Thế giới biết đến Kiribati là một quốc gia nằm rất thấp ở giữa Thái Bình Dương có nguy cơ ngập lụt khi khí hậu thay đổi và nước biển dâng.
Người ta biết ít hơn nhiều về vị trí chiến lược của nó và sự chú ý đang tăng lên từ Bắc Kinh, nơi đã đề xuất nạo vét quy mô lớn để cải tạo đất từ các đầm phá. Mục đích là nâng chiều cao của các đảo san hô và tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, trong đó có hai cảng chính.
Theo tạp chí The Strategist, các công trình khổng lồ có thể sẽ được thực hiện bởi chính đội tàu cuốc mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo, và gần như chắc chắn sẽ gây ra sự tàn phá nghiêm trọng tương tự đối với các rạn san hô ở Kiribati.
Kiribati nằm ở trung tâm địa lý thực sự của Thái Bình Dương rộng lớn, bao gồm 32 đảo san hô và một đảo san hô nhô lên. Kiribati có ba nhóm đảo riêng biệt – Quần đảo Gilbert ở phía Tây, Quần đảo Line ở phía Đông và Quần đảo Phoenix ở giữa – với các vùng đặc quyền kinh tế riêng biệt. Vùng đặc quyền kinh tế kết hợp có diện tích 3,5 triệu km vuông, bằng một nửa diện tích của Australia và là nơi có cá ngừ và các loài cá di cư khác, các khoáng chất dưới đáy biển. Diện tích đất liền của tất cả các hòn đảo cộng lại chỉ là 800 km2 và dân số khoảng 120.000 người.
Vào tháng 9 năm 2019, chính phủ Kiribati đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Vào tháng 6 năm nay, Đảng Kiribati Tobwaan (TKP) giành nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai trong chính phủ.
Tuyên ngôn phát triển quốc gia của TKP, ‘Tầm nhìn 20 năm Kiribati’, có vẻ như được tích hợp vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dành ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng hai ‘trung tâm trung chuyển’ – các cảng chính ở một quốc gia nhỏ bé không có thị trường kinh tế cho các cơ sở như vậy.
Một trung tâm được quy hoạch tại thủ phủ của đảo san hô Tarawa ở phía tây, là nơi diễn ra cuộc đổ bộ lớn đầu tiên của lực lượng Mỹ trong cuộc chiến chống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Trung tâm thứ hai được lên kế hoạch tại đảo san hô Kiritimati (‘Christmas’) có vị trí chiến lược ở phía đông, phía nam Hawaii và các căn cứ quân sự của Mỹ.
Các đảo san hô của Kiribati có diện tích đất rất hạn chế và chỉ cao hơn mực nước biển vài mét. Giống như các quốc gia đảo san hô thấp khác, Kiribati đang bị đe dọa trực tiếp bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu và các tác động khác đã và đang xảy ra. Ngoài các trung tâm trung chuyển, tầm nhìn 20 năm đề xuất cải tạo đất quy mô lớn. Mục tiêu đã nêu là phát triển thương mại và công nghiệp, và bề ngoài là nâng cao các đảo san hô như một phản ứng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề xuất xây dựng đảo lớn và phát triển cái gọi là trung tâm trung chuyển nâng cao triển vọng về các căn cứ quân sự của Trung Quốc, hoặc ít nhất là ban đầu, các cơ sở lưỡng dụng tiềm năng (phục vụ cả nhu cầu dân sự lẫn quân sự), được thiết lập ngay trên trung tâm Thái Bình Dương, trải dài dọc theo đường xích đạo gần 3.500 km từ Tarawa đến Kiritimati. Trung Quốc cũng có một trạm theo dõi vệ tinh hình quả cầu ở Kiribati, hiện có thể đã được kích hoạt lại.
Những cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát các ngư trường đánh bắt cá ngừ tốt nhất thế giới cộng với các vùng tài nguyên khoáng sản biển sâu và sự hiện diện gần các căn cứ của Mỹ tại Hawaii, các đảo Kwajalein, Johnston Atoll và Wake.
Chúng cũng sẽ được bố trí trực tiếp trên các tuyến đường biển chính giữa Bắc Mỹ với Úc và New Zealand. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nỗ lực của Nhật Bản để chặn các con đường tương tự đã bị đánh bại, bắt đầu bằng Trận chiến Biển San hô và sau đó là trận chiến đánh chiếm Guadalcanal ở Quần đảo Solomon.
“Ngày nay, Trung Quốc đang có những bước đi nhằm kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trên biển xuyên Thái Bình Dương dưới chiêu bài hỗ trợ phát triển kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu”, The Strategist viết.
Những phát triển ở Kiribati là một phần của chiến lược lớn hơn nhiều trên toàn Thái Bình Dương của Trung Quốc. Một sự hoán vị khác của việc Trung Quốc ‘chiếm đảo’ ở Thái Bình Dương là việc thuê đảo san hô Hao chiến lược ở Polynesia thuộc Pháp, bề ngoài là để phát triển một trang trại cá trị giá hơn 2 tỷ USD trong đầm đảo san hô, đủ lớn và sâu để chứa một hạm đội hải quân.
Hao là một căn cứ quan trọng của Pháp trong những năm 1980 và 1990, được sử dụng để hỗ trợ các vụ thử vũ khí hạt nhân trên đảo san hô Moruroa và Fangataufa gần đó. Nó có một sân bay do người Pháp xây dựng, với một đường băng đủ dài để chứa các loại máy bay vận tải cỡ lớn, thân rộng.
Việc kiểm soát cơ sở tại Hao, cùng với những cơ sở được đề xuất ở Kiribati và những nơi khác trên trung tâm Thái Bình Dương, thể hiện khả năng thi triển sức mạnh vượt ra ngoài tầm mức ‘ba chuỗi đảo’ cũ được các nhà chiến lược áp dụng khi nói về Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, và đặt ra yêu cầu điều chỉnh phản ứng chiến lược khẩn cấp từ các nước như Australia, New Zealand hay Mỹ.
Theo Tiền Phong