Các chuyên gia Nhật Bản lại tiếp tục bỏ công bỏ sức tiền bạc dù đã một lần trắng tay để hồi sinh con sông Tô Lịch. Bên cạnh lời xuýt xoa trước những phẩm chất của người Nhật, chúng ta – những người thương hoài cố danh – lại có thêm một tia hy vọng. Bởi sông Tô không chỉ rất đẹp trong thơ ca, mà còn mang theo bí ẩn từ cái tên của mình. Phải chăng đó là một lời tiên tri, một niềm hy vọng…
Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) một lần nữa quyết tâm bỏ công sức và tiền bạc để hồi sinh con sông Tô Lịch cho Hà Nội. Đề án cải tạo Tô Lịch trở thành công viên lịch sử – văn hóa – tâm linh bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản đã được gửi lên thành phố. Ngoài viễn cảnh về một dòng sông trong lành chạy dọc thủ đô, như một Thanh Xuyên Khê (Cheonggyecheon) của Seoul, một Sein của Paris hay Spree của Berlin… Tô Lịch hồi sinh còn có ý nghĩa rất lớn, bởi ngay từ sự hình thành và cái tên của con sông đặc biệt này, đã mang trong mình nguồn cội và sinh khí của Hà Thành, của Vạn Xuân.
Phối cảnh theo đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE. Ảnh chụp màn hình Vietnamnet.
Sông Thanh Xuyên Khê (Cheonggyecheon) chảy qua giữa trung tâm thủ đô Soeul của Hàn Quốc.
Khởi đầu thần thánh
Trong Lĩnh Nam Chích Quái có câu chuyện về Thần sông Tô Lịch. Lúc ấy Cao Biền đang xem hình thế đất để xây thành Đại La. Giữa tháng sáu nước mưa lên cao, Biền cưỡi thuyền nhẹ lướt vào tiểu sông, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng, cười nói tự nhiên. “Biền hỏi họ tên. Đáp: ‘Ta họ Tô tên Lịch‘. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: ‘Nhà ở trong sông này‘. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là Thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch”.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, “thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm Thần. Đêm nằm mộng thấy Thần nhân tới nói rằng: ‘Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ (Hà Nội xưa), đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?’. Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa sầm sập, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: ‘Xứ này có Thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ’. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay” – (Trích: Lĩnh Nam chích quái).
Sách Đại cương lịch sử Việt Nam viết rằng, trước đó vào năm 544, khi xưng Nam Việt Đế, Lý Nam Đế đã đóng đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời.
Gần 500 năm sau, trên đường từ Hoa Lư về thăm quê ở Cổ Pháp, vua Lý Công Uẩn đã cho dừng thuyền ngự trên ngã ba sông Thiên Phù Tô Lịch ở bến Hồng Tân (vùng chợ Bưởi bây giờ). Ở đây vua đã nhận ra thế đất “dựng nghiệp để vương cho muôn đời”.
Một số phiên bản của Lĩnh Nam chích quái kể rằng khi Lý Thái Tổ dời đô, Thần Tô Lịch thác mộng chúc mừng vua và cũng được vua phong là “Đô quốc Thành hoàng đại vương”, tức Thành hoàng của Thăng Long.
Từ ngày Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, sông Tô Lịch đã từng có một sức sống mạnh mẽ qua các triều Lý – Trần – Lê.
Sông Tô một dải lượn vòng
Ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh.
…
Sông Hồng một khúc uốn quanh
Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài.
(Ca dao)
Sông Tô đã từng gắn liền với nguồn gốc người Hà Thành, với sự ra đời của Vạn Xuân hào hùng, với lịch sử linh thiêng dựng nước giữ nước. Theo lời Giáo sư Lê Văn Lan thì với tuổi đời hơn 2000 năm, sông Tô đã bị bóp nghẹt trong khoảng 100 năm rồi “chết lâm sàng” mấy chục năm gần đây.
Sứ mệnh tái sinh – hãy nắm bắt!
Là người Hà Nội, là người dân đất Việt, chắc hẳn ai đã từng hiểu biết sử Việt đều đau đáu về những giá trị linh thiêng của dân tộc và mong có ngày con sông ấy hồi sinh.
Tô Lịch trong tiếng Hán là “蘇瀝”, với chữ “Tô” (蘇) có nghĩa là sống lại, tái sinh, tái thế. Chữ “Lịch” (瀝) có nghĩa là giọt nước. Giọt nước linh thiêng từ Thiên Thượng mang theo sự sống và phồn vinh cho cư dân Việt một thời, lẽ nào đã mang trong mình sứ mệnh hồi sinh vào một ngày nào đó? Sứ mệnh hồi sinh dòng sông, phải chăng cũng là sứ mệnh hồi sinh Vạn Xuân cho muôn đời?
Nhưng đáng buồn thay, trong con mắt và sự hiểu biết của những người Hà Thành ngày nay, Tô Lịch chỉ là một cái cống dài hôi thối phiền hà. Chúng ta đang bức tử dòng sông bởi hàng trăm, nghìn cửa cống, rãnh xả thải dọc bờ sông. Từ những công trình trong quy hoạch cho đến các đường ống tự phát của người dân. Không còn nhiều người Hà Nội nhớ về con sông gắn liền với một phần lịch sử dân tộc, càng chẳng có nhiều người lưu giữ chút niềm tin vào sinh mệnh của một dòng sông cũng từng thần thánh, linh thiêng lắm.
Chúng ta thờ ơ hoặc có chăng chỉ đau đáu một nỗi niềm rồi đành bất lực, bởi quan niệm rằng dòng sông đã là một cái cống, Tô Lịch đang chết.
Nhưng rồi người Nhật đến, lăn xả trên con sông hôi thối đặc quánh của chúng ta, âm thầm gạt bỏ nỗi buồn thất bại bởi sự tắc trách của người Việt khi cho tháo nước Hồ Tây cuốn trôi mọi thành quả bước đầu của thí nghiệm. Họ bắt đầu lại từ đầu với bao công sức, tiền của, thời gian, đã có lúc họ thả cá Koi và bơi lội giữa lòng sông Tô Lịch – một hình ảnh gây sốc và triệu hồi sứ mệnh của cái tên “Tô Lịch”: giọt nước tái sinh.
Người Nhật cũng có cùng một niềm tin như người Việt xưa: “Vạn vật hữu linh”, họ tin mỗi con sông đều là một Kami (vị Thần trong Thần Đạo). Người Nhật bảo vệ thiên nhiên và rất có ý thức môi trường, có thể nói một phần là nhờ ý thức hệ lâu đời về sự khiêm nhường của con người trước tự nhiên. Những thảm họa môi trường, những sáng kiến phục vụ đời sống dẫn tới phá hủy tự nhiên đang khiến con người phải trả giá, phần nhiều xuất phát từ sự ngạo mạn và ảo tưởng của chúng ta về việc có thể “làm chủ thiên nhiên”, thậm chí trục lợi từ một con sông đang hấp hối.
Hồi sinh Tô Lịch không chỉ là một việc ‘ai làm thì lợi hơn’, ‘làm thế nào thì tốt cho ai hơn’, mà là việc cả cộng đồng cần phải chung một nhận thức dựa trên thiện tính: Có trách nhiệm với những gì đang tồn tại xung quanh chúng ta, từ nhành cây, ngọn cỏ cho tới một con sông; Có sự khiêm cung đối với nguồn cội linh thiêng; Có khát khao làm những điều đúng đắn, tốt đẹp để phục hồi di sản cho tương lai.
Nếu Tô Lịch có thể hồi sinh, dù là ai đã làm được điều đó, người Việt hay người Nhật, thì đó là kết quả của những tấm lòng tử tế, không phân biệt lợi ích và bám víu vào danh tiếng. Đó là kết quả của sự thành tâm chứ không phải chỉ là dự án thu lợi hay công trình báo cáo thành tích. Nếu người Việt có thể làm được như vậy, hồi sinh sự tử tế và khiêm nhường, dẹp bỏ những lợi ích nhóm hay những tính toán thiệt hơn, thế thì chẳng phải sự hồi sinh Tô Lịch chính là sự hồi sinh của Vạn Xuân khi xưa? Nước Việt từ một việc nhỏ như vậy đã có chút niềm tin rồi – niềm tin về mùa xuân đời đời…
DKN