm năng là một trong những lý do Thủ tướng Suga chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên.
Ngày 18-20/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cùng phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga Yoshihide kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng cách đây một tháng với rất nhiều ý nghĩa cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Kinh tế, thương mại là trọng tâm chính
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định việc Thủ tướng Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên thể hiện mong muốn chuyển tải thông điệp “bán anh em xa, mua láng giềng gần”….
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều thách thức, việc chia sẻ thông tin, thống nhất nhận thức và xác định phương hướng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở khu vực cũng sẽ là đề mục quan trọng của các cuộc gặp gỡ tiếp xúc.
Đặc biệt, kinh tế, thương mại, đầu tư chắc chắn sẽ chiếm thời gian lớn của các cuộc hội đàm. Sự cam kết của lãnh đạo hai nước sẽ là tín hiệu rất quan trọng cho các nhà đầu tư, doanh nhân đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đầu tư ở Việt Nam. Việc mở cửa biên giới trong khi cùng hợp tác chặt chẽ phòng chống dịch Covid-19 để tạo thuận lợi cho nhân dân hai nước đi lại cũng sẽ là đề mục quan trọng cùng các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Ngoài ra, các vấn đề an ninh, chính trị liên quan trực tiếp đến lợi ích của hai nước cũng có thể được đề cập.
Nhìn lại gần nửa thế kỷ cùng đồng hành và phát triển, theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, quan hệ hai nước phát triển theo đồ thị liên tục đi lên, có thể có lúc chậm lúc nhanh nhưng nhìn tổng thể trong gần 50 năm qua, quan hệ hai nước chưa từng rơi vào giai đoạn khủng hoảng.
Nhật Bản đã đi tiên phong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trước khi cấm vận được dỡ bỏ. Những dòng viện trợ ODA của Nhật Bản đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam từ rất sớm (từ năm 1992), liên tục tăng và chiếm hơn 1/3 trong tổng số viện trợ chính thức của các nước trên thế giới cho Việt Nam.
Bạn hàng bình đẳng, cùng có lợi
Việt Nam là một địa điểm thu hút đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Nhật Bản. Trong 10 năm trở lại đây, FDI của Nhật Bản đã tăng mạnh, đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt trên 60,2 tỷ USD.
Thương mại hai nước mang đậm tính bổ trợ và công bằng. Với tổng giá trị nhập khẩu của mỗi bên khoảng 20 tỷ USD ngang bằng nhau, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, Việt Nam cùng Nhật Bản xây dựng một hình mẫu bạn hàng bình đẳng, cùng có lợi.
Nhận định về quan hệ kinh tế Việt-Nhật, ông Nguyễn Phú Bình, cựu Đại sứ Việt Nam về Nhật Bản chia sẻ, với nguồn nhân lực dồi dào và có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng áp dụng công nghệ mới, Việt Nam là địa bàn có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Nhật Bản cần sắp xếp lại địa bàn đầu tư và với nền nông nghiệp nhiệt đới đang phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, Việt Nam sẽ là nguồn cung cấp nông sản thực phẩm có chất lượng và ổn định cho Nhật Bản.
Trong khi đó, nguồn vốn, khoa học-công nghệ, chất lượng giáo dục và những kinh nghiệm phát triển và quản lý nhà nước, quản lý sản xuất sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình phát triển trước mắt và lâu dài.
Không những thế, Việt Nam và Nhật Bản lại cùng là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do: Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN (AJCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên khả năng mở rộng quan hệ hợp tác song phương và với các đối tác khác rất lớn.
Theo cựu Đại sứ Nguyễn Phú Bình, đây là những điều kiện và tiền đề hết sức thuận lợi để nhân dịp chuyến thăm này, Thủ tướng Suga và các vị Lãnh đạo Việt Nam trao đổi phương hướng và biện pháp thích hợp nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hy vọng, những con số và thứ hạng hợp tác về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực sẽ thay đổi ngoạn mục trong những năm tới.
Cũng cùng một cái nhìn lạc quan về quan hệ kinh tế 2 nước, Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá, thương mại song phương Việt-Nhật sẽ phát triển nhanh hơn nữa bởi xu thế chuyển dịch nguồn cung ứng từ Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục là nguồn cung ứng nhân lực lớn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt khi nền kinh tế Nhật Bản khôi phục nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Cầu nối để cùng vươn xa
Ông Hiroyuki Moribe – Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (OERI), cho rằng mong muốn tiếp cận sâu hơn nữa thị trường ASEAN đầy tiềm năng cũng là một lý do Thủ tướng Suga lựa chọn Việt Nam có chuyến công du đầu tiên này. Đặc biệt, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một thị trường quan trọng của nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới khi cung cấp gần 15% hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản cũng như tiêu thụ trên 15% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản. Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, các nước ASEAN đã trở thành địa điểm tin cậy thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư trực tiếp tại các nước ASEAN đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 12,7% tổng vốn FDI của các nước ASEAN
Về vấn đề này, cũng theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, Việt Nam và Indonesia là những quốc gia trụ cột của ASEAN, kể cả về tiềm năng kinh tế, dân số, cũng như trách nhiệm đóng góp vào an ninh của khu vực.
Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, điều phối viên của quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đang đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ toàn diện ASEAN-Nhật Bản.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý nằm trung tâm giữa hai khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cùng với sự lớn mạnh và tinh thần trách nhiệm của tất cả các nước thành viên ASEAN dám gánh vác sứ mệnh đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực, tổ chức ASEAN đã từ lâu luôn đóng vai trò trung tâm của mọi cơ chế bảo đảm an ninh khu vực.
Do vậy, bên cạnh nội dung kinh tế, vấn đề hợp tác của Nhật và các nước ASEAN, trong vấn đề an ninh, an ninh phi truyền thống, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh được cho là lý do quan trọng của chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide.
Theo Tổ quốc