Các đại biểu quốc hội cho rằng thông tin liên quan đến vụ gian lận thi cử cần công khai minh bạch, trong đó cần công khai thông tin về phụ huynh đã dùng tiền, quyền để mua điểm cho con.
Liên quan đến gian lận thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc dùng tiền mua điểm cho con là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ.
Theo ông Nghĩa, bất kể là ai, người giàu có, người quyền chức thế nào nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý như nhau.
“Không thể đặc cách vì anh nhiều tiền, nhiều quyền hơn mà không bị xử lý. Cần có sự công bằng với những người cha, người mẹ đi nhặt ve chai, buôn gánh bán bưng nuôi con ăn học, những học sinh phải làm thuê để có tiền đi học nhưng lại bị cướp mất cơ hội vào cổng trường đại học chỉ vì nâng điểm bằng tiền, bằng quyền” – ông Nghĩa cho hay.
Ông Nghĩa đề nghị cần có hình thức xử lý thích đáng phụ huynh đã nâng điểm, nếu đến mức nghiêm trọng cần đưa ra tòa án. Mọi thông tin của vụ việc cần phải được công khai, không được ém nhẹm thông tin.
Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là rất rõ ràng, có chứng cứ cụ thể, không phải là đồn đoán.
“Đã là sai phạm thì phải được điều tra tới cùng. Tất cả những gì liên quan tới sai phạm trên phải được công khai, công bố. Việc công khai bao gồm cả các thí sinh, cán bộ và cả phụ huynh, tất cả những người có ý nghĩ, có việc làm, có tác động và tiếp tay cho việc sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh” – ông Phương nói và cho biết thêm việc công khai danh tính thí sinh được nâng điểm không khiến ông lo lắng sẽ làm các thí sinh này bị tổn thương. Điều ông lo hơn là làm tổn thương tới sự tin tưởng của nhân dân đối với ngành giáo dục.
Đối với những dư luận như thí sinh nâng điểm là con, cháu lãnh đạo cấp cao của tỉnh thì càng phải công khai, làm rõ thí sinh đó, phụ huynh đó là ai. Việc này không những ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục mà còn vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của cán bộ, lãnh đạo.
“Việc làm rõ cần nhìn từ nhiều khía cạnh như: thí sinh được sửa điểm xuất phát từ nguyên nhân nào; xuất phát điểm từ nhu cầu và mục đích của những đối tượng đó hay còn nguyên nhân nào khác; có chuyện dùng quyền lực để tác động, gây sức ép nhằm thay đổi điểm số cho con, cháu, người thân hay không; có chuyện cấp dưới muốn lấy lòng lãnh đạo mà xu nịnh, chỉnh sửa điểm thi hay không?
Cần xác định rõ ràng nguyên nhân, mục đích, động cơ và phương pháp làm sai, khi đã xác định rõ như vậy, sai tới đâu phải công khai tới đó, bất kể đối tượng đó là ai. Trên cơ sở đó, sẽ có biện pháp xử lý cho phù hợp” – ông Phương nhấn mạnh.
Theo cơ quan công an, trong vụ gian lận thi cử năm 2018, Hà Giang có 114 thí sinh; Hòa Bình có 64 thí sinh; Sơn La có 44 thí sinh được cán bộ chấm thi nâng điểm. Trong đó, rất nhiều thí sinh đã trở thành tân sinh viên tại các trường công an, quân đội, y khoa.
Hiện Bộ Công an trả về Hòa Bình, Sơn La 53 thí sinh được nâng điểm. Một số trường như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Điện lực, Đại học Ngoại thương đã xóa tên các thí sinh có sai phạm.
Ngoài ra, 16 cán bộ ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam.
Thông tin ban đầu, có trường hợp thí sinh được nâng điểm là con của Công an tỉnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó chủ tịch UBND TP, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy,…
Phạm Toàn