Trong thời kỳ đại suy thoái, có khoảng 3,5 triệu phụ nữ và trẻ em phải mặc quần áo và sử dụng các vật dụng làm từ bao tải bột mì.
Khi cuộc Đại suy thoái xảy ra ở Mỹ trong những năm 1930, hàng triệu người đã rơi vào tình cảnh khốn khó. Theo một tài liệu, năm 1933, ngay cả khi Đại suy thoái đạt đến điểm thấp nhất, vẫn có khoảng 15 triệu người Mỹ thất nghiệp và gần một nửa số ngân hàng của nước này lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn.
Tình trạng thiếu thốn mọi thứ đã khiến người Mỹ phải vận dụng “cái đầu” của mình để xoay xở. Quần áo là một ví dụ điển hình. Vì quá nghèo, họ phải tìm cách để đảm bảo rằng trang phục có thể được làm từ những thứ có sẵn ở quanh nhà chứ không phải đi mua.
“Sửa chữa, tái sử dụng và không vứt bất cứ thứ gì” là phương châm trong thời kỳ này. Rất ít gia đình nông dân ở Mỹ có đủ tiền mua quần áo mới ở cửa hàng. Khi những người nông dân mang bao tải lớn đựng bột mì hoặc thức ăn chăn nuôi về nhà, vợ của họ đã tận dụng để may mọi thứ, từ quần áo của người lớn, váy của bé gái đến áo sơ mi cho bé trai và thậm chí là cả đồ lót.
Quay trở lại gần 100 năm trước thời kỳ suy thoái, cách đóng gói hàng hóa đã có một sự thay đổi lớn. Khoai tây, bột mì và thức ăn gia súc vốn đựng trong những chiếc thùng đã được thay thế bằng bao tải vải để tiết kiệm chi phí.
Không lâu sau khi Đại suy thoái xảy ra tại Mỹ, một số công ty sản xuất bột mì nhận ra rằng nhiều phụ nữ tận dụng bao tải của họ để may quần áo cho bản thân và các con của mình. Chính vì vậy, họ quyết định sử dụng vải in hoa văn hấp dẫn hơn để mọi người có những bộ quần áo đẹp.
Một bài báo năm 2017 viết: “Năm 1925, ít nhất có một công ty là Gingham Girl đã đóng gói hàng hóa của mình bằng vải chất lượng tốt và đến những năm suy thoái, bao tải của họ được in thêm hoa văn để người mua có thể tái sử dụng làm quần áo”.
Bao tải được in hoa văn tươi sáng với nhiều hình thù khác nhau để phù hợp với mọi lứa tuổi và sở thích của người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có hướng dẫn về cách biến bao tải thành các loại vật dụng hữu ích khác trong gia đình.
Bảo tàng quốc gia về Lịch sử Mỹ đã viết: “Với bao tải bột mì, những người phụ nữ nông dân đã nâng tính tiết kiệm lên một tầm cao mới với sự sáng tạo của mình. Họ biến những chiếc túi thành váy, khăn tắm, rèm cửa, chăn và nhiều vật dụng cần thiết khác trong gia đình”.
Tuy nhiên có một vấn đề khá phức tạp là ai cũng muốn bỏ tên của nhà sản xuất ra khỏi trang phục. Do đó, Hiệp hội các nhà sản xuất túi dệt của Mỹ đã cho ra đời một cuốn sách nhỏ có tiêu đề “May bằng túi vải cotton” năm 1933. Tài liệu của họ tư vấn cho người tiêu dùng cách loại bỏ logo của công ty sản xuất khỏi bao tải.
Ví dụ một cách trong cuốn sách: “Bạn phải ngâm mực của logo trong mỡ lợn hoặc dầu hỏa qua đêm”. Đến cuối những năm 1930, các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng loại mực có thể hòa tan để giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn.
Đối với nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn của Mỹ, việc sử dụng những chiếc bao tải hàng hóa làm quần áo là dấu hiệu của sự nghèo đói. Họ làm mất đi logo nhà sản xuất, nhuộm, sử dụng ruy-băng trang trí hay thêu tay để bao tải ít bị phân biệt với hàng may mặc mua tại cửa hàng.
Người ta ước tính rằng trong thời kỳ đại suy thoái, có khoảng 3,5 triệu phụ nữ và trẻ em phải mặc quần áo và sử dụng các vật dụng làm từ bao tải bột mì.
Khi Đại suy thoái kết thúc, tác động nặng nề của nó đã để lại một vết sẹo khó lành trong tâm trí của nhiều người Mỹ. Sau này, nữ minh tinh Marilyn Moroe từng gây ra không ít tranh cãi với bức ảnh mặc một chiếc bao tải đựng khoai tây bằng vải bố năm 1951.
Bức ảnh trở nên nổi tiếng đến nỗi một nông dân trồng khoai tây ở Idaho đã gửi cho Moroe một bao khoai tây như lời cảm ơn về sự quảng bá của bà qua chiếc váy bằng bao tải.
Thời điểm hiện tại, vẫn có một số thương hiệu sử dụng bao tải để tạo ra trang phục độc đáo. Tuy nhiên, tính ứng dụng của chúng không thực sự cao và không phải ai cũng biết nó có nguồn gốc từ một thời kỳ khó khăn không thể tưởng tượng được.
Mộc Tiên-Theo Tổ Quốc/Tổng hợp