Đó là câu chuyện do Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy kể về cái hôn bất ngờ ở Việt Nam khi ông cúi xuống bế một nạn nhân bom mìn của chiến tranh lên xe lăn. Và câu chuyện khiến Tổng thống Bush rơi nước mắt
Nụ hôn của một nạn nhân bom mìn
Phóng viên: Thưa Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, đã gần 45 năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Theo ông, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Mỹ đã phát triển như thế nào từ đó, để từ kẻ thù trở thành bạn bè của nhau?
TNS Patrick Leahy: Đó là khoảng thời gian khó khăn. Ngay sau chiến tranh, vẫn còn sự sợ hãi từ cả hai phía. Hai bên từng là kẻ thù của nhau. Ở Mỹ, rất nhiều người muốn quên đi chuyện cuộc chiến, nhiều người ủng hộ nó. Nhưng cũng có những người phản đối.
Tôi là một trong những người phản đối cuộc chiến. Trên thực tế, một trong những lá phiếu đầu tiên mà tôi bỏ với tư cách một thượng nghị sỹ là để yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Quá trình phản đối còn tiếp diễn sau đó, qua từng phiếu từng phiếu một. Nhưng lá phiếu đó rất quan trọng đối với tôi.
Rồi thời gian trôi qua. Tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra tại Việt Nam. Và tôi nhận ra rằng, cần phải làm gì đó để đưa hai nước xích lại gần nhau. Việt Nam có một bề dày lịch sử lâu dài, phong phú. Giữa hai nước có thể tồn tại một số bất đồng. Nhưng mọi quốc gia nên tự quyết định chính phủ của mình hoạt động như thế nào. Và tôi cố gắng tìm ra giải pháp có thể đưa hai đất nước xích lại gần nhau.
Đã có một người tuyệt vời giúp đỡ tôi rất nhiều. Đó là ông Bobby Muller (Chủ tịch Quỹ Cựu binh Mỹ tại Việt Nam – PV). Trong chiến tranh tại Việt Nam, Bobby Muller là lính thuỷ quân lục chiến, bị thương và bị liệt toàn bộ từ hông trở xuống.
Trở về từ cuộc chiến, ông ấy cũng muốn làm gì đó để giúp đỡ người dân Việt Nam. Lúc đó thì tôi đang làm việc để tìm cách gỡ bỏ toàn bộ bom mìn trên thế giới. Tôi biết rõ là có rất nhiều bom mìn đang nằm lại trên đất nước Việt Nam và những quốc gia khác. Vậy nên tôi thành lập Quỹ Cựu nạn nhân chiến tranh Leahy.
Bobby Muller đến văn phòng tìm tôi và các cộng sự, tìm cách đưa quỹ này vào hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Lúc đó quan hệ giữa hai nước chưa phát triển, việc hỗ trợ đối với Việt Nam nếu có, sẽ được xem là một khoản viện trợ nước ngoài.
Tôi nói chuyện với tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) về chuyện này. Tổng thống Bush nói: Chúng ta hãy thử xem. Và chúng tôi đã làm. Chúng tôi đã bắt tay thực hiện một chương trình ở Việt Nam, và tôi đã tới tận nơi thăm chứng kiến hoạt động của chương trình đó.
Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về nỗ lực từ cả hai phía, Việt Nam và Mỹ, trong việc xích lại gần nhau và rồi trở thành bạn bè?
TNS Patrick Leahy: Để tôi kể lại một kỉ niệm mà tôi nhớ rất rõ khi lần đầu sang thăm Việt Nam. Đó là một ngày rất nóng ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Tôi gặp vài người, có lẽ khoảng 40 tuổi. Họ đều cụt chân vì dính phải mìn. Họ ngồi đó, trong nhiều năm chỉ có thể dùng tay để di chuyển trên mặt đất. Đó là cách duy nhất để họ có thể đi lại. Nhưng thời điểm tôi tới, họ sẽ nhận những chiếc xe lăn thông qua Quỹ Leahy mà tôi đã đề cập.
Một người đàn ông trong số này bị thương rất nặng. Tôi nghĩ ông ấy chắc hẳn sẽ rất ghét tôi. Người đàn ông đó nói với tôi rằng, liệu tôi có thể bế ông ấy lên chiếc xe lăn được không. Vợ tôi là y tá, đi cùng tôi. Bà ấy hướng dẫn tôi bế người đàn ông lên xe lăn mà không làm ông ấy bị đau hay tổn thương gì.
Người đàn ông ấy nhìn tôi chằm chằm từ đầu tới cuối. Khi tôi đặt ông ấy vào xe lăn, ông ấy bất ngờ nắm lấy cổ áo tôi, kéo tôi xuống. Và hôn tôi. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó.
Thượng nghị sĩ John Glenn, một phi hành gia nổi tiếng, từng tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc chiến Triều Tiên, cũng có mặt ở đó. Khi John Glenn bế một người khác lên xe lăn, điều tương tự cũng xảy ra. John Glenn không phải là một người đa cảm. Nhưng những gì diễn ra đã khiến ông ấy rất xúc động. Và chúng tôi hiểu cần phải giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh nhiều hơn nữa.
Trở về Mỹ, tôi kể lại câu chuyện với Tổng thống Bush. Tôi thấy ông ấy rơm rớm nước mắt. Thế nên, tôi tự cam kết với bản thân là cần phải làm nhiều hơn cho Việt Nam. Tôi biết đôi lúc tiến hai bước thì lại phải lùi lại một bước. Nhưng chúng tôi đã luôn cố gắng. Cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Ngoại trưởng John Kerry, và nhiều người khác, cũng nỗ lực như vậy.
Phía Việt Nam sau đó đã đề nghị một chiến dịch lớn nhằm làm sạch chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng. Tôi nghiên cứu đề nghị này, và biết thực hiện chương trình đó sẽ cần hàng trăm triệu đô la từ phía Mỹ. Và tôi quyết tâm đi vận động tiền, và cùng với Tướng Nguyễn Chí Vịnh tới tận hiện trường ở sân bay Đà Nẵng.
Chúng tôi nhận thấy một khối lượng lớn đất đá nhiễm chất độc da cam/dioxin quanh khu vực sân bay Đà Nẵng cần phải được làm sạch. Đó thực sự là một chiến dịch lớn, và chúng tôi đã làm được. Sau đó tôi nói chuyện thêm với nhiều người Việt Nam. Họ cho tôi biết, tình trạng nhiễm độc tương tự cũng đang xảy ra ở khu vực sân bay Biên Hoà.
Tướng James Mattis lúc ấy là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tôi nói chuyện với ông ấy về thực trạng nhiễm độc ở Biên Hoà, rằng chúng tôi cần có nguồn kinh phí từ ngân sách quốc phòng, và các nguồn khác để có thể làm sạch khu vực này. Bộ trưởng Jame Mattis sau đó đã tới khu vực sân bay Biên Hoà xem xét thực trạng. Khi về Mỹ, ông ấy nói: “Chúng ta hãy làm thôi!”.
Bộ trưởng James Mattis là tướng bốn sao, từng là lính thuỷ quân lục chiến ngoài chiến trường. Và ông ấy ủng hộ tôi. Tôi sẽ tới Biên Hòa, và chúng tôi sẽ bắt tay vào việc tẩy độc da cam/dioxin tại đây. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ dùng Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy để giúp những trẻ em và những nạn nhân khác bị tổn thương vì hậu quả của chất độc da cam/dioxin, chứ không chỉ những người là nạn nhân của bom mìn.
Vợ tôi và tôi đã tới thăm một số gia đình bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, tận mắt chứng kiến tận mắt tình cảnh của họ. Và tôi tự cam kết với mình, ngày nào còn làm thượng nghị sỹ, tôi còn tiếp tục cố gắng.
Đạo đức làm người chứ không phải là chính trị
Phóng viên: Tôi cũng biết là ông và vợ đã tới thăm một số gia đình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cảm xúc của ông khi ấy như thế nào?
TNS Patrick Leahy: Chúng tôi có con, có cháu. Tất cả đều hoàn toàn khỏe mạnh. Và chúng tôi nghĩ, trái tim các bậc làm cha, làm mẹ sẽ đau khổ như thế nào khi nhìn những đứa con của mình tật nguyền như vậy. Nhiều trường hợp, ngay cả khi những người cha người mẹ qua đời, khi họ không còn trên cõi đời này nữa, những đứa con của họ vẫn phải chịu đựng bao đau đớn.
Vợ tôi là một y tá, với tấm lòng nhân đạo. Bà ấy nói với tôi: “Patrick, chúng ta phải tiếp tục giúp đỡ họ!”. Tôi có bao giờ dừng lại đâu! Bà ấy luôn ở sau tôi. Chúng tôi lấy nhau 56 năm, và tôi lúc nào cũng nghe theo lời của bà ấy!
Phóng viên: Đúng là vợ lúc nào cũng là số một, ngay cả khi chồng có là một thượng nghị sỹ quyền lực! Thưa nghị sĩ Leahy, ông nói “đôi lúc tiến hai bước, rồi lại phải lùi một bước”, rồi mới lại tiến tiếp. Tôi cũng biết ở Mỹ có khái niệm “hai bên hành lang quốc hội”. Ý nói giữa các nghị sỹ của hai đảng trong Quốc hội Mỹ luôn có sự khác biệt. Ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt đó trong vấn đề thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam? Dường như ông đã phải có những cuộc “mặc cả” ngay trong nội bộ nước Mỹ về chuyện này?
TNS Patrick Leahy: Tất nhiên là có những người tôi phải tìm cách thuyết phục. Mọi người luôn cần phải tìm cách hiểu lẫn nhau. Anh (phóng viên) đã làm việc một thời gian ở Mỹ, nên chắc anh biết rằng, người Mỹ thường xuyên có quan điểm khác nhau. Nhưng chúng ta cần phải tìm ra những thứ có thể đồng ý được với nhau.
Có một số người không muốn thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Việt. Nhưng khi tôi huy động tiền để cho chương trình tẩy chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng, hay cho Quỹ nạn nhân chiến tranh Leahy để có thể hỗ trợ tay chân giả, xe lăn, y tế và những thứ khác nữa cho các nạn nhân ở Việt Nam, thì tôi đã nhận được sự ủng hộ từ cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.
Rất nhiều nghị sĩ của cả hai đảng coi đây là vấn đề đạo đức, chứ không phải là vấn đề chính trị. Và cho dù những người này đã từng ủng hộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam hay không, thì họ đều thấy là chúng tôi cần phải đồng lòng trong vấn đề này.
Cũng có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam nói rằng: “Hãy cùng làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn”. Tôi cũng đã gặp nhiều người Việt Nam, nhiều sinh viên Việt Nam. Tôi đã tới nói chuyện ở sinh viên luật của một trường đại học của Việt Nam, và không muốn rời đi bởi khi những câu hỏi chưa được giải đáp.
Đi dọc những con đường ở Hà Nội, Đà Nẵng, mọi người đều nói về việc làm thế nào để quan hệ giữa hai nước tốt đẹp hơn. Bạn sẽ không thể tưởng tượng được những người Việt Nam thân thiện tới mức nào đâu. Có một điều tôi không bao giờ nghĩ tới lại có thể xảy ra. Ấy là vợ tôi đã ngồi trên xe máy của một người bạn đi lòng vòng quanh Hà Nội vài tiếng đồng hồ. Bà ấy có lẽ dũng cảm hơn tôi nhiều! Nhưng như thế chúng tôi đã gặp được nhiều người, thăm thú được thành phố. Rất nhiều người tiến tới chỉ để bắt tay chúng tôi. Họ nói với tôi bằng tiếng Việt. Chúng tôi trả lời bằng tiếng Anh. Chúng tôi không hiểu một từ nào từ người đối diện, nhưng vẫn ôm chầm lấy nhau.
Để tìm ra những thứ có thể đồng ý với nhau, đó là một quá trình dần dần từng bước một. Chúng ta có đồng ý về mọi chuyện không? Tất nhiên là không. Không có hai quốc gia nào có thể đồng ý với nhau về mọi việc. Nhưng tôi hiểu rằng những bậc cha mẹ, ông bà của các sinh viên Việt Nam muốn con cháu có tương lai tốt đẹp hơn, được giáo dục và có cuộc sống tươi đẹp. Chúng tôi, người Mỹ, cũng có mong muốn tương tự với con cháu của mình.
Chúng ta nên lấy đó làm điểm khởi đầu cho mọi chuyện. Tôi rất ấn tượng với những sinh viên Việt Nam mà tôi từng gặp. Họ là tương lai của Việt Nam, là những người có thể giúp Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ họ sẽ làm được. Mỹ có thể hỗ trợ về mặt công nghệ, lĩnh vực mà Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Chúng tôi có thể cùng làm việc cùng họ để giúp Việt Nam phát triển.
Phóng viên: Thượng nghị sỹ, ông là một trong những người đi đầu và dành nhiều tâm huyết cho quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Dường như di sản chiến tranh là vấn đề rất nhạy cảm, nhưng giải quyết nó lại là một động lực góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?
TNS Patrick Leahy: Những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề MIA (tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh) từ nhiều năm trước đã giúp chúng tôi có thể đưa Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy vào Việt Nam. Tổng thống George H. W. Bush lúc ấy, trước những nỗ lực của phía Việt Nam trong vấn đề MIA, đã hỏi rằng: “Chúng ta có thể làm gì để thể hiện lại thiện chí đối với Việt Nam?”.
Tôi cùng ông Bobby Muller đề xuất rằng, hãy làm điều đó thông qua Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy. Liệu chúng ta có thể tìm được hết những binh lính mất tích trong chiến tranh hay không? Tất nhiên là không. Nhưng với sự hợp tác từ phía Việt Nam, năm này qua năm khác, càng có nhiều binh lính Mỹ mất tích được tìm thấy và đưa về nước.
Hậu quả chiến tranh đúng là chuyện rất nhạy cảm mà một số người, ở cả hai phía, sẽ không thể nào quên. Tôi cũng không bảo họ phải quên chuyện đó. Nhưng tôi muốn họ nghĩ tới một tương lai khác. Khi tranh cử để vào thượng viện vào năm 1974, tôi phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trong khi đa phần những cử tri ở bang Vermont của tôi ủng hộ cuộc chiến. Nhưng họ vẫn bầu cho tôi, bởi họ nghĩ rằng tôi sẽ là một tiếng nói trung thực.
Tôi ghi nhớ điều đó. Và tôi đã cố gắng giúp đỡ những cựu binh sĩ Mỹ trở về từ cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi cũng cố gắng giúp những thế người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, và các thế hệ tiếp sau đó nữa. Chúng ta làm tất cả những điều đó vì một mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.
Từ niềm đam mê Batman của một cậu bé
Phóng viên: Tôi rất muốn hỏi ông về niềm đam mê của ông với nhân vật Batman (hay còn gọi là Người Dơi, siêu anh hùng trong truyện tranh của hãng DC Comics). Tôi biết là hồi năm 1996, ông đã viết lời mở đầu cho cuốn truyện tranh “Batman: Cái chết của những người vô tội và sự kinh hoàng của bom mìn” nhằm nâng cao nhận thức về những vũ khí nổ còn sót lại từ sau các cuộc chiến. Liệu có mối liên hệ nào giữa giữa việc giúp các quốc gia vượt qua di sản chiến tranh và câu chuyện về Batman?
TNS Patrick Leahy: Tôi bắt đầu đọc từ khi 3 – 4 tuổi. Tôi đọc mọi thứ, từ sách cổ điển tới truyện tranh. Tôi rất mê Batman vì nhân vật này không có năng lực siêu nhiên, mà luôn chỉ sử dụng đầu óc của mình để giải quyết mọi vấn đề. Tôi thích điều đó. Nên tôi đã viết một số bài báo về nhân vật này, rồi viết lời tựa cho một số cuốn truyện tranh Batman, và xuất hiện trong năm bộ phim về Batman. Và tôi đã chuyển mọi thù lao cho thư viện dành cho trẻ em ở Vermont, nơi tôi có tấm thẻ thư viện đầu tiên khi mới 4 tuổi.
Một trong những điều mà tôi nhớ nhất về Batman là khi tôi cố gắng đề xuất cấm xuất khẩu mìn từ Mỹ sang các quốc gia khác. Tôi làm việc cùng với hãng DC Comics – hãng xuất bản loạt truyện tranh Batman – để viết ra tập truyện có tên “Batman: Cái chết của những người vô tội và nỗi kinh hoàng của bom mìn” (Batman: Death of Innocents: the Horror of Landmines).
Nội dung của cuốn truyện tranh là nhằm phản đối việc sử dụng mìn, thông qua câu chuyện giải cứu một cô bé. Trong cảnh cuối của truyện, cô bé nhìn thấy món đồ chơi lấp lánh và chạy tới để lấy nó. Batman hét lên: “Không!”. Nhưng đã quá muộn. Một tiếng nổ lớn vang lên. Và cô bé biến mất…
Chúng tôi viết ra câu truyện theo cách như vậy, bởi không có cái gọi là kết thúc có hậu với bom mìn. Tôi cũng đã tới thăm một em nhỏ ở một vùng khác trên thế giới. Cô bé đã mất đi đôi chân của mình. Chiến tranh đã xảy ra ở quê hương của cô bé. Bố mẹ cô đã gửi cô sơ tán tới một nơi an toàn. Chiến tranh kết thúc, cô bé quay trở lại để gặp bố mẹ mình. Nhưng khi chạy ngang qua cánh đồng, cô bé dẫm phải mìn, và mất đi đôi chân. Đó là một tai nạn dân sự thương tâm, và người dân vô tội là những người thường bị thương và thiệt mạng bởi bom mìn. Chúng tôi đã lấy câu chuyện đau thương đó để vận động các nghị sỹ.
Phóng viên: Chúng ta đang kỉ niệm 80 năm tập truyện tranh Batman đầu tiên được xuất bản. Ông là người viết lời tựa cho cuốn truyện xuất bản trong dịp này. Thông điệp của ông là gì qua lời tựa đó?
TNS Patrick Leahy: Thông điệp là, hãy có một mục tiêu dẫn lối trong mọi chuyện bạn định làm. Và hãy làm tất cả những thứ có thể để đạt được điều đó. Đừng bao giờ lo lắng về những trở ngại hay bất kì điều gì khác, nếu như bạn nghĩ đó là điều cần làm, đáng phải làm.
Tôi hiện là người cao tuổi nhất tại Thượng viện Mỹ. Điều này giúp tôi có những ảnh hưởng nhất định, có nhiều đặc quyền, nhưng cũng gắn với nhiều trách nhiệm. Với tôi, giúp đỡ nạn nhân bom mìn, tìm cách loại bỏ tất cả bom mìn là vấn đề mang tính đạo đức, chứ không phải vấn đề chính trị.
Tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ giúp bất kì quốc gia nào trên thế giới loại bỏ mìn, dù họ có là bạn hay thù. Chúng ta cần phải loại bỏ bom mìn khỏi cuộc sống. Không chỉ là giúp những nạn nhân là binh sĩ, mà cả những nạn nhân là dân thường vô tội. Tôi nhận thấy, với tư cách là một thượng nghị sỹ, có những vấn đề nhất định mà tôi có thể xử lí. Tôi phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn người bình thường. Khi tôi rời vị trí thượng nghị sĩ, tôi không muốn khi nhìn lại và tự hỏi: “Tại sao mình không làm được gì”. Tôi muốn biết rằng, tôi đã làm được điều gì đó có ý nghĩa.
Phóng viên: Ông nghĩ rằng, những nhà chính trị quyền lực trong Quốc hội Mỹ, hay trong Nhà Trắng, có thể học được điều gì đó từ nhân vật Batman?
TNS Patrick Leahy: Batman, hay nhiều người khác hoàn toàn có thể sống một cuộc sống sung túc, nếu không cần quan tâm đến những người xung quanh, mà chỉ lo cho bản thân mình. Nếu chúng ta là những chính khách cao cấp, có thể là trong Nhà Trắng, hay Quốc hội, với nhiều đặc quyền, thì chúng ta càng cần phải nghĩ cho những người khác, chứ không nghĩ cho chỉ riêng bản thân mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thượng nghị sỹ! Theo Minh Ngọc (Trí Thức Trẻ)