Trong lớp học nhỏ, hình ảnh cô giáo già ngày ngày tận tụy dạy học trò nghèo đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Cô không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ bảo các em đạo đức để làm người.
Cứ 4 rưỡi chiều trong phòng học quen thuộc, cô Nguyễn Thị Ba (72 tuổi) lại bắt đầu chuẩn bị cho buổi học trong khi chờ các em đến đông đủ.
Cô Ba vốn là giáo viên tiểu học tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, về hưu năm 2003. Vì không có chồng con nên cô chuyển về Vĩnh Long sống cùng gia đình anh trai một thời gian. Nhưng nhớ quê, nhớ bạn bè và học trò cũ, cô về lại Bình Dương thuê nhà trọ, sống bằng khoản lương hưu và tiền dạy kèm vài em học sinh.
Cô từng định vào viện dưỡng lão hưởng tuổi già nhưng cô lại không chịu được cảnh ngồi không. Vậy nên, mỗi ngày cô Ba lấy 100 tờ vé số đi bán dạo, cũng từ đây cô gặp rất nhiều em nhỏ phải mưu sinh cùng cha mẹ. Tất cả các em đều chưa từng được đi học.
Bao tháng năm đi dạy, cô đã quen với hình ảnh những em học sinh trong bộ đồng phục sạch sẽ, mỗi sáng được cha mẹ đưa đến trường. Nên khi thấy những đứa trẻ phải vất vả mưu sinh trên đường phố, lòng cô lại thấy xót xa.
Nghĩ mình còn sức khỏe, còn có thể giúp các em biết chữ, biết kiến thức để sau này có tương lai tốt hơn, cô lên phường xin mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo. Tháng 4/2016 lớp học bắt đầu được mở tại Trung tâm Văn hóa thể thao & Học tập cộng đồng của TP. Thủ Dầu Một. Kể từ đây, cô nghỉ dạy kèm, ban ngày cô đi bán vé số, tối lại đến lớp dạy học.
Lớp học của cô hiện tại có 19 học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau và học rải từ lớp 1 đến lớp 5. Chị Huỳnh Kim Hạnh, 33 tuổi, là học trò lớn tuổi nhất lớp. Hạnh không được nhanh nhẹn như người bình thường nên học chậm hơn so với các em nhỏ trong lớp. Nhưng 4 năm học với cô Ba, chị đã thành thạo đọc viết.
Dù là lớp học tình thương nhưng khi đến lớp các em cũng phải tuân thủ quy định rửa mặt, rửa tay sạch sẽ mới được bước vào lớp. Sợ các em lén nghỉ học đi chơi, cô yêu cầu phụ huynh, người nhà gọi điện trước nếu muốn xin nghỉ cho con.
Học sinh của cô Ba gia cảnh đứa nào cũng khó khăn nên cô còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mỗi em để tặng thêm quà. Đầu năm học nào, cô cũng tặng tập vở, bút chì, bút mực để các em có thêm động lực đến lớp.
Lớp học thường được các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa chiều vào các ngày thứ 2, 4, 6. Thứ 3 và 5 cô bỏ tiền túi mua đồ ăn chiều cho các em. Lâu lâu, cô Ba lại nấu một nồi cháo gà lớn, có khi là chè, súp cua rồi gọi các em đến nhà trọ mình ăn.
Đến với lớp học của cô, các em không chỉ được dạy chữ mà còn được dạy đạo đức để làm người. Cô dạy các em biết yêu thương, chia sẻ với người khác, biết trân quý những người bên cạnh mình. Vậy nên, lớp học nhỏ của cô em nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép.
7h tối, kết thúc lớp học. Chẳng ai bảo ai, đám trẻ đứa đóng cửa, đứa thì xóa bảng, rời chỗ ngồi lục đục xếp ghế. 19 đứa trẻ xếp hàng nối đuôi nhau dọc cầu thang, không chen lấn, không tranh nhau về trước mà đợi cô giáo.
Về đến phòng trọ, cô ăn tạm bữa cơm tối rồi lại ngồi vào bàn, đọc từng chữ bài kiểm tra chính tả được chép trong tờ giấy vở bằng mực tím, chấm điểm đến khuya. Có lẽ, đối với cô niềm vui thực sự của nghề dạy học đó chính là hành trình trao cho các em kiến thức và đạo đức để trở thành những người có ích cho xã hội.
DKN