Giới tu luyện xưa nay đều cho rằng: hết thảy những nhân duyên tao ngộ của chúng sinh đều là do nghiệp lực thiện ác chuyển hóa mà nên, tự làm tự chịu. Dẫu Thần thông lớn đến mấy cũng không thể thay đổi phép tắc nhân quả được…
Thậm chí bản thân Phật Thích Ca, cũng vì đời trước tạo nghiệp, gõ 3 cái vào đầu một con cá, tuy chưa ăn nó, nhưng sau khi đắc chính quả rồi cũng vẫn phải chịu quả báo đau đầu ba ngày. Dưới đây là câu chuyện về một trong những đệ tử xuất sắc của Ngài.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, ở vương quốc Kosala (một vương quốc Ấn Độ cổ đại, tương ứng khu vực Awadh thuộc bang Uttar Pradesh ngày nay) đã xảy ra một sự việc vô cùng kinh sợ. Sự việc này không chỉ làm cho dân chúng hãi hùng, mà ngay cả vị vua Ba Tư anh hùng khi ấy cũng bị dọa tới ngây người. Tuy nhiên, sự kiện kinh hoàng này phải bắt đầu bằng sự ra đời của một nhân vật vô cùng đặc biệt mang tên Angulimala.
Tương truyền, trong đêm Đại đức Angulimala sinh ra ở thành Xá Vệ, một hiện tượng lạ thường chưa từng có đã xảy ra. Tất cả các võ sĩ trên toàn vương quốc khi rút bảo kiếm của họ ra, đều phát hiện lưỡi kiếm và vỏ kiếm tự nhiên bị nứt vỡ, sau đó đều rơi xuống đất. Tất cả vũ khí trong thành phát ra ánh sáng chói lòa, ngay cả thanh gươm báu của đức vua Pasenadi xứ Kosala nằm trong bao, đặt ở căn phòng ngủ cũng sáng lên ánh thép lấp lóa, lạnh buốt, làm cho đức vua kinh hoàng.
Qua điều tra, mọi người phát hiện có một bé trai được sinh ra trong một ngôi làng ở phía bắc thành. Ngay từ khi Angulimala sinh ra đã xuất hiện điều dị thường như vậy, nên trong quá trình cậu bé trưởng thành không tránh khỏi xảy ra những sự việc kỳ lạ khác, ví như: từ lúc lọt lòng Angulimala đã có sức khỏe vô song, lại rất thông minh. Với tài đức song toàn, không lâu sau khi bái Bà La Môn Manibhadra làm thầy, cậu trở thành vị đệ tử xuất chúng nhất trong 500 vị đệ tử của ông. Không ngờ phong thái cao quý của cậu đã làm sư mẫu sinh tà niệm, nảy ra ý định muốn quyến rũ. Khi âm mưu bị thất bại, bà ta cố ý tính kế để chồng nghi ngờ Angulimala đang vô lễ với vợ mình.
Tức giận tột đỉnh, thầy ông muốn giết chết Angulimala nên đã nghĩ ra cách trao cho cậu bí quyết thăng thiên tà ác. Chỉ cần giết đủ 1000 người và dùng xương ngón tay của họ làm thành một cái xích thì sau khi qua đời có thể lên thiên đàng. Tin lời thầy, cậu không biết rằng ông đang dạy mình làm điều ác, để sau này bị mọi người khinh bỉ, phỉ nhổ và bị xử tử.
Điều mà Đại đức Angulimala và Manibhadra thân đang trong nghịch cảnh đều không lường trước được đó là, Đức Phật sẽ đích thân đến kết thiện duyên với Angulimala và thực sự cứu vớt ông ta.
Đức Phật đến vì Angulimala
Khi đó Đức Phật đang đả tọa dưới một gốc đại thụ ở ngoại ô phía nam thành, đệ tử của ông đi hóa duyên trở về đã kể cho ông nghe câu chuyện kinh thiên động địa. Rất nhiều người dân đang đứng thỉnh nguyện bên ngoài kinh thành Savatthi, cầu xin vua xuất binh đi bắt kẻ giết người hàng loạt. Thấy người nào giết người đó, lại chặt xương ngón tay người bị hại xâu thành đồ trang sức, treo trên người trông vô cùng kinh khủng.
Sau khi nghe xong câu chuyện, Đức Phật lặng lẽ đứng dậy và đi về phía khu rừng nơi Angulimala đang ẩn náu. Trên đường, Ngài gặp rất nhiều người dân, dù là người kiếm củi, gánh cỏ, làm ruộng, hay chăn thả gia súc đều ra sức cầu xin Đức Phật đừng tiến về phía trước thêm bước nào nữa để tránh khỏi gặp hoạ sát thân.
Đức Phật hiểu ý tốt của mọi người, nhưng bước chân vẫn kiên định như ban đầu. Người không ngần ngại tiến về phía khu rừng. Khi đó, từ đằng xa Angulimala thấy một người đang đi một mình tiến về phía anh ta, thì trong lòng vui mừng nghĩ thầm:
“Tuyệt quá. Lâu lắm mọi người không dám đi một mình qua chỗ ta như vị tăng nhân này. Bốn năm mươi người kết thành đoàn đi qua đây đều không thoát khỏi là con mồi của ta huống hồ chỉ là một người. Tại sao ta có thể bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này chứ?”.
Sau khi nhảy lên vì vui mừng, Angulimala lập tức nhặt vũ khí và tấn công Đức Phật từ phía sau. Tuy nhiên, khi ông ta phát hiện mình cứ luôn không thể đuổi kịp, thì tức giận nghĩ thầm: Thật là kỳ lạ, dù là voi, ngựa hay hươu đang chạy, thậm chí một cỗ xe chạy nhanh đến mấy ta cũng có thể bắt kịp chỉ trong nháy mắt, vậy mà tại sao không thể đuổi kịp một nhà sư đang đi bộ với tốc độ rất bình thường?”.
Hóa ra Đức Phật đã thi triển pháp lực thần thông, khiến cho Angulimala có chạy nhanh cỡ nào cũng không thể đuổi kịp. Angulimala không biết rõ sự tình bên trong, lại không thể đuổi kịp Đức Phật nên hét lên một cách hoảng loạn: “Dừng lại, dừng lại. Vị tăng nhân trước mặt kia, mau dừng lại cho ta”.
Đức Phật trả lời: “Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Angulimala chính là ngươi mới không thể dừng lại”.
Angulimala cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Rõ ràng ông vẫn đang đi, sao có thể nói rằng đã dừng lại?”.
Đức Phật trả lời: “Angulimala, ta đã sớm ngừng những hành động ác gây tổn thương tới chúng sinh rồi, nhưng ngươi chưa bao giờ dừng lại. Nhà ngươi vẫn đang tạo nghiệp ác sát hại bách tính”.
Nghe tới đây, Angulimala nghĩ thầm: “Mình đang làm việc xấu tạo nghiệp ư? Tại sao thầy mình nói rằng nếu có thể giết hàng ngàn người và dùng ngón tay nạn nhân làm đồ trang sức thì sau khi chết sẽ được thăng thiên? Xem ra, vị tăng nhân mà ta có đuổi cách nào cũng đuổi không kịp kia, là người có thể giải thoát con người khỏi kiếp nạn mà hàng ức kiếp về trước trong các cuốn sách cổ đã nhắc đến”.
Nghĩ tới đây, Angulimala nhanh chóng vứt bỏ vũ khí và nói với Đức Phật: “Sư tôn, cầu xin người hãy cho phép con xuất gia theo người”.
Đức Phật đồng ý thỉnh cầu của ông ta và nói: “Đến đây nào Tỳ Kheo”.
Vậy là dưới sự giúp đỡ của Đức Phật, Angulimala đã hoàn thành các nghi thức xuất gia, chính thức trở thành một thành viên trong tăng đoàn. Thông qua việc Đức Phật cảm hóa Angulimala, mọi người cảm nhận được sự từ bi vô bờ bến của Ngài, và sức mạnh uy nghiêm vô tận của Phật pháp.
Vua Ba Tư Nặc chứng kiến sự quy chính Phật pháp của kẻ ác
Bằng sự cảm hóa của Đức Phật, mặc dù Angulimala đã cải tà quy chính nhưng những điều xấu to lớn nghiêm trọng mà ông đã làm trong quá khứ, tội ác ngập trời của ông đương nhiên không thể làm bách tính đương thời lãng quên và tha thứ. Vì vậy, lòng căm phẫn của vua Ba Tư Nặc đương nhiên không thể chấm dứt, ông tìm cách truy bắt Angulimala.
Ngày nọ, nhà vua dẫn 500 binh sĩ bao vây khắp nơi tìm bắt Angulimala. Khi đoàn người đi qua cái cây nơi những người cô đơn trú chân, vua Ba Tư Nặc quyết định tự vào cổng thỉnh giáo Đức Phật.
Đức Phật hỏi: “Đại vương, lần này ngài đích thân lãnh đạo quân đội, để tấn công đất nước nào vậy?”.
Vua Ba Tư Nặc trả lời: “Thế tôn, tôi muốn truy nã tên sát nhân tàn ác Angulimala”.
Đức Phật lại hỏi: “Đại vương, nếu Angulimala đã theo tôi xuất gia, trở thành một tỳ kheo, thì ông sẽ đối xử như thế nào?”.
Nhà vua Ba Tư Nặc trả lời: “Thế tôn, nếu Angulimala đã theo Ngài xuất gia, thì tôi cũng kính lễ, cúng dường ông ta giống như với các tỳ kheo khác. Tuy nhiên, nói đi thì nói lại, tên sát nhân Angulimala đó không có một chút thiện niệm nào. Ông ta nhất định không thể xuất gia làm một tỳ kheo”.
Lời vua Ba Tư Nặc vừa dứt, chỉ thấy Đức Phật giơ tay phải lên và chỉ vào một cái cây cách đó không xa. Dưới gốc cây có một vị tỳ kheo đang đả tọa.
Đức Phật chậm rãi nói với vua Ba Tư Nặc: “Đại vương, người tỳ kheo kia chính là Angulimala”.
Nghe tới đó, vua Ba Tư Nặc sợ hãi đến nỗi nổi da gà. Ông ta cứ đứng ngây ở đó không dám di chuyển.
Đức Phật nói với nhà vua chân tướng sự việc: “Angulimala hiện nay không còn là kẻ sát nhân làm người ta khiếp sợ nữa”.
Sau khi lấy lại tinh thần, vua Ba Tư Nặc cố gắng giữ bình tĩnh và tới nói chuyện với Angulimala. Sau khi đích thân xác nhận danh tính của Angulimala, ông quyết định thực hiện lời hứa của mình. Ông nói với Angulimala, ông sẽ cúng dường nhu yếu phẩm hằng ngày và thực phẩm cho Angulimala.
Sau khi nghe được, Angulimala trả lời vua Ba Tư Nặc: “Đại vương, tôi không thiếu thứ gì cả, chỉ cần ba bộ quần áo cho người xuất gia là đủ”.
Nghe được những lời của Angulimala, đức vua vô cùng cảm động, đồng thời càng bội phục khả năng cảm hóa ác nhân của Đức Phật. Dù không dùng tới đao kiếm cũng có thể cảm hóa nhanh chóng một người tàn ác xấu xa tới vậy.
Angulimala đắc chính quả hoàn trả ác nghiệp
Cứ như vậy, Angulimala tu luyện ở nơi cô tịch cùng với Đức Phật, sống cuộc sống khất thực kham khổ. Bởi kiên định thành tâm tu luyện, qua một giai đoạn thời gian ông đắc được quả vị La Hán. Tuy nhiên, những tội ác nghiêm trọng trong quá khứ, không thể vì ông đắc quả vị La Hán mà có thể xóa bỏ và không cần hoàn trả. Đây chính là nguyên nhân tại sao mỗi lần ông vào thành xin ăn đều bị truy đuổi. Tình huống lúc đó như sau:
Mặc dù Angulimala đã khoác áo tỳ kheo nhưng vẫn bị mọi người coi là tên sát nhân hàng loạt độc ác. Người dân trong thành thấy ông thì lập tức rủ nhau tụ tập ném gạch đá tới tấp vào người, lại có người căm hận tới mức cầm dao muốn giết ông. Cuối cùng, sau mỗi buổi vào làng khất thực, y áo của Angulimala luôn bị xé rách nát và ông thường bị đám đông đánh đập tàn nhẫn tới sứt đầu chảy máu.
Khi chứng kiến tình cảnh chật vật khổ sở của Angulimala, Đức Phật từ bi an ủi: “Angulimala, khi con gặp người khác đánh mình, hãy cố gắng nhẫn nại. Nguyên nhân vì những điều bây giờ con phải gánh chịu, đều là báo ứng do tội lỗi con đã gây ra. Sự ác báo này cũng tương đương với mấy nghìn năm hoàn trả ác nghiệp dưới địa ngục”.
Đức Phật vĩ đại vẫn không thể tránh khỏi 7 điều
Nhiều người nghĩ rằng họ dù có phạm nhiều sai lầm và làm nhiều điều xấu xa, chỉ cần sau này sửa chữa sai lầm hoặc cải tà quy chính hành thiện, Thần Phật sẽ giúp hóa giải tai nạn. Trên thực tế, kiểu suy nghĩ này là không chính xác, bởi nó thật sự là ác nghiệp thiện quả mà bản thân người gây tội phải gánh chịu. Đây là điều mà không ai có thể cưỡng lại và không thể tiêu trừ hoàn toàn. Điều này, có những ví dụ để chứng minh!
Bởi vì, ngay cả vị đệ tử đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên cũng không thể dựa vào sức mạnh thần thông của mình mà chịu tội nghiệp thay người khác. Vì vậy, Đức Phật mới khai thị cho ông: Mặc dù có dùng pháp lực thần thông để sắp xếp đặt định lại khổ nạn mà bách tính phải chịu nhưng có bảy điều chúng sinh tuyệt đối không cách nào thoát khỏi. Bảy điều đó là: sinh, lão, bệnh, tử, tội, phúc và nhân duyên. Do đó, dù ngươi có sử dụng thần thông để hóa giải tai nạn, người ta cũng không thể thoát khỏi tội nghiệp bản thân đã gieo trong quá khứ”.
Ngày nay có người không tin quả báo, cho rằng người tốt sao lại gặp vận hạn, kẻ xấu sao vẫn cứ ngày ngày hưởng lạc? Nhân quả thông 3 đời hoặc còn lâu hơn. Những người ác hiện nay đang hưởng lạc, cũng bởi vì xưa kia họ tu thiện, nên phúc báo hiện nay vẫn còn tiếp tục do nhân thiện. Hiện nay họ làm ác, tương lai ắt sẽ chịu quả báo, không phải là không báo mà là chưa đến lúc mà thôi.
Theo Aboluowang-Kiên Định biên dịch