Những người thành công trong kinh doanh là những người có kỹ năng lập kế hoạch. Họ dành thời gian để tìm hiểu và học hỏi về cách tư duy chiến lược.
Tư duy chiến lược có nghĩa là có tầm nhìn. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện thứ gọi là “tư duy toàn cảnh”. Nhà lãnh đạo xem xét mọi việc họ đang làm và những gì có thể ảnh hưởng đến họ. Họ xem bản thân là một phần của thế giới rộng lớn hơn. Họ luôn tự nhủ rằng, “Nếu tôi làm việc này, điều gì có thể xảy ra? Đối thủ cạnh tranh sẽ phản ứng thế nào; bạn bè và kẻ thù sẽ phản ứng ra sao; khách hàng sẽ có thái độ thế nào?”.
Theo bậc thầy lĩnh vực quản trị Brian Tracy, các nhà lãnh đạo là những chuyên gia về tư duy suy luận. Họ có thể dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai dựa trên những việc đang diễn ra ở hiện tại.
Họ quan sát xu hướng mua sắm hôm nay của khách hàng để quyết định loại sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng sẽ mua hoặc mong đợi trong tương lai.Nhà lãnh đạo cũng dự đoán được các cơn khủng hoảng. Họ không chờ đợi đến khi mọi chuyện đã rồi mà luôn đặt câu hỏi: “Điều gì có thể đi chệch hướng? Chuyện gì có thể xảy ra, đe dọa công việc của tôi?”.
Tương tự như tư duy suy luận là tư duy mục đích luận, tức là hướng đến tương lai và cân nhắc những kết cục và kết quả khác nhau có thể xảy ra trước khi hành động. Napoleon được cho là nhà cầm quân vĩ đại, giành chiến thắng hầu hết các trận dù chỉ điều binh từ trong lều. Ông xem xét các kế hoạch tác chiến và bản đồ quân sự; cân nhắc mọi điểm bất ổn và nghiền ngẫm kỹ lưỡng các bước hành động để đối phó với từng vấn đề. Trong không khí sục sôi của trận đánh, trong hoàn cảnh bất lợi, ông thông tỏ tất cả những việc cần làm và có thể đưa ra giải pháp ngay tức khắc.
Các nhà tư tưởng chiến lược kiệt xuất luôn có lợi thế hơn những người không dành thời gian suy nghĩ thông suốt trước khi hành động.
Nhà lãnh đạo phải có kế hoạch chiến lược cho tổ chức của mình. Để xây dựng một kế hoạch hiệu quả, bạn phải trả lời 6 câu hỏi then chốt sau:
Bạn đang ở đâu?
Mọi kế hoạch chiến lược đều được bắt đầu bằng một đánh giá đầy đủ về tình hình của công ty. Nếu không nắm rõ tình hình hiện tại của mình, bạn sẽ không biết công ty cần thực hiện những bước đi cần thiết nào để đạt được mục tiêu chiến lược. Đối với mỗi đơn vị kinh doanh hoặc lĩnh vực sản phẩm, hãy xác định rõ doanh thu, lợi nhuận, giá trị tài sản, xu hướng và vị thế cạnh tranh.
Bạn đã đạt đến vị thế hiện tại bằng cách nào?
Trung thực là điểm mấu chốt trong câu trả lời cho câu hỏi này. Những quyết định nào đưa bạn đến vị thế hiện tại? Hoạt động nào có ý nghĩa quan trọng đối với thành công hiện tại? Hoạt động nào không cần thiết cho việc thu hút và giữ chân các khách hàng mang lại lợi nhuận? Hoạt động nào lẽ ra nên thuê ngoài nhưng vẫn được tiến hành tại công ty?
Bạn muốn đi đến đâu?
Sau khi xác định được bạn đang ở đâu và tại sao bạn lại ở đó (bước 1 và 2), giờ đây là lúc bạn phải xác định thật chi tiết nơi muốn tới. Ví dụ, hãy xác định các sản phẩm bạn sẽ bán, cơ sở khách hàng mà bạn nhắm tới và các kết quả tài chính bạn sẽ đạt được trong điều kiện lý tưởng sau 5 năm nữa.
Làm thế nào để đến được nơi bạn muốn từ vị trí hiện tại?
Lập một danh sách mọi việc bạn cần làm để đạt được tương lai lý tưởng vừa mô tả. Mỗi khi nghĩ ra một nhiệm vụ mới, hãy thêm nhiệm vụ đó vào danh sách.
Bạn phải vượt qua những trở ngại nào để đạt được mục tiêu chiến lược của mình?
Có những ràng buộc và hạn chế cản trở bạn tạo nên công ty lý tưởng như kế hoạch chiến lược. Những ràng buộc và yếu tố này là gì và bạn có thể làm gì để khắc phục chúng?
Bạn cần bổ sung kiến thức hay nguồn lực nào để đạt được mục tiêu chiến lược?
Công ty luôn cần tích lũy hoặc phát triển những năng lực cốt lõi mới để thích ứng với nhu cầu của khách hàng và vượt lên trước đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, nhiều công ty hiện nay đã tuyển thêm các chuyên gia truyền thông xã hội vào đội ngũ nhân viên của mình.
TN –Theo Nhịp Sống Kinh Tế