Chìa khóa để phất lên là bạn có thực sự nhận ra cơ hội trước mắt mình hay không. Và nếu bạn nhận ra cơ hội may mắn của mình, bạn có tận dụng nó không.? Bạn có hành động không.
Vậy làm thế nào để nắm bắt cơ hội khi thời vận của bạn đã đến?
Đặt mục tiêu lớn quan trọng hơn kiến thức chuyên ngành
Jack Ma đã trượt kỳ thi vào đại học. Ông không giỏi toán và không biết nhiều về công nghệ. Nhưng, ngay từ đầu, ông ấy đã dám nghĩ và đặt cho mình những mục tiêu rất tham vọng. Ngay sau khi thành lập Alibaba, ông nói với một nhà báo: “Chúng tôi không muốn trở thành số một ở Trung Quốc. Chúng tôi muốn trở thành số một thế giới.” Ông ấy rất chắc chắn về thành công trong tương lai.
Vào tháng 2 năm 1999, ông ấy thậm chí đã quay lại một trong những cuộc họp đầu tiên của Alibaba – để đảm bảo thời điểm quan trọng này được ghi lại nhằm đánh dấu bước khởi đầu thành công của ông ấy.
Khác biệt để thành công
Tỷ phú Jim Rogers là nhà nghiên cứu lịch sử và triết học ở Yale và Oxford trước khi ông ấy làm việc tại Phố Wall vào năm 1968. Trong thời kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, ông đã thành công trong việc đặt nền móng cho đế chế của mình. Ông Rogers gặp ông George Soros tại một ngân hàng đầu tư lớn. Họ cùng nhau thành lập Quỹ Quantum. Họ phớt lờ các quy tắc đầu tư, mua cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ và trái phiếu từ khắp nơi trên thế giới. Họ cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng các chiến lược sáng tạo như bán khống.
Không giống như hầu hết các nhà đầu tư khác, ông Rogers mua cổ phần ở những công ty đang gặp khó khăn. Ví dụ, vào giữa những năm 70, ông đã đầu tư rất nhiều vào công ty máy bay Lockheed. Vào thời điểm đó, Lockheed dính phải một số vụ bê bối và cổ phiếu của công ty rớt giá thảm hại.
Ai lại đi đầu tư vào một công ty như vậy? Rất nhiều người thắc mắc, họ chê cười ông Rogers. Vậy nhưng, Rogers đã đúng với những phân tích tích cực của ông về công ty Lockheed. Giá cổ phiếu tăng vọt và quỹ của ông kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Khi ấy chỉ số S&P 500 chỉ mới tăng 47%, Quỹ Quantum do Rogers và Soros quản lý đã tăng 4.200% một cách đáng kinh ngạc.
Đối mặt với những thất bại
Hầu hết những người siêu giàu đều đã phải đối mặt với những thất bại và khủng hoảng nghiêm trọng. Họ không bao giờ đổ lỗi cho tác động bên ngoài hay người khác, họ luôn tìm lỗi ở mình. Họ không phàn nàn về việc trở thành nạn nhân của hoàn cảnh hoặc mánh khóe “chơi bẩn” của đối thủ, họ nhận trách nhiệm cá nhân về những sai lầm của mình. Họ cũng không bao biện cho những diễn biến tiêu cực của thị trường. Nếu thị trường lao dốc, họ sẽ tự trách mình vì đã đánh giá sai thị trường. Chính điều này đã phân biệt người thành công với kẻ thất bại.
Khả năng tập trung thực sự quan trọng
Đầu tháng 7 năm 1991, Bill Gates Sr. mời một số khách đến dùng bữa tối, trong đó có con trai ông Bill Gates Jr. – người sáng lập Microsoft và nhà đầu tư Warren Buffett. Đây là hai trong số những người đàn ông thành công nhất thế giới, nhiều năm liền đứng đầu danh sách Các tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes. Ông đã hỏi những vị khách tham dự bữa tối của mình: “Mọi người cảm thấy yếu tố nào là quan trọng nhất để đạt được thành công?” Buffett ngay lập tức trả lời: “ Tập trung.” Và Bill Gates Jr. tán thành với ý kiến ấy.
Warren Buffett đã tập trung vào một mục tiêu duy nhất trong nhiều thập kỷ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, ước mơ của ông là trở nên giàu có. Khi mới 11 tuổi, Buffett tuyên bố rằng ông sẽ trở thành triệu phú ở tuổi 35. Ở tuổi 16, ông đã tiết kiệm được 5. 000 đô. Ngày nay, số tiền đó sẽ trị giá khoảng 60. 000 đô – khoản thu nhập đáng kể đối với một thiếu niên 16 tuổi. Dự đoán của ông chỉ lệch 5 năm. Ông ấy đã kiếm được 1 triệu đô đầu tiên vào năm 30 tuổi.
Bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có nếu bạn không thể chiếm được lòng tin của người khác
John D. Rockefeller, người giàu nhất trong lịch sử, là bằng chứng sống cho thấy niềm tin quan trọng như thế nào trong kinh doanh. Trong suốt sự nghiệp đáng kinh ngạc của mình, ông ấy nói rằng vấn đề lớn nhất của bản thân luôn là: “Có đủ vốn để thực hiện bất cứ công việc kinh doanh mà tôi muốn làm và có thể làm, luôn là như thế.” Rockefeller biết rõ khả năng xây dựng lòng tin ở các ngân hàng và nhà đầu tư là một trong những tài sản quý giá nhất của ông.
Vậy, cách tốt nhất để khiến người khác tin tưởng bạn là gì? Thông qua hành động và quan trọng hơn là giữ vững lòng tin đó.
Công thức thành công là kiên trì và sẵn sàng thử nghiệm
Nhiều cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bền bỉ và điều đó luôn đúng. Nhưng chỉ duy trì nhiệt huyết thì không có gì đảm bảo bạn sẽ thành công. Nó cần được kết hợp với một yếu tố rất quan trọng khác là sẵn sàng thử nghiệm.
Những thử nghiệm quan trọng hơn một kế hoạch kinh doanh chính xác. Một ví dụ chứng minh điều đó là: Tỷ phú Michael Bloomberg, người ở vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất thế giới theo Tạp chí Forbes với khối tài sản kếch xù lên tới trên 55 tỷ USD. Ông đã chia sẻ rằng một trong những bài học “xương máu” đó là: lập kế hoạch cứng nhắc có thể gây hại nhiều hơn có lợi.
Thực tế, bạn chắc chắn sẽ phải “chạm trán” với những vấn đề khác với những dự đoán của mình. Đôi khi bạn sẽ phải “lươn lẹo” khi đối mặt với thách thức. Bạn không muốn một kế hoạch chi tiết, thiếu linh hoạt sẽ cản trở lúc bạn cần đưa ra quyết định nhanh chóng.
Nếu bạn muốn hiểu sự thành công của nhiều công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, bạn cần phải có ý tưởng “xoay trục”. “Xoay trục” có nghĩa là từ bỏ kế hoạch cũ và tạo cho công ty một hướng đi hoàn toàn mới và khác biệt. Mục tiêu là để thiết lập một vị thế vững chắc trên thị trường đầy biến động. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của bạn ngay lập tức.
Khả năng bán hàng là rất quan trọng
Bán hàng không chỉ là tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ. Đối với các tỷ phú, bán hàng là khả năng thuyết phục người khác, cho dù đó là để nhận được sự tán thành từ phía quan chức chính phủ, để giữ chân nhân viên, hoặc để yêu cầu ngân hàng đưa ra cam kết tài chính chắc chắn. Mọi thứ đều là doanh số.
Dương Thảo An (Bllnr)