Vốn kín tiếng trên thương trường, ông Đinh Văn Vui, Chủ tịch Suối Tiên Group là chủ của nhiều công trình để đời, trong đó có dự án khu du lịch Suối Tiên.
Ông Đinh Văn Vui – Chủ tịch Suối Tiên Group, ông chủ của khu du lịch Suối Tiên, sinh năm 1954 tại Sóc Trăng và mồ côi cha từ nhỏ. Bước ngoặc cuộc đời doanh nhân này diễn ra trong năm 1978, khi ông tìm đến với vùng đất Suối Tiên – một địa danh nằm ở Ấp Tân Nhơn, Xã Tân Phú, Huyện Thủ Đức (nay là Quận 9) cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 19km và bắt đầu khai khẩn lập trang trại.
Từ một miền đất hoang hóa, khởi đầu chỉ với 6.600 m2, khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (105 hecta ) ra đời một thời được xem là biểu tượng công viên chủ đề của TP.HCM và hiện nay vẫn là nơi du lịch tham quan của người dân cả nước.
Nhớ về những ngày đầu xây dựng, ông Vui nói: “Trong những ngày đầu khai khẩn đất lập trang trại, tôi cùng 6 người cộng sự phát hiện một mạch nước phun trào lên. Tôi cảm thấy lạ và tìm hiểu, được biết đó là dòng suối chảy ngầm trong lòng đất, có huyền thoại về 7 cô gái cùng tuổi Rồng lần lượt quy tiên tại dòng suối nên dân trong vùng gọi là Suối Tiên.
Trong tôi bỗng trào dâng một cảm xúc khó tả, một linh cảm chợt đến như duyên tiền định và thôi thúc tôi một cách mãnh liệt: Phải khơi dậy mạch sống của vùng đất này, phải làm một cái gì đó cho mảnh đất huyền thoại này”.
Theo Chủ tịch Suối Tiên Group, trong những năm đầu lập nghiệp với nông trại và sau này là khu du lịch Suối Tiên ông gặp rất nhiều khó khăn khi mà đồng vốn còn hạn hẹp, cơ chế còn nhiều khó khăn.
Với quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, ông Vui đã cùng với các cộng sự tâm huyết, chí cốt bắt tay vào việc khai khẩn lập trang trại Suối Tiên. Diện tích ban đầu của lâm trại chỉ có 6.600 m2 đất hoang và chỉ là một trại nuôi trăn nhỏ. Đầu năm 1992, dự án xây dựng khu du lịch văn hóa Suối Tiên được phôi thai và hình thành, các hạng mục công trình lần lượt mọc lên.
“Ngày 2/9/1995, khu du lịch văn hóa Suối Tiên chính thức mở cửa đón du khách. Đây là mốc đáng nhớ khởi đầu cho khu du lịch văn hóa Suối Tiên phát triển và trở thành thương hiệu nổi tiếng như hiện nay”, ông Vui nói.
Từ năm 1987, bắt đầu lập trang trại đến ngày 2/9/1995, khu du lịch Văn hóa Suối Tiên chính thức mở cửa là một quá trình nhiều gian khó; nuôi trăn xuất khẩu, canh tác trồng cây, cải tạo đất, sản xuất xuất khẩu gỗ xẻ, làm hàng mỹ nghệ cao cấp trên diện tích chỉ vẻn vẹn là 6.600m2.
Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là sức ép về đầu ra của sản phẩm, cộng với việc xuất khẩu hàng hoá và tìm kiếm thị trường nước ngoài là vô cùng mới mẻ và cực kỳ khó khăn trong giai đoạn này. Thu nhập dần dần tạo nguồn vốn, lấy ngắn nuôi dài để tạo đà cho những ấp ủ mở rộng và phát triển về sau.
Còn về hoạt động du lịch ở nước ta vào thập niên 1990 chưa thật sự được chú trọng, những khu du lịch, giải trí lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế về loại hình và tầm vóc hiện đại.
Mô hình du lịch của Suối Tiên giai đoạn đầu được ông Vui chia sẽ là do mình học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan. Ông kể, sau khi Suối Tiên mở cửa đón khách được hai năm,ông được một đơn vị mời đi tham quan Thái Lan.
‘Khi đi thăm công viên của họ, tôi đã “lạc” vào một trại nuôi cá sấu. Vốn biết tiếng Suối Tiên, ông chủ trại hỏi tôi: Liệu bao giờ Việt Nam mới có một công viên như ở Thái Lan? Tôi trả lời: “Ba năm nữa tôi sẽ theo kịp các ông”. Ông ta tỏ ý không tin. Quả thật, chuyến đi này rất có ý nghĩa với tôi, nó làm thay đổi cả nhận thức lẫn tư duy của tôi trong định hướng làm du lịch. Là người cầu thị, tôi học hỏi được nhiều điều từ nước bạn, nhưng không có chuyện “cóp py”, ông Vui kể lại.
Học hỏi Thái Lan và tự xây dựng Suối Tiên theo bản sắc riêng của người Việt. Ngay khi xây dựng con rồng dài 400 mét, Suối Tiên vẫn bám chắc chủ đề về lịch sử, con người và đất nước Việt Nam. Từ những công trình như bàn chân Giao Chỉ, đài tưởng niệm Vua Hùng, Hồ Gươm – Rùa Vàng… ông Vui đều muốn đưa du khách trở về với cội nguồn dân tộc một cách nhẹ nhàng, không khiên cưỡng.
Và cứ như vậy, du lịch văn hóa Suối Tiên hằng năm cho ra đời từ 1 đến 2 công trình giải trí mới để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng đa dạng. Đặc biệt, vào năm 2014, du lịch văn hóa Suối Tiên đổi mới toàn diện cảnh quan, công nghệ giải trí đầu tư gần 200 tỷ đồng cho ra 8 công trình vui chơi, giải trí mới lạ, hiện đại.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Suối Tiên trở thành một Công ty Du lịch hàng đầu của cả nước, đồng thời khẳng định được vị thế trong khu vực và thế giới. Với diện tích 105ha, trên 150 công trình, mô hình vui chơi giải trí, đa dạng và phong phú. Vốn đầu tư tính đến nay là: 4.000 tỷ đồng và hơn 800 lao động, hàng năm Suối Tiên đón khoảng 4,5 triệu lượt khách đến tham quan.
Không như nhiều gia đình khác, 5 người con và vợ của ông Đinh Văn Vui đều phục vụ cho Suối Tiên Group. Trong những lần phỏng vấn trước đây, ông Vui từng tiết lộ, những người con của ông đều phụ giúp việc điều hành các hoạt động của khu du lịch văn hóa Suối Tiên và các dự án đầu tư khác. Còn vợ ông chính là người điều hành trực tiếp mảng nhà hàng – ăn uống trong khu giải trí Suối Tiên.
Trong Ban Giám đốc của khu du lịch Suối Tiên, chúng ta có thể thấy tên những người con của ông Vui là bà Đinh Thị Ngọc Mai – phụ trách sale-marketing và ông Đinh Văn Sơn – phụ trách mảng kinh doanh – sản xuất, bà Đinh Thị Hiếu – Giám đốc nhà hàng Long Hoa Thiên Bảo.
Mặc dù ông và những người con đều là những người thành công trong lĩnh vực du lịch, nhưng họ ít khi xuất hiện trong vai trò là doanh nhân. Trên truyền thông, hình ảnh của họ thường chỉ được biết đến trong vai trò là những phật tử thích làm từ thiện, thiện nguyện.
Khánh Hà (DĐDN