Từ 1 công đất ruộng, anh Nguyễn Văn Hà (Ba Dội, 56 tuổi, ấp Thuận Phú B, xã Thuận An- TX Bình Minh) đã có được nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc… nhờ trồng rau diếp cá.
Bán rau mua vàng
Tuy đã giàu có nhưng anh Ba Dội vẫn suốt ngày quanh quẩn với ruộng rau, chòi lá. Tôi tìm gặp anh phải lội ra tận ruộng, lúc anh đang lui cui cùng với mấy nhân công làm ống nước đầu tư thêm ruộng rau mới.
Xuất thân trong một gia đình nghèo có 8 anh em, vừa xong lớp 9, anh phải nghỉ học. Năm 1986, anh cưới vợ, ra riêng, cha mẹ cho chỉ vỏn vẹn 1 công đất ruộng lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông. Không vốn liếng, vợ chồng lam lũ đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Rồi những ngày đi làm mướn đó đây, thấy trong xã người ta trồng rau diếp cá cho thu nhập cũng kha khá, thế là anh be bờ lên liếp “thử” trồng rau diếp cá. Ở giữa cánh đồng lúa, nước đồng lênh láng, anh Ba Dội be bờ trồng rau, làm ai cũng cười.
Anh Ba Dội bộc bạch: “Lúc đầu trồng trên liếp cao như các loại rau khác, liếp cao nên tưới phải nhiều nước, rất cực nhọc. Nhưng vài lứa cắt, tôi nhận thấy, khu vực đường mương trũng, sình lầy rau lại xanh tốt mơn mởn. Từ đó, để ý về sự phát triển của rau trồng cạn và trồng môi trường ẩm ướt, cuối cùng tôi nhận ra môi trường sình bùn, nước đọng là nơi thích hợp nhất để rau diếp cá phát triển. Thế là tôi quyết định san bằng đất như mặt ruộng rồi trồng rau nơi môi trường có bùn, ẩm. Thế là thành công, rau tôi trồng theo cách mới ít tốn phân thuốc, lại nhẹ công tưới nên lời nhiều”.
Thành công bước đầu, khoảng năm 1990, ông được ba cho mượn lại thêm 3 công ruộng liền kề, rồi tiến hành cày xới, làm các công đoạn giống như trồng lúa, sau đó cấy rau giống xuống ruộng.
Anh Ba Dội nhớ lại: “Lúc đó, thấy tôi trồng rau diếp cá dưới ruộng bao giờ ai cũng cười. Bỏ ngoài tai những lời chế giễu ấy, tôi quyết chí làm cho bằng được. Sau gần 3 tháng trồng, 3 công rau diếp cá phát triển cực kỳ tốt, tổng sản lượng đạt gần 10 tấn. Thời điểm đó giá chỉ vàng không quá 400.000đ, cứ bán 100 ký rau tôi sắm được 1 chỉ vàng. Do rau mình cắt xoay vòng, ngày nào cũng có rau cắt, nên hầu như mỗi ngày tôi sắm được 1 chỉ vàng. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên, không ngờ cách trồng “ba trợn” của tôi lại có kết quả mỹ mãn như vậy”.
Thay đổi tập quán cũ
Thấy mô hình trồng rau lạ đời của Ba Dội đem lại hiệu quả cao, nhiều người trong xã cũng chuyển sang trồng diếp cá dưới ruộng thay cho tập quán cũ trồng trên liếp. Từ thành quả mỹ mãn đó, anh Ba Dội tiếp tục sang thêm đất ruộng liền kề để mở rộng diện tích trồng. Từ 1 công rau diếp cá “nở” ra tới một ruộng rau 15 công, với một màu xanh non mướt. Vừa bán rau lá, anh Ba vừa bán rau giống cho nhiều người trong và ngoài xã, vừa hướng dẫn mọi người cách làm đất, trồng rau như mình.
Anh Ba Dội chia sẻ: “Trồng rau theo tập quán cũ thì chỉ thu hoạch vài lần là rau trở nên cằn cỗi, phải xới liếp trồng lại và công chăm sóc cũng cực lắm. Ngược lại, trồng dưới ruộng có thể thu hoạch kéo dài hơn chục năm. Như ruộng ra của tôi đây đã có trên 20 năm rồi, tuy còn ăn được, nhưng cũng phải đổi đất thôi”.
Nói rồi, anh Ba Dội dẫn tôi qua thửa ruộng đang làm đất chuẩn bị cấy rau. Anh giải thích: “Do đất bên kia trồng trên 20 năm, dưỡng chất cho rau cũng hết, nên thuê 17 công đất này chuyển rau qua đây”. Anh Ba cho biết, trừ chi phí, bình quân mỗi công rau diếp cá lời từ 50- 55 triệu đồng/mỗi đợt cắt (khoảng 1 tháng rưỡi). Đặc biệt, những tháng mùa khô vừa qua, giá rau tăng kỷ lục, từ 15.000đ/kg lên đến 50.000đ/kg, anh Ba Dội lãi gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, giá rau khoảng 10.000- 12.000 đ/kg, cũng lời từ 5.000- 7.000đ/kg.
Hiện tại, dù đã có cuộc sống sung túc, các con thành đạt, nhưng anh Ba Dội cũng vẫn bám ruộng trồng rau, bởi với anh: “Tôi có cuộc sống hôm nay cũng nhờ rau diếp cá. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục trồng rau, không bỏ nghề, làm tới khi nào không làm nổi nữa mới thôi”!
Nhiều năm liền, anh được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Vĩnh Long. Năm 2010, anh được Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Hội Nông dân Việt Nam”.
Hùng Hậu (Báo Vĩnh Long)