Đối với TT Erdogan, sự ủng hộ của Ankara đối với Azerbaijan như một phần trong hành trình của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được “vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới”.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng tống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đối với Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đã khiến Ankara trở nên khác biệt so với các nước lớn khác và làm lo ngại các quốc gia thành viên NATO đang yêu cầu đôi bên ngừng bắn.
Thế nhưng, với ông Erdogan, giữ lập trường kiên quyết là một ưu tiên chiến lược và một điều cần thiết [dù tốn kém] nhằm củng cố phương sách khoe cơ bắp ở nước ngoài để duy trì sự ủng hộ ở nước nhà.
Vị Tổng thống đã mô tả sự ủng hộ của Ankara đối với Azerbaijan như một phần trong hành trình của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được “vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới“.
Ông Erdogan nhìn thấy một cơ hội để thay đổi hiện trạng vùng Nagorno-Karabakh, nơi Pháp, Mỹ và Nga trong nhiều thập kỷ qua đã dẫn đầu các nỗ lực hòa giải quốc tế, và cũng là nơi những người Armenia thiểu số giữ quyền kiểm soát mặc dù nó được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
“Ở gần như mọi ngóc ngách trên bản đồ, logic của Thổ luôn là ‘phá vỡ’. Bất cứ điều gì làm suy yếu hiện trạng đều có lợi cho họ, bởi vì hiện trạng trước đó được xem là đi ngược lại với lợi ích của Ankara” – Nhà nghiên cứu Galip Dalay tại Học viện Robert Bosch nhận định.
“Tại Nagorno-Karabakh, có một cuộc xung đột đang đóng băng, trong đó cục diện vẫn nằm trong tay Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm suy yếu ‘cuộc chơi’ ấy, ngay cả nếu họ không thể hoàn toàn định đoạt nó khi xét tới tầm ảnh hưởng lâu đời của Nga tại khu vực này” – Ông Bosch nói.
Theo các nhà phân tích chính trị, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ – gửi lời đe dọa ngầm tới Armenia và phát thông điệp cảnh cáo tới Nga [quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia] – đã cho thấy sự tự tin của họ vào phương thức tác chiến bằng máy bay không người lái (UAV) ở Syria, Libya và Iraq.
Các UAV do Thổ sản xuất đang làm mũi nhọn dẫn đầu các cuộc tấn công của Azerbaijan. Một quan chức cấp cao tại Ankara nói với hãng tin Reuters rằng, phía Thổ đang cung cấp cơ sở hạ tầng, cũng như những hỗ trợ cần thiết cho loại vũ khí này dù họ không hề triển khai binh lính nào tới chiến trường của Azerbaijan.
Ông Erdogan còn đánh cược rằng, bất chấp sự khác biệt giữa hai phía tại Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ đạt đến mức độ hòa hợp đủ để ngăn chặn một cuộc xung đột quy mô lớn hơn trong khu vực.
Những năm tháng “ngó lơ”
Nga, Mỹ và Pháp đã tiên phong kêu gọi ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh nhưng ông Erdogan cho rằng ba nước này đã bỏ bê cuộc khủng hoảng tại đây trong suốt 3 thập kỷ qua, do đó họ không nên dẫn đầu các nỗ lực xây dựng hòa bình. Theo Ankara, nền hòa bình lâu dài sẽ phụ thuộc vào những đề xuất được đưa ra cho những gì xảy đến sau khi cuộc xung đột chấm dứt.
Lập trường của ông Erdogan đã khiến cho cuộc khẩu chiến với Pháp [quốc gia có dân số gồm nhiều người gốc Armenia] trở nên tồi tệ hơn nhưng lại nhận được sự ủng hộ của các đảng phái đối lập chủ đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thành công quân sự và màn khoe cơ bắp ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới đã giúp đảng cầm quyền AK của ông Erdogan, liên minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc, giữ được lợi thế trong các cuộc thăm dò dự luận bất chấp tình trạng sụt giá tiền tệ khiến nền kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19.
Nghĩa vụ và ưu tiên
Ankara hiện đang phụ thuộc vào khí gas nhập khẩu từ Azerbaijan. Đây cũng là động lực để họ tìm kiếm vị thế vững chắc ở Nagorno-Karabakh.
Chi tiêu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 16% trong năm nay lên 7 tỷ USD, tương đương 5% ngân sách tổng thể. Bên cạnh đó, ngân sách quốc phòng của nước này đã tăng gần 90% trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các chiến dịch xuyên biên giới do Thổ tiến hành, như ở miền bắc Syria, Iraq và Libya, là ưu tiên của ông Erdogan.
“Đại dịch, hay tình trạng suy thoái ngân sách, đều không phải là trở ngại cho chi tiêu quốc phòng [của Thổ]. Không phải vì được ưu ái hơn mà đây là điều bắt buộc. Thổ Nhĩ Kỳ đang ‘ở trên sân’ với Mỹ và Nga. Chúng tôi không thể có suy nghĩ hoặc hành động nhỏ” – Vị quan chức cho hay.
Sự hiện diện suy giảm của Mỹ trong khu vực đã để lại những khoảng trống mà Thổ và Nga đang tìm cách lấp đầy, sử dụng phương thức ngoại giao để giúp kiềm chế xung đột tại tỉnh Idlib của Syria và Libya – hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm kéo dài mà Nga và Thổ đang ở hai phía đối lập.
Ankara đã bác bỏ các cáo buộc – kể cả từ phía Nga – rằng họ đã gửi lính đánh thuê Syria tới hỗ trợ Azerbaijan.
“Sự hợp tác chặt chẽ với Moscow trong nhiều lĩnh vực đồng nghĩa với việc ‘không lo lắng khi bị kéo vào cuộc xung đột với Nga’”– Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Theo Trí Thức Trẻ